Vào nội dung chính
VĂN HÓA

''Vua sư tử'' vẫn ngự trị sân khấu nhạc kịch

Kể từ khi ra mắt khán giả lần đầu tiên vào năm 1997, vở nhạc kịch ''The Lion King'' (Vua sư tử) đã thu hút 140 triệu lượt người xem trên thế giới, trở thành một trong những tác phẩm ăn khách nhất toàn cầu. Riêng tại Pháp, tác phẩm ''Vua sư tử'' của hai tác giả Elton John và Tim Rice sau các đợt biểu diễn tại Paris đã thu hút hơn hai triệu lượt khán giả.

Masks from “The Lion King” are on display during the grand opening of the new Museum of Broadway in Times Square, New York City on November 15, 2022.
Mặt nạ từ vở kịch "The Lion King" được trưng bày tại bảo tàng Broadway, New York, Hoa Kỳ, ngày 15/12/2022. AFP - TIMOTHY A. CLARY
Quảng cáo

Theo báo Le Figaro, nhà hát Mogador là một trong những sân khấu chuyên biểu diễn các vở nhạc kịch Pháp cũng như Mỹ. Trong hai thập niên qua, vở nhạc kịch The ''Lion King'' (Vua sư tử) hầu như không có đối thủ khi được trình diễn tại nhà hát nằm ở Paris quận 9 này. Có thể nói tác phẩm này lập kỷ lục về số lượng khán giả chỉ với một rạp hát duy nhất ở Pháp. Theo thông cáo báo chí từ công ty Stage Entertainment France, chuyên điều hành nhà hát Mogador, vở nhạc kịch ''Vua sư tử'' đã hai lần vượt qua ngưỡng một triệu lượt người xem, chỉ riêng ở thủ đô Pháp.

Hành trình 30 năm : Sau phim hoạt hình đến nhạc kịch

Trong lần biễu diễn đầu tiên từ năm 2007 đến năm 2010, The Lion King đã thu hút hơn một triệu khán giả. Lần thứ nhì, kể từ năm 2022 cho tới nay, Vua sư tử lặp lại thành tích này, cho dù đợt biểu diễn vẫn chưa kết thúc. Theo hợp đồng, tác phẩm ''Vua sư tử'' tiếp tục được trình diễn tại nhà hát Mogador từ đây cho đến ngày 14/7/2024. Mỗi buổi tối, trong hơn hai giờ, đoàn diễn viên gồm 50 ca sĩ, vũ công, nhạc sĩ thường dùng hàng trăm mặt nạ, con rối và nhạc cụ để tái tạo trên sân khấu nguyên một vùng thảo nguyên châu Phi mênh mông.

Được chuyển thể từ bộ phim hoạt hình ''The Lion King'' nổi tiếng của Disney, vở nhạc kịch do Julie Taymor dàn dựng, dựa theo nhạc và lời của nhóm tác giả Tim Rice và Elton John. Trung thành với phiên bản điện ảnh, vở kịch đưa người xem theo dõi câu chuyện của Simba, từ một chú sư tử con tinh nghịch vô tư, trở thành một vị anh hùng dũng mãnh, nhẫn nhục chịu khó sau cái chết của vua cha (Mufasa), trước âm mưu soán ngôi của người chú hiểm độc (Scar), Simba sau đó trở lại nguyên quán để báo thù cho cha, dành lại ngai vàng, ngự trị trên muôn loài.

Nội dung vở kịch bao gồm nhiều chủ đề phổ quát như tình phụ tử (giữa hai cha con Mufasa-Simba), tình yêu đầu đời giữa cặp đôi Simba-Nala, tình bằng hữu qua sự đoàn kết giữa các nhân vật Timon, Pumbaa và Simba, quan hệ gắn bó với quê hương khi Simba bị lưu đày, cũng như sự đối chọi giữa hai phe chính-tà.

Theo ban điều hành nhà hát Mogador, với hơn 8 tỷ đô la doanh thu, vở nhạc kịch ''The Lion King'' (Vua sư tử) chính thức trở thành tác phẩm ăn khách nhất do sân khấu Broadway sản xuất. Kỷ lục này trước đây do vở kịch ''The Phantom of the Opera'' (Bóng ma trong nhà hát) nắm giữ. Thành tích đó phần lớn cũng nhờ vào các suất biểu diễn tại Manhattan (New York, Mỹ), nhưng bên cạnh đó còn có thêm nhiều đoàn diễn viên luân phiên nhau đi lưu diễn vòng quanh thế giới.

Hiện giờ, theo báo Le Figaro, tác phẩm ''The Lion King'' lọt vào danh sách những tác phẩm được trình diễn lâu đời nhất trên sân khấu Broadway. Sau khi phá kỷ lục của tác phẩm ''The Phantom of the Opera'' (Bóng ma trong nhà hát) Vua sư tử đang đuổi kịp vở nhạc kịch ''Les Misérables'' (Những người khốn khổ) trong cuộc chạy đua giành lấy vương miện dành cho chương trình được biểu diễn lâu nhất trên sân khấu nhạc kịch Broadway của Hoa Kỳ. Vở nhạc kịch ''Les Misérables'' được diễn lần đầu tiên vào năm 1985 trên sân khấu nhà hát Barbican Theatre.

Tầm nhìn xa của nữ đạo diễn Julie Taymor

Bộ phim hoạt hình Disney đã ra đời cách đây đúng ba thập niên (1994-2024). Khi bắt tay chuyển thể lên sân khấu nhạc kịch vào năm 1997, nhiệm vụ của nữ đạo diễn Julie Taymor lúc bấy giờ rất to tát : Làm thể nào thực hiện một bản phóng tác mà không làm mất đi sức quyến rũ của các bài hát kinh điển của Elton John, kể cả nhạc phẩm ''Can You Feel the Love Tonight'' từng đoạt giải Oscar. Ngoài ra còn có các giai điệu quen thuộc khác như ''Circle of Life'' hay ''Hakuna Matata'' ....

Khó hơn nữa là làm thế nào để hóa ''người thật'' thành ''thú hoang'', một điều dễ làm trong phim hoạt hình, nhưng lại rất khó với diễn viên bằng xương thịt. Nhờ vào tầm nhìn xa, Julie Taymor đã tạo ra một bức tranh toàn cảnh sống động, đậm nét châu Phi huyền ảo, kết hợp hình tượng nửa người nửa thú, trong cách sử dụng khéo léo những con rối khổng lồ rực rỡ màu sắc, nhưng tài tình nhất là cách dùng những mặt nạ đội trên đầu, hiện nguyên hình các loài thú hoang, mà khi cần vẫn không che khuất khuôn mặt của người diễn. Nhờ vào những ý tưởng độc đáo, cách chuyển thể khôn khéo, mà Julie Taymor trở thành nữ đạo diễn đầu tiên đoạt danh hiệu Nhà chỉ đạo nhạc kịch xuất sắc nhất nhân kỳ trao giải Tony Awards.

Trong gần ba thập niên qua, đã có 28 phiên bản khác nhau của vở nhạc kịch Vua Sư tử được trình diễn trên sân khấu của hơn 100 thành phố tại 21 quốc gia trên thế giới. Tác phẩm này đã được dịch sang 9 ngôn ngữ và thu hút được 140 triệu lượt người xem đủ mọi lứa tuổi, trong đó có 55 triệu khán giả riêng tại Hoa Kỳ.

Ngoài trình độ diễn xuất thuần thục, trang phục lộng lẫy, hoá trang chuyên nghiệp, thiết kế tuyệt vời, còn có một yếu tố quan trọng khác giải thích cho sự thành công của The Lion King (Vua sư tử). Sức sống lâu bền của vở nhạc kịch trước hết nằm trong tính phổ quát mà gần gũi của các chủ đề xuyên suốt tác phẩm. Chuyến phiêu lưu của Simba cũng là hành trình từ tuổi thơ mạo hiểm khám phá thế giới để trở thành người lớn. Loài sư tử vẫn được xem là chúa tể sơn lâm chừng nào triều đại của ''The Lion King'' vẫn ngự trị sân khấu Broadway.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.