Vào nội dung chính
XUNG ĐỘT GAZA

Ngoại trưởng các nước Âu – Mỹ đến Riyad họp tìm giải pháp ngăn chặn xung đột Gaza

Hôm nay, 28/04/2024, Ả Rập Xê Út khai mạc hội nghị cấp cao về kinh tế và thảo luận về tình hình chiến sự giữa Israel và phe Hamas ở dải Gaza.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên máy bay đến Ả Rập Xê Út trong nỗ lực tìm giải pháp ngăn chặn xung đột Gaza. Ảnh chụp ngày 28/04/2024 tại Maryland, Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên máy bay đến Ả Rập Xê Út trong nỗ lực tìm giải pháp ngăn chặn xung đột Gaza. Ảnh chụp ngày 28/04/2024 tại Maryland, Hoa Kỳ. REUTERS - Evelyn Hockstein
Quảng cáo

Theo AFP, bên cạnh các đồng nhiệm các nước Ả Rập, cuộc họp dành để thảo luận về cuộc xung đột Gaza diễn ra vào ngày mai, 29/04/2024, còn có sự tham dự của nhiều quan chức Âu – Mỹ như ngoại trưởng Anthony Blinken (Mỹ), Stéphane Séjourné (Pháp), Annalena Baerbock (Đức).

Trong một thông cáo, bộ Ngoại Giao Mỹ nêu rõ Washington nỗ lực thảo luận để « đạt được một lệnh ngừng bắn ở dải Gaza cho phép giải thoát các con tin », đồng thời nhấn mạnh đến « tầm quan trọng của việc ngăn ngừa cuộc chiến do Israel tiến hành trên dải Gaza lan rộng ra toàn khu vực ».

Đây cũng là mục tiêu từ phía Pháp. Sau cuộc họp tại Riyad, ngoại trưởng Stéphane Séjourné có kế hoạch đến Israel nhằm tái khẳng định lập trường cứng rắn của Paris, « phản đối Israel tấn công Rafah ».

Theo quan sát của thông tín viên đài RFI, Anne Andlauer, từ Istanbul, trong bàn tròn ngoại giao này, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tăng cường các nỗ lực ngoại giao trước tình trạng các cuộc đàm phán về một lệnh ngưng bắn do Qatar chủ trì rơi vào bế tắc.

« Nguy cơ Israel tấn công Rafah và xung đột ở Gaza lan rộng ra khu vực thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ đóng một vai trò ngoại giao quan trọng hơn – hay ít nhất là phải cố gắng làm như vậy. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Hakan Fidan là trung tâm của những nỗ lực này. Ông nắm rất rõ hồ sơ này vì từng là lãnh đạo cơ quan tình báo trong vòng hơn 13 năm. 

Sau khi đến Qatar – trung gian hòa giải giữa Israel và phe Hamas – trong tuần rồi, và sau cuộc gặp đồng nhiệm Ai Cập, một tác nhân chủ chốt khác của các cuộc đàm phán, Hakan Fidan đến Riyad như một phần trong nỗ lực của Hội nghị Hồi giáo ủng hộ một lệnh ngừng bắn. Sau đó, ông sẽ phải hội đàm với những đồng cấp các nước phương Tây.

Thổ Nhĩ Kỳ đang tận dụng mối quan hệ chặt chẽ và lâu đời của mình với phe Hamas, mà Hakan Fidan cũng đã góp phần xây dựng, để tạo thuận lợi cho các cuộc thương lượng. Nhưng sự ủng hộ hết mình của ông với nhóm vũ trang người Palestine ngăn cản ông đảm nhiệm vai trò trung gian.

Tuy nhiên, tổng thống Erdogan hồi đầu tuần đã xác nhận rằng đất nước của ông có tham gia vào các cuộc thương lượng về con tin Israel ở dải Gaza và việc trao đổi họ với tù nhân Palestine. Phe Hamas dường như đã đề nghị rằng Thổ Nhĩ Kỳ là bên bảo đảm cho một thỏa thuận về điểm này. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.