Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Hungary bị áp lực sau khi Thổ Nhĩ Kỳ hạ lá bài Thụy Điển gia nhập NATO

Stockholm vừa tiến được một bước lớn tới gần NATO, nhưng chưa phải là bước cuối cùng. Sau khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu chấp thuận để Thụy Điển gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương, mọi cái nhìn giờ hướng về Budapest, rào cản cuối cùng của quốc gia Bắc Âu.

Tổng thư ký khối NATO Jens Soltenberg giới thiệu hai đơn xin gia nhập Liên minh của Phần Lan và Thụy Điển, tại Bruxelles, Bỉ, ngày 18/05/2022.
Tổng thư ký khối NATO Jens Soltenberg giới thiệu hai đơn xin gia nhập Liên minh của Phần Lan và Thụy Điển, tại Bruxelles, Bỉ, ngày 18/05/2022. AP - JOHANNA GERON
Quảng cáo

Việc Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh cho Thụy Điển gia nhập NATO hôm thứ Ba, 23/01/2024, với đa số áp đảo đã đặt dấu chấm hết cho 20 tháng kiên nhẫn đàm phán với Ankara của Stockholm và các đồng minh phương Tây, mong muốn thành lập một mặt trận thống nhất rộng lớn chống lại Matxcơva.

Chưa đầy ba tháng sau khi Nga mở cuộcchiến tranh xâm lược Ukraina, Thụy Điển quyết định từ bỏ vị thế trung lập, ngày 18/05/2022 chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên từ năm 1952 của NATO,  ngay lập tức dùng quyền phủ quyết, chặn Thụy Điển với nhiều lý do như dung túng lực lượng người Kurdistan, "những kẻ khủng bố », đồng thời lấy đơn xin gia nhập NATO của quốc gia Bắc Âu này làm lá bài gây sức ép mặc cả cho những lợi ích của Ankara  trong quan hệ với phương Tây.

Bên cạnh đó, một thành viên khác của Liên Minh là Hungary của thủ tướng  Viktor Orban cũng phủ quyết Thụy Điển, với những lý do thuần túy về quan hệ với Stockholm cũng như với Liên Hiệp Châu Âu. Hungary, dưới quyền của thủ tướng Orban, vẫn nổi tiếng là thành viên ương ngạnh, xung khắc thường xuyên với Liên Âu.

Thủ tướng Orban đã khẳng định Hungary đồng ý về nguyên tắc để Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự này, nhưng từ nhiều tháng qua vẫn trù trừ kéo dài thời gian phê chuẩn ở Quốc hội. Bất đồng của Budapest với Stockholm có vẻ chỉ là lời qua tiếng lại chỉ trích nhau. Từ nhiều tháng, Viktor Orban đã yêu cầu Stockholm “tôn trọng”, không được có những đánh giá “bôi xấu” thể chế chính trị của quốc gia Trung Âu là độc tài, thân Nga...

Thủ tướng Viktor Orban đã nhiều lần khẳng định ông sẽ không phải là người cuối cùng gỡ rào cản Thụy Điển vào NATO, nhưng rõ ràng giờ đây ông đã đi sau tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan một nhịp. Hungary giờ trở thành rào cản cuối cùng trên con đường gia nhập NATO của Thụy Điển.

Ngay sau quyết định của Nghị Viện Thổ Nhĩ Kỳ, và bị NATO hối thúc, thủ tướng Hungary cho biết đã có thư mời người đồng cấp Thụy Điển đến Budapest để cố gắng « dỡ bỏ những trở ngại » cuối cùng. Trong bức thư mà AFP tham khảo được, lãnh đạo Hungary nêu lên sự cần thiết phải “xây dựng niềm tin vững chắc lẫn nhau” thông qua “ tăng cường đối thoại chính trị ”. Ít giờ sau đó, Stockholm đã phản hồi. Tobias Billström, ngoại trưởng Thụy Điển, tuyên bố với báo chí: “Tôi thấy không có lý do gì để đàm phán ngày hôm nay”. Ông cũng nhấn mạnh “tại hội nghị thượng đỉnh Madrid năm ngoái, Hungary […] đã đồng ý để Thụy Điển tham gia với tư cách khách mời của khối để chuẩn bị cho việc gia nhập chính thức. Ông cũng không trả lời lời mời gửi tới thủ tướng Thụy Điển.

Ý đồ của Hungary phủ quyết việc Thụy Điển gia nhập NATO đã được một số chuyên gia nhìn nhận như là chiến lược bắt bí của Victo Orban để đạt được những nhượng bộ từ Liên Hiệp Châu Âu. Một số khác thì lại nhìn thấy ở đó dấu hiệu thủ tướng Hungary muốn duy trì quan hệ thân thiện với nước Nga của Vladimir Putin.  

Cũng gần giống với Ankara, Budapest đã từng là cái gai dưới chân NATO, không tỏ ra tích cực hậu thuẫn cho Ukraina chống Nga. Cuộc gặp thân thiện hồi cuối tháng 10 năm ngoái giữa thủ tướng Hungary Viktor Orban với tổng thống Nga Vladimir Putin trước đã gây không ít khó chịu cho NATO, cũng như Liên Hiệp Châu Âu.

Mặc dù Hungary đã thông qua tất cả các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga vì hành động xâm lược Ukraina, Budapest luôn bị chỉ trích vì mở rộng quan hệ với Nga, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Trong nội bộ Hungary,  phe đối lập, Đảng Xã Hội (MSZP) đã kêu gọi Viktor Orban “chấm dứt trò giả dối vô nghĩa  làm tổn hại đáng kể đến hình ảnh của Hungary” và yêu cầu triệu tập một phiên họp bất thường của Quốc Hội để bỏ phiếu về hồ sơ Thụy Điển gia nhập NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ của tổng tống Erdogan đã hạ lá bài Thụy Điển gia nhập NATO, liệu ở Budapest, ông Viktor Orban có thể tiếp tục dùng lá bài này mặc cả với Liên Hiệp Châu Âu như đang làm với gói viện trợ 50 tỷ cho Ukraina ? Ông Viktor Orban đang bị áp lực phải có câu trả lời sớm. Trong khi đó, điện Kremlin luôn tuyên bố mọi hành động mở rộng NATO về phía đông là mối đe dọa đối với sự sống còn nước Nga.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.