Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Vén màn bí ẩn những lời đồn đoán về Molière

Đăng ngày:

Các giai thoại về nhà soạn kịch Molière vẫn tạo ra nhiều cuộc tranh luận từ nhiều thế kỷ qua. Nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày sinh đại văn hào Pháp, Thư viện Quốc Gia Paris tổ chức triển lãm “Molière và vở kịch giữa thực và giả” (Molière le jeu du vrai et du faux – 27/09/2022-15/01/2023), để đưa công chúng tìm hiểu rõ hơn về Molière và sự nghiệp cũng nhưu cuộc đời ông.

Cuốn catalogue về Molière tại thư viên quốc gia Pháp.
Cuốn catalogue về Molière tại thư viên quốc gia Pháp. © Chi Phuong
Quảng cáo

Với những đóng góp to lớn vào nền nghệ thuật và văn chương, Molière là cái tên đại diện cho ngôn ngữ Pháp – ngôn ngữ của Molière. Các tác phẩm kịch nói, đến nhạc kịch, hài hước và mang đầy tính châm biếm không chỉ thu hút đông đảo khán giả ở Pháp và châu Âu mà còn được trình diễn tại nhiều quốc gia khác. Ông được xem là vị đại sứ truyền bá văn hoá Pháp ra ngoài thế giới. Qua 4 thế kỷ, các tác phẩm của ông đã được chuyển thể sang nhiều ngôn ngữ khác nhau, trình diễn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Di sản mà ông để lại gồm khoảng hơn 30 tác phẩm lớn nhỏ, như Người Bệnh Tưởng (Le malade imaginaire), Lão hà tiện (L’avare), Trưởng giả học làm sang (Le Bourgeois gentilhomme).  

Nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày sinh của Molière, thư viện Quốc gia Pháp cùng Nhà hát lớn Opera Garnier, đồng tổ chức các cuộc triển lãm, vén bức màn ở hậu trường, đằng sau ánh sáng của sân khấu, đưa người xem đến gần với quá trình xây dựng các vở kịch của Molière, từ trang phục cho đến âm nhạc hay thiết kế sân khấu. Đặc biệt là cả những giai thoại về cuộc đời của nhà soạn kịch, diễn viên, nhà thơ, Jean Baptiste Poquelin với nghệ danh Molière. 

Nếu như đa số các tác phẩm của Molière được lưu truyền, được nghiên cứu cẩn thận thì cuộc đời và danh tính của đại văn hào lại là một ẩn số đối với công chúng. Người ta biết đến Jean Baptiste Poquelin qua những cuốn truyện, những vở kịch hay thước phim và đa số thường là được sáng tác ra. Chân dung của Molière đôi khi được phác họa như là một diễn viên nghèo khó, lang thang trên khắp nẻo đường ở Pháp. Vẫn là Molière, một nhà soạn kịch ngồi cùng bàn ăn với vua Louis XIV; hay Molière chết trên sân khấu trong vở kịch cuối cùng của mình “Người bệnh tưởng”. Bốn thế kỷ qua, biết bao câu chuyện đã được thêu dệt về đại văn hào Pháp, khiến công chúng không rõ thực hư ra sao. Cho đến nay, chúng ta biết gì về Molière ? Đó chính là câu hỏi mà triển lãm “Molière và vở kịch giữa thực và giả” (Molière le jeu du vrai et du faux – 27/09/2022-15/01/2023), đưa công chúng tại Pháp tìm ra câu trả lời. Bà Agathe Sanjuan, phụ trách lưu trữ tại Comédie Française và là giám tuyển của triển lãm cho biết : 

“Chúng tôi đã đặt tên cho triển lãm là ‘Molière và vở kịch giữa thực và giả’ bởi vì đây là một nghi vấn, một vấn đề được đặt ra xung quanh cuộc đời của Molière cũng như về các tác phẩm do ông sáng tác. Có quá nhiều thông tin sai lệch được loan truyền về tiểu sử của ông. Do vậy chúng tôi thấy rất quan trọng để làm sáng tỏ những nghi vấn này thay vì tổ chức một triển lãm nói về cuộc đời của Molière. Tại triển lãm chúng tôi nêu ra những việc mà mọi người đã biết, những điều mà chúng ta đã tin là như vậy từ lâu nhưng thực ra lại không hoàn toàn là sự thật. Theo tôi, đây là một đề tài rất quan trọng trong lịch sử của kịch trường. Đó là nghệ thuật đại diện cho một thứ gì đó, không hẳn là sự thật, nhưng được trình diễn một cách biến nó thành sự thật. Đó là nghệ thuật giữa thật và giả.  

Triển lãm được tổ chức tại Galerie Mansart, một gian phòng trong Thư Viện Quốc Gia Pháp Richelieu, vừa mở cửa trở lại sau 12 năm tu sửa. Đây cũng là công trình được xây dựng cùng thời với Molière. Triển lãm được xây dựng trên 3 đề tài chính : Cuộc đời của những huyền thoại, Molière cổ điển hay hiện đại, Molière - một tác giả hoàn cầu. Gian triển lãm đầu tiên giới thiệu những bức chân dung của Molière được phác hoạ, có nhiều phiên bản đến nỗi mà công chúng khó biết được đâu mới là diện mạo thật sự của Molière. Những bản thảo về tiểu sử của Molière đầu tiên được soạn ra chỉ vài năm sau khi ông tạ thế, đã được sử dụng như một bản quy chiếu từ nhiều thập kỷ, đã nuôi dưỡng trí tưởng tượng của công chúng. Thế nhưng, tất cả chỉ mang tính tương đối và có nhiều tình tiết sai lệch. Nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật kịch trường, đồng giám tuyển của triển lãm, ông Joël Huthwohl trả lời báo chí, một ngày trước khi triển lãm mở cửa với công chúng : 

“Những bút tích duy nhất mà Molière để lại đó là chữ ký của ông, chủ yếu được tìm thấy trong những văn bản hành chính trong nhà hát, hiện được giữ bởi Cục lữu trữ quốc gia. Chúng tôi cũng đã quyết định trưng bày một văn bản cực kỳ độc đáo, đó là bản tổng hợp tài sản của Molière sau cái chết của ông. Tài liệu này liệt kê chi tiết tài sản của Molière. Đối với những nhà nghiên cứu về lịch sử kịch trường, đây là một tài liệu rất thú vị bởi vì nó có thể cho phép suy ra rằng Molière có thể là một người giàu có, một trưởng giả ở Paris. Từ những dụng cụ làm bếp quý giá cho đến thước đo nhiệt độ, những vật dụng ám chỉ thuộc về những người giàu có. Tài liệu này cho phép xoá bỏ những lời lẽ sáo ngữ về cuộc đời của một diễn viên nghèo khó, sống bên lề của xã hội. Trên thực tế, ông lại là một nghệ sỹ khá giả.” 

Ngoài ra, vào thế kỷ XX, Molière trở thành chủ đề tranh cãi, liệu Molière có thực sự là tác giả của các tác phẩm mang tên ông hay là một ai khác. Chính sự giúp đỡ của Pierre Corneille trong vở bi kịch ba lê Psyché đã dấy lên nghi vấn này. Nhiều người suy luận rằng, có thể chính Corneille mới là tác giả thật sự. Tuy nhiên giả thuyết này đã bị các nhà ngôn ngữ và nhà sử học chứng minh là không đúng.  

Một sự kiện quan trọng khác đó là về cái chết của Molière, mà bao giai thoại đã được thêu dệt lên. Có người cho rằng tác phẩm “Người bệnh tưởng” là một vở kịch tự truyện về cuộc đời của Molière do chính ông viết lên. Nhưng thực tế thì không phải như vậy, Molière không mắc bệnh trong nhiều năm, trước khi ông tạ thế vào năm 1673. Molière cũng không chết trên sân khấu, ngay sau khi diễn xong vở “Người bệnh tưởng” mà là tại nhà riêng của ông. Ông được cho là bị mắc bệnh về đường hô hấp cấp tính. Molière cũng không được hai linh mục ban phước vào những phút cuối của cuộc đời, theo như truyền thống Công Giáo mà chỉ có người thân xung quanh. Thời điểm đó, Nhà Thờ không công nhận những người làm việc trong giới nghệ thuật. Để về với Chúa, Molière lẽ ra phải từ bỏ nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, tang lễ của ông không hề được tổ chức một cách giấu giếm mà trái lại vẫn có sự hiện diện của các linh mục và còn là một tang lễ tôn giáo. Giám tuyển Agathe Sanjuan giải thích thêm : 

“Chúng tôi đã tìm thấy một tài liệu, đó là hoá đơn các trang phục cho vở kịch Người bệnh tưởng, mà chính Molière đã diễn trước khi qua đời. Trong đó, chúng tôi tìm thấy một thông tin rất thú vị. Đó là có hai bộ trang phục của Argan, vai chính của vở kịch. Tại sao lại có hai bộ, bởi vì Molière thường có ý định diễn vở kịch này. Do vậy đây có thể là bằng chứng cho thấy, ông ấy không bị ốm nặng lúc đó. Molière không biết là ông ấy sẽ chết chỉ vài giờ sau khi vở kịch được trình diễn.” 

Triễn lãm cũng trưng bày một tài liệu do La Grange, phụ trách đoàn kịch của Molière và cũng là một người bạn của đại văn hào. Xin trích : 

“Trong cùng ngày hôm đó, sau vở diễn, khoảng 10 giờ tối, Ông Molière đã chết tại nhà riêng, ở đường Richelieu sau khi diễn xong vở “Người bệnh tưởng”. Ông bị cảm lạnh rất nặng và bị sưng huyết phổi, khiến ông ho mạnh, đến nỗi mà ho ra máu, làm vỡ tình mạch và chỉ sống được vài giờ sau đó. Linh cữu của ông được chôn tại St Joseph,trong khuôn viên của nhà thờ St Eustache.”    

Triển lãm khép lại với những bản dịch hay các bức áp phích về kịch của Molière được trình diễn trên khắp châu lục, tại các thuộc địa cũ của Pháp ở châu Phi hay ở Đông Dương, với những sắc thái riêng của đất nước đó. Tại một số quốc gia như Maroc hay Việt Nam, Molière trở thành ông tổ của kịch nói. Chính quyền thực dân Pháp thời điểm đó, muốn đưa kịch của Molière đến các nước thuộc địa, để làm phương tiện giải trí cho những người phục vụ cho chính quyền Paris. Điểm thú vị là những bậc trí thức, giới nghệ sỹ tại các quốc gia thuộc địa đã biến tấu kịch của Molière, sao cho phù hợp với văn hoá địa phương, và trở thành công cụ mỉa mai chế giễu chính quyền Pháp. Giám tuyển Agathe Sanjuan cho biết : 

“Tại các nước ở Bắc Phi, họ đã biến kịch Molière thành của chính họ, và diễn theo một cách khác, nhưng vẫn hoàn toàn có thể đưa ra ngụ ý chỉ trích sự xâm lược của Pháp. Còn tại châu Á, cụ thể là Việt Nam, các cuộc xung đột đã xảy ra giữa những nghệ sỹ và chính quyền do Pháp kiểm soát. Chính quyền không muốn cho phép nghệ sỹ được diễn các vở của Molière, mà diễn các thể loại khác. Tuy nhiên, khán giả lại rất muốn xem Molière. Do vậy, điều này giải thích tại sao có những bản dịch các tác phẩm của Molière sang tiếng Việt từ rất sớm.” 

Các tác phẩm của Molière được viết và loan truyền rộng rãi dưới thời Louis XIV, thể hiện rõ giai đoạn lịch sử ở thời điểm đó. Bằng ngôn ngữ trào phúng Molière đem tiếng cười vào các tác phẩm của mình. Molière nêu ra những vấn đề trong xã hội, một cách bi mà hài, về những mối quan hệ xã hội : Giữa những số phận nhỏ bé và những người quyền cao chức lớn, xung đột trong gia đình, giáo dục, và cả những thói xấu của con người : như giả tạo, hà tiện, trưởng giả. Những nhân vật mà ông tạo ra, dường như đi xuyên thời đại, từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà đến nay vẫn chưa lỗi thời. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.