Vào nội dung chính
NATO - THỤY ĐIỂN - HUNGARY

Quốc Hội Hungary chính thức phê chuẩn đề nghị gia nhập NATO của Thụy Điển

Sau khoảng 18 tháng trì hoãn mà không có yêu cầu, đòi hỏi cụ thể, hoặc viện dẫn những lý do không xác đáng, nhưng xét cho cùng vẫn là để kiếm lợi ở mức có thể và khẳng định quyền lực, hôm 26/02/2024, Quốc Hội Hungary phê chuẩn đề nghị gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương của Thụy Điển với tư cách thành viên cuối cùng của NATO làm điều này.

Thủ tướng Hungary Orbán Viktor (P) tại Quốc Hội, ngày 26/02/2024.
Thủ tướng Hungary Orbán Viktor (P) tại Quốc Hội, ngày 26/02/2024. AP - Denes Erdos
Quảng cáo

"Cái giá" mà Thụy Điển phải trả, rốt cục, không hề to tát, chỉ vỏn vẹn 4 chiến đấu cơ Gripen bổ sung cho quân lực Hungary.

Từ Budapest, thông tín viên Hoàng Nguyễn giải thích :

01:43

TTV Hoàng Nguyễn - Budapest - 27-02-24

« Cùng Phần Lan, Thụy Điển đệ đơn gia nhập NATO vào tháng 05/2022, tức là chỉ vài tháng sau khi Liên bang Nga mở cuộc chiến xâm lược với Ukraina. Đề nghị của hai nước Bắc Âu đã nhanh chóng nhận được sự tán thành của đại đa số các quốc gia thành viên NATO, chỉ có "cặp bài trùng" Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary là "án binh bất động". Tuy nhiên, Phần Lan đã qua khỏi "cửa ải" này của hai nước nói trên vào mùa xuân năm ngoái, sau chuyến công du chớp nhoáng của thủ tướng Orbán Viktor tại Ankara.

Dầu vậy, Thụy Điển vẫn bị ách lại bởi hai quốc gia này. Tuy nhiên, Ankara đã thông qua tư cách thành viên NATO của Thụy Điển vào đầu năm nay, khi một số yêu sách cụ thể đã được thỏa mãn. Hungary trở thành quốc gia thành viên NATO cuối cùng vẫn "lắc đầu" với Thụy Điển, mặc những hứa hẹn trước đó của giới lãnh đạo. Chính phủ của ông Orbán Viktor đổ mọi trách nhiệm cho Quốc Hội Hungary có hơn 2/3 số ghế nằm trong tay phe cầm quyền, rằng đề nghị đã được đệ lên Nghị Viện từ mùa hè 2022.

Điều đáng nói là không có yêu sách cụ thể nào được Budapest đưa ra với Stockholm, và lý do của sự trì hoãn cũng rất lờ mờ, không có căn cứ gì đáng kể, theo phong cách quen thuộc của ông Orbán là để đối tác mệt mỏi, chán nản với sự chờ đợi và không thể hiểu ông muốn gì. Gần đây nhất, Quốc Hội Hungary viện dẫn một số phê phán của phía Thụy Điển về tình trạng dân chủ xuống dốc tại Hung, cho rằng như vậy Hungary đã bị xúc phạm, nên yêu cầu thủ tướng Thụy Điển phải qua Budapest để "dàn xếp".

Thoạt đầu, phía Thụy Điển khước từ đòi hỏi này, cho rằng mọi thảo luận chỉ có thể diễn ra khi Hungary đã phê chuẩn đơn gia nhập của Thụy Điển. Tuy nhiên, rốt cục thì thủ tướng Ulf Kristersson cũng đã qua Budapest vào thứ Sáu tuần trước nhằm làm "thay đổi tình thế", và phía Hung lập tức tuyên bố ủng hộ việc Thụy Điển gia nhập NATO sau khi đạt thỏa thuận với 4 máy bay chiến đấu Gripen, ngoài 14 chiếc mà Hungary đã thuê của Thụy Điển cho đến nay, cùng một hợp đồng hợp tác khác về quân sự.

Về căn bản, cuối cùng, cái giá của việc chấp thuận cho Thụy Điển vào khối NATO đơn thuần chỉ là 4 chiếc chiến đấu cơ, và động thái hôm qua cũng cho thấy, ông Orbán Viktor không bao giờ đi đến cùng trong những vấn đề mà ông hoàn toàn cô độc, và sẽ dừng lại khi giành được phần lợi ích ở mức có thể cho mình. Màn kịch đá trái bóng trách nhiệm giữa chính phủ và quốc hội của ông, cũng nhằm để trong nước và quốc tế tin rằng ông chỉ quan tâm đến lợi ích quốc gia, và không chịu áp lực bên ngoài.

Đây cũng là điều quan trọng với nội các cánh hữu Hungary, trước các cuộc bầu cử chính quyền địa phương và Nghị Viện Châu Âu vào tháng 6 tới, để chứng tỏ họ chủ động, không lệ thuộc trong mọi vấn đề, và luôn có con đường riêng - thậm chí đi ngược lại với đại đa số - mà không ai ngăn cản được. Kết quả đạt được, có thể cũng là đủ đối với họ khi không thể tiếp tục "già néo đứt dây" được nữa, nhưng không phải là điều có lợi cho nước Hung xét về tổng thể, cũng như trong một số hồ sơ khác của Orbán... »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.