Vào nội dung chính
LIÊN ÂU - NHẬP CƯ

Liên Âu thắt chặt kiểm soát biên giới chống nhập cư bất hợp pháp

Hiệp ước tị nạn và di dân đã được Nghị Viện Châu Âu thông qua ngày 10/04/2024 với tỉ lệ sát sao trong bối cảnh chia rẽ nội bộ Liên Âu và văn bản bị nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền phản đối. Hiệp ước tập trung hai điểm chính là thắt chặt kiểm soát di dân tới Liên Âu và hợp tác liên đới giữa 27 nước thành viên. Sau khi được Hội Đồng Châu Âu chính thức phê chuẩn, văn bản sẽ có hiệu lực vào năm 2026.

Phiên họp toàn thể tại Nghị Viện Châu Âu ở Bruxelles, Bỉ, ngày 10/04/2024.
Phiên họp toàn thể tại Nghị Viện Châu Âu ở Bruxelles, Bỉ, ngày 10/04/2024. © AP - Geert Vanden Wijngaert
Quảng cáo

Theo AFP, điểm đầu tiên của Hiệp ước là rút ngắn thời gian cứu xét hồ sơ xin tị nạn xuống còn 5 ngày, thông qua hệ thống « sàng lọc » bắt buộc, kiểm tra danh tính, an ninh…, ngay khi người xin tị nạn vừa tới lãnh thổ Liên Âu, để xác định xem có đáp ứng đủ các tiêu chí hay không. 

Những người ít có cơ may được cấp quy chế tị nạn sẽ được cứu xét theo « thủ tục ở biên giới ». Trong khuôn khổ thủ tục này, khoảng 30.000 chỗ sẽ được mở trong các trung tâm tạm giữ những người chờ xét đơn tị nạn. Những trung tâm này theo dự kiến sẽ có thể tiếp nhận đến 120.000 di dân hàng năm.

Điểm thay đổi lớn thứ hai liên quan đến liên đới tiếp nhận di dân. Chính sách di dân của khối, còn được gọi là Quy chế Dublin III, không hề thay đổi từ 20 năm qua, quy định là di dân nộp đơn xin tị nạn ở nước đầu tiên họ đặt chân tới trong Liên Âu. Quy định này gây khó khăn, quá tải cho những nước tiếp nhận đơn xin tị nạn, đặc biệt là các nước Nam Âu. Các nước thành viên khác sẽ gánh lấy trọng trách, hoặc hỗ trợ tài chính khoảng 20.000 euro cho mỗi người xin tị nạn nếu không muốn tiếp nhận. Hội Đồng Châu Âu dự kiến điều chuyển trong khối ít nhất 30.000 người xin tị nạn mỗi năm. Con số này vẫn rất thấp so với khoảng 490.000 đơn xin tị nạn được chấp nhận trong Liên Âu năm 2023.

Cuối cùng, theo « cơ chế tương trợ » của Liên Âu, trong trường hợp có khủng hoảng tị nạn như vào năm 2015-2016, một di dân có thể bị giam bên ngoài biên giới của khối đến 9 tháng, thay vì 6 tháng như hiện nay. Cơ chế khủng hoảng này cũng áp dụng trong trường hợp một « nước thứ ba hoặc một tác nhân không phải là Nhà nước » sử dụng di dân để gây bất ổn cho một nước Liên Âu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.