Vào nội dung chính
LIÊN ÂU - NHẬP CƯ

Tranh cãi sôi nổi về nhập cư trước thềm bầu cử Nghị Viện Châu Âu

Hai tháng trước bầu cử Nghị Viện Châu Âu và trong bối cảnh các đảng cực hữu đang mạnh lên ở một số quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU), những cuộc tranh luận về vấn đề nhập cư đang diễn ra rất sôi nổi. Nhưng tình trạng nhập cư ở Pháp có điểm gì đặc biệt so với các nước châu Âu khác như Đức, Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp hay đảo Síp, những quốc gia nằm trong số những điểm đến chính của di dân ? France 24 giải thích.

Những hình ảnh từ camera an ninh tại bờ biển Ý cho thấy con thuyền chở di dân ra khơi.
Những hình ảnh từ camera an ninh tại bờ biển Ý cho thấy con thuyền chở di dân ra khơi. STR / AFP MARINA MILITARE / AFP
Quảng cáo

Trong khi cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu đang đến gần (06-09/06/2024), nhập cư một lần nữa trở thành chủ đề tranh luận công khai ở Pháp. Đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) đã biến vấn đề này thành trọng tâm trong cuộc chiến của họ, tổ chức hội thảo Tình trạng chung về nhập cư” tại Paris vào ngày 26/03. Lấy cảm hứng từ cố tổng thống Jacques Chirac, người đã tổ chức hai ngày tranh luận về nhập cư vào năm 1990, các đảng viên của RN, dẫn đầu là dân biểu Franck Allisio, đã gặp nhau để tranh luận về chủ đề này.

Theo tờ báo của đảng Cộng Sản L'Humanité, mặc dù những nhân vật tham gia bày tỏ tham vọng rất lớn trước khi diễn ra hội thảo, sự kiện này lại kết thúc với những lời báo động, những tuyên bố gây sốc và những cáo buộc về “sự áp đảo của di dân. Ở Pháp, nhập cư là một chủ đề nhạy cảm, các chính phủ khác nhau, từ cánh hữu đến cánh tả, đã không ngừng ban hành các đạo luật để tìm cách chặn bớt dòng người di cư. Nhưng tình hình nhập cư ở Pháp so với các nước châu Âu khác như thế nào ?

Đức : Điểm đến chính của di dân

Năm 2022, Pháp là quốc gia tiếp nhận di dân nhiều thứ ba Liên Âu với 431.000 người, sau Đức (2 triệu) và Tây Ban Nha (1,3 triệu), theo Cơ quan Thống kê châu Âu, Eurostat. Nếu tính trên dân số, Pháp đứng cuối bảng xếp hạng với 6 người nhập cư trên 1.000 dân, so với 24/1.000 ở Đức và 27/1.000 ở Tây Ban Nha.

Một trong những cách khác để so sánh lượng di dân đến các nước EU là con đường tị nạn. Chạy trốn đàn áp, người xin tị nạn là người nước ngoài tìm kiếm sự bảo vệ của một quốc gia khác. Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền công nhận tình trạng nhập cư này : “Khi đối mặt với sự đàn áp, mọi người đều có quyền xin tị nạn và được hưởng lợi từ việc tị nạn ở các quốc gia khác.

Theo Cơ quan Tị nạn EU (EUAA), năm 2023, Liên Âu và các quốc gia liên kết với khối đã nhận được ​​số đơn xin tị nạn cao kỷ lục, lên đến 1,14 triệu đơn. Đức là điểm đến chính khi nhận được 334.000 đơn xin tị nạn, tương đương gần 1/3 số đơn của toàn bộ EU. Trong cùng thời điểm, Đức đã nhận được nhiều đơn xin tị nạn hơn Pháp (167.000) và Tây Ban Nha (162.000) cộng lại.

Camille Le Coz, nhà phân tích tại Viện Chính sách Di cư, giải thích : Một số yếu tố như sự hiện diện của cộng đồng người nhập đã ổn định cuộc sống và nhận thức về một thị trường lao động thuận lợi hơn giải thích cho việc Đức vẫn tiếp nhận phần lớn các đơn xin tị nạn. Con số này lẽ ra cao hơn Ý, Tây Ban Nha, đảo Síp hay Hy Lạp, những quốc gia nằm ở cửa ngõ vào châu Âu, nhưng nhiều người vẫn tiếp tục lộ trình đến Đức hoặc Pháp.”

Ở Pháp cũng như ở phần còn lại của châu Âu, số đơn xin tị nạn tiếp tục tăng vào năm 2023. Camille Le Coz phân tích : “Cuộc khủng hoảng y tế đã làm trầm trọng thêm những khó khăn kinh tế ở một số quốc gia châu Phi, khiến người dân phải di cư. Sự thiếu niềm tin vào nền kinh tế, những xung đột dai dẳng đi kèm với mạng lưới buôn người ngày càng phong phú đã khuyến khích người dân rời bỏ quê hương.”

Pháp đứng cuối bảng xếp hạng

Mặc dù điều quan trọng là sự phân bổ đơn xin tị nạn giữa các nước EU, nhưng con số này không đủ để đánh giá áp lực thực sự đối với hệ thống tiếp nhận di dân của một đất nước, bởi năng lực tiếp nhận và thủ tục xin tị nạn khác nhau giữa các quốc gia.

Về lý thuyết, Quy chế Dublin yêu cầu đơn xin tị nạn phải được nộp tại quốc gia đầu tiên mà di dân nhập cảnh khi vào lãnh thổ EU. Trong số các quốc gia này, đảo Síp, với dân số 921.000 người, đã nhận được 13 đơn xin tị nạn trên 1.000 dân. Pháp, với dân số lớn hơn nhiều (68 triệu người), chỉ nhận được 2,1 đơn xin tị nạn trên 1.000 dân, là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiếp nhận người tị nạn thấp nhất Liên Âu.

Tuy nhiên, đơn xin tị nạn không bảo đảm được chấp thuận ở quốc gia nơi mà đơn đó được nộp. Với vỏn vẹn 1/4 số đơn xin tị nạn được chấp thuận vào năm 2023, Pháp đứng cuối bảng xếp hạng, sau Đức (34%), Áo và Hy Lạp (39%).

Thời gian xử lý đơn xin tị nạn tại Pháp đã giảm từ 5,2 tháng vào năm 2022 xuống 4,2 tháng vào năm 2023. Trong trường hợp đơn xin tị nạn bị bác, di dân có thể kháng cáo lên tòa án quốc gia về quyền tị nạn (CNDA). Camille Le Coz nhắc lại : “Thời gian chờ phản hồi của tòa sau khi kháng cáo có thể mất nhiều tháng, khiến người nộp đơn không có cơ hội có được chỗ ở và nhận được sự hỗ trợ. Sự gia tăng của đơn xin tị nạn khiến chính phủ các nước châu Âu lo lắng. Đây là lý do tại sao Ủy Ban Châu Âu đang nỗ lực ký kết những thỏa thuận với các nước xuất xứ của di dân để hạn chế dòng người nhập cư.”

Chính sách di cư mâu thuẫn

Tháng 1 vừa qua, cơ quan giám sát biên giới châu Âu Frontex thông báo lượng người nhập cảnh trái phép vào Liên Âu trong năm 2023 đã tăng 17% so với năm trước đó, làm dấy lên tranh cãi về cách quản lý tình trạng nhập cư trái phép.

Tại Pháp, Hội Đồng Bảo Hiến cuối cùng đã bác bỏ một phần dự luật nhập cư vì văn bản được Quốc Hội thông qua ngày 19/12/2023 có quy định về hạn ngạch di cư, thắt chặt thủ tục đoàn tụ gia đình, thời gian chờ đợi tối thiểu trước khi được hưởng các phúc lợi xã hội. Những người phản đối tố cáo dự luật này quá chặt chẽ và phân biệt chủng tộc. Văn bản này trên thực tế đi theo xu hướng của toàn bộ châu Âu, được thể hiện qua các chính sách hạn chế nhập cư, nhưng không phải không có mâu thuẫn.

Tại Ý, chính phủ cực hữu của thủ tướng Giorgia Meloni đã thực hiện một loạt biện pháp nhằm hạn chế việc tiếp nhận di dân. Trong số đó có một thỏa thuận được ký vào đầu tháng 11/2023 với chính quyền Tirana để trục xuất hơn 30.000 người được tàu Ý vớt trên biển về Albania. Thỏa thuận này đã bị các nhà quan sát và nhiều hiệp hội chỉ trích.

Tania Racho, tiến sĩ luật châu Âu và chuyên gia về các vấn đề tị nạn, phân tích : Roma muốn kiểm soát nhập cư đi kèm với việc trốn tránh các nghĩa vụ quốc tế. Thỏa thuận này nhằm ngăn chặn những người trong hoàn cảnh bất hợp pháp xin tị nạn, điều này bao hàm các nghĩa vụ tiếp nhận và hỗ trợ di dân. Cách làm này gây phương hại cho bộ phận dân cư vốn dễ bị tổn thương.”

Được bầu lên nhờ một chương trình tranh cử chống nhập cư triệt để, thủ tướng Meloni rốt cuộc đã phải linh hoạt hơn trước nhu cầu về lao động của Ý. Trên thực tế, chính phủ Meloni đã hứa cấp 450.000 giấy phép cư trú cho người lao động nước ngoài trong 3 năm tới.

Về phần mình, Hy Lạp đang nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho người xin tị nạn. Tuy nhiên, việc hợp thức hóa vẫn là một quá trình lâu dài và phức tạp. Đồng thời, tình trạng các di dân bị đẩy lùi, một hành vi bất hợp pháp trái với quyền tị nạn, đang gia tăng. Tổng cộng đã có hơn 2.000 tàu của di dân bị lực lượng tuần duyên Hy Lạp đẩy lùi ở biển Aegean trong 3 năm qua, theo cơ quan truyền thông độc lập Solomon.

Những biện pháp mang tính răn đe

Quốc gia tiếp nhận nhiều di dân nhất là Đức đã có một sự thay đổi căn bản trong chính sách di cư nhằm khiến những người xin tị nạn nhụt chí. Đối mặt với áp lực từ phe cực hữu, chính phủ của thủ tướng Olaf Scholz đã từ bỏ các biện pháp dưới thời Merkel, vốn đã mở cửa phần lớn cho người tị nạn Syria trong cuộc khủng hoảng di dân 2015-2016. Thủ tướng Đức đã ban hành một loạt biện pháp hạn chế, như tăng cường kiểm soát biên giới với Ba Lan, Thụy Sĩ và Cộng Hòa Séc, đồng thời giảm trợ cấp cho người xin tị nạn và yêu cầu họ phải có thẻ tín dụng để nhận trợ cấp xã hội.

Nước duy nhất dường như không thắt chặt chính sách nhập cư là Tây Ban Nha. Chính phủ Madrid đã khẩn trương thiết lập các cơ sở tiếp nhận mới do dòng người di cư tiếp tục tràn vào bờ biển ở quần đảo Canary, đặc biệt từ Senegal. Lượng di dân đến Canary vào năm 2023 tăng gấp ba lần so với năm trước đó, đạt mức kỷ lục 39.910 người, khiến quần đảo này hết sức vất vả trong việc tiếp nhận di dân.

Tania Racho phân tích : “Sự bất ổn chính trị ở Senegal, sau cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Rất khó để xác định chính phủ mới có sẵn sàng hợp tác với Liên Âu về quản lý biên giới hay không và liệu điều này có làm giảm số người nộp đơn xin tị nạn hay không. Niềm tin của người dân đối với chính quyền là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định rời khỏi đất nước.”

Sau nhiều năm thảo luận khó khăn, các quốc gia Liên Âu đã đạt được thỏa thuận vào tháng 12/2023 về cải cách hệ thống di cư châu Âu. Thỏa thuận đặc biệt quy định việc tăng cường các biện pháp kiểm soát những di dân đến EU, đóng cửa các trung tâm tiếp nhận gần biên giới để trục xuất nhanh hơn những người không được cấp quy chế tị nạn và thiết lập một cơ chế liên đới bắt buộc giữa các quốc gia thành viên để hỗ trợ “các quốc gia chịu áp lực di cư”.

Camille Le Coz giải thích : “Với hiệp ước này, các quốc gia Nam Âu như Ý, Tây Ban Nha, đảo Síp, Hy Lạp và Malta sẽ chịu áp lực mạnh mẽ do vị trí địa lý ở cửa ngõ vào châu Âu. Những nước này sẽ ở tuyến đầu để xử lý các đơn xin tị nạn mà EU yêu cầu phải giải quyết nhanh nhất có thể. Đức và Pháp ở tuyến sau, sẽ có nhiệm vụ hạn chế di chuyển ở quy mô thấp hơn.” Các cuộc tranh luận về vấn đề nhập cư có thể sẽ ngày càng sôi nổi khi bầu cử Nghị Viện Châu Âu đến gần.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.