Vào nội dung chính
VĂN HÓA

Disney và Netflix đang tính lại cách sản xuất phim, do bị thất thu

Sau một tuần lễ ra mắt khán giả tại các rạp hát, bộ phim ''The Marvels'' (Biệt đội Marvels) chỉ thu về được 161 triệu đô la trên toàn cầu. Theo báo Le Figaro, sản phẩm gần đây nhất của hãng phim Marvel đã khởi đầu một cách thảm hại. Đây là dấu hiệu mới cho thấy các ''cỗ máy'' từng hái ra bạc tỷ bắt đầu gặp trục trặc, cho nên không còn dễ kiếm tiền như trước đây.

Ảnh minh hoạ Netflix.
Ảnh minh hoạ Netflix. AP - Richard Drew
Quảng cáo

Dĩ nhiên, cuộc đình công vừa qua của giới diễn viên và các nhà biên kịch đã buộc ngành sản xuất phim phải ngưng hoạt động nhiều tháng, khiến cho nhiều dự án bị chậm lại. Nhưng theo báo Le Figaro, lý do buộc các tập đoàn giải trí như Disney và Netflix buộc phải thay đổi chiến lược, trước hết là do cấu trúc. Trong những tháng gần đây, có một số dấu hiệu cho thấy cỗ máy Hollywood đang bị khựng lại, nguồn vốn có thể vẫn dồi dào nhưng nguồn sáng tạo lại đang dần cạn kiệt.

Khi dòng phim siêu anh hùng ''hụt hơi'' đuối sức

Ví dụ gần đây nhất ? Bộ phim ''The Marvels'' (Biệt đội Marvel) phần kế tiếp của ''Captain Marvel'', đã gặp thất bại khi ra mắt khán giả tại các rạp chiếu phim. Theo Box Office Mojo, doanh thu tại Bắc Mỹ chỉ đạt 65 triệu đô la và 96 triệu đô la trên toàn cầu sau khi được khởi chiếu hồi cuối tuần qua. Theo đà này, doanh thu của bộ phim "The Marvels" có lẽ sẽ không đủ để bù lại chi phí sản xuất lên đến hơn 270 triệu đô la, và cũng khó thể nào đuổi kịp tập đầu ''Captain Marvel'', với hơn 1,12 tỷ đô la doanh thu.

Một trong những lý do chính có thể giải thích cho sự thất bại của ''The Marvels'' là kịch bản phim thực sự không có gì mới. Mô hình của The Marvels gồm toàn là nữ, chẳng khác gì một Biệt đội siêu anh hùng ''Avengers'' thu nhỏ. Kinh phí có mức đầu tư tối đa, nhưng rốt cuộc chỉ đạt hiệu quả tối thiểu. Dường như khán giả ít còn quan tâm đến loại phim siêu anh hùng mà đa phần cốt truyện lại rất giống nhau.

Hãng phim Marvel khi lên kế hoạch làm phim, dường như muốn nhắm tới một mục tiêu khác chứ không phải là để ''phục vụ'' khán giả. Dựa trên các thương hiệu ăn tiền, các nhà đầu tư muốn sản xuất thêm nhiều phim (kể cả truyền hình và điện ảnh) để làm giàu catalogue của các nền tảng video trực tuyến. Điều đó giải thích vì sao từ khi thành lập mạng phim trực tuyến Disney+ vào năm 2019, hãng phim Marvel đã phát hành 9 loạt phim truyền hình nhiều tập và mỗi năm có 3 hay 4 bộ phim được cho ra mắt khán giả ở rạp. 

Vấn đề ở đây là số lượng không đi đôi với chất lượng. Giới hâm mộ bắt đầu chê bai các màn kỹ xảo non nớt hoặc thiếu đầu tư, ngoài các ý tưởng thiếu sáng tạo, hình ảnh lại không được đẹp vì quá giả tạo. Về mặt cốt truyện, kịch bản thiếu cô đọng, mạch lạc và đôi khi có thêm nhiều tuyến phụ khiến cho nội dung phim bị pha loãng, mất đi phần nào sức hấp dẫn. Số lượng phim quá nhiều khiến cho khán giả bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, thất vọng lắc đầu, thở dài ngán ngẩm.

Theo báo Le Figaro, vấn đề là ''The Marvels'' không phải là trường hợp cá biệt. Hồi tháng 02/2023, bộ phim ''Ant-Man and the Wasp : Quantumania'' (Thế Giới Lượng Tử) đã không được đón nhận nhiệt tình. Tập ba cũng là bộ phim có mức doanh thu thấp nhất trong loạt phim ''Người Kiến''. Còn về phía thương hiệu Indiana Jones, tập 5 ''The Dial of Destiny'' (Vòng quay định mệnh), một bộ phim khác của tập đoàn Disney, cũng gặp thất bại trong mùa hè vừa qua, chỉ thu về được khoảng 385 triệu đô la trên toàn thế giới, trong khi Disney chờ đợi mức doanh thu cao gấp đôi. 

Sau hơn một thập niên đạt mức tăng trưởng phi thường, với nhiều sản phẩm thu về hơn một tỷ đô la cho mỗi phim, Disney đang hứng chịu một loạt thất thu : đầu tư thì nhiều nhưng lợi nhuận chẳng được bao nhiêu, ngoại trừ trường hợp của ''Avatar 2: The Way of Water'' (Avatar : Dòng Chảy của Nước).

Đà sụt giảm liên tục về mặt doanh thu buộc Disney phải xem xét lại chiến lược sản xuất và phát hành phim của mình. Trong tuần qua, công ty này đã dời lại việc sản xuất các phần tiếp theo của các bộ phim như ''Deadpool 3", "Blade",  ''Thunderbolts'' và nhất là ''Captain America: A Brave New World'', thời hậu Chris Evans với nam diễn viên Anthony Mackie vào vai thay thế. Việc đình chỉ các dự án này giúp cho Disney có thêm thời gian để xem xét lại toàn bộ chiến lược sản xuất phim. Trả lời phỏng vấn đài CNBC, giám đốc điều hành Bob Iger đã hứa hẹn tập đoàn Disney sẽ sớm nối lại với chất lượng thay vì dành ưu tiên cho số lượng.

Trường hợp của Netflix : chất lượng hơn số lượng

Đầu tư vào quá nhiều phim, nhưng nội dung lại thiếu sức hấp dẫn để lôi cuốn khán giả ? (vào rạp hay đăng ký dịch vụ xem phim trực tuyến). Theo báo Le Figaro, tập đoàn Netflix cũng đang tìm cách trả lời thích đáng cho câu hỏi này. Vào năm 2020, mạng phim trực tuyến hàng đầu đã tuyên bố rầm rộ rằng trên Netflix, khán giả mỗi tuần sẽ được xem một bộ phim mới, tương đương với khoảng 50 bộ phim phát hành mỗi năm. Điều đó có nghĩa là mức sản xuất của Netflix cao hơn nhiều so với bất kỳ studio nào khác ở Hollywood. Vào thời điểm ấy, Netflix cần có nhiều nội dung gốc, do mạng này sản xuất và độc quyền khai thác, cạnh tranh lại các hãng phim quan trọng, vốn có danh mục phim phong phú, đa dạng hơn.

Sau ba năm đeo đuổi chiến lược này, theo Le Figaro, Netflix đang xem xét lại mô hình của mình. Việc thúc đẩy sản xuất phim lẻ và phim bộ nhiều tập với tốc độ chóng mặt để có thêm sản phẩm kinh doanh trên các mạng trực tuyến, đã không đem lại nhiều kết quả như mong đợi. Các tập đoàn giải trí giờ đây muốn bấm phanh tay lái, để giảm tốc độ.

Từ nay trở đi, mục tiêu của Netflix là thực hiện khoảng 25 hay 30 phim mỗi năm, thay vì 50 như theo cam kết trước đây. Ông Scott Stuber, giám đốc điều hành mảng điện ảnh của Netflix, chủ trương giảm số lượng phim sản xuất mỗi năm, đổi lại ông muốn sản xuất phim ''ít hơn nhưng hay hơn''. Nói cách khác : chất lượng thay vì số lượng.

Thời kỳ sung túc thịnh vượng đã qua

Theo hãng tin Bloomberg, trên thực tế Netflix đã bắt đầu tổ chức lại mảng sản xuất điện ảnh của mình, bộ phận này gồm hai đội sản xuất, nhóm đầu tiên chuyên sản xuất các dự án nhỏ, gồm những bộ phim dưới 30 triệu đô la. Còn nhóm thứ nhì chuyên về những bộ phim có mức kinh phí trung bình từ 30 đến 80 triệu đô la. Các dự án lớn ở mức trên 100 triệu đô la sẽ được xem xét theo từng trường hợp.

Việc tổ chức lại cơ cấu, trên danh nghĩa đảm bảo chất lượng và khuyến khích sáng tạo, nhưng thực ra là vì các tập đoàn giải trí buộc phải tiết kiệm chi tiêu, khi doanh thu lợi nhuận không còn được dồi dào. Vào năm tới, Disney dự trù chi khoảng 25 tỷ đô la để sản xuất phim và nội dung gốc, tức giảm 8% so với năm nay. Phía Netflix cũng sẽ giảm khoảng một tỷ đô la trong lãnh vực sản xuất phim truyện.

Thực tế cho thấy mặc dù Netflix từng sản xuất khá nhiều phim (khoảng 50 phim mỗi năm) nhưng thành công lại không vang dội như mong đợi. Có rất ít phim của Netflix thành công ở rạp dù có được trao giải, ngoại trừ hai trường hợp ''All quiet on the Western Front'' (Mặt trận phía Tây vẫn im tiếng) nhận giải Oscar Phim nước ngoài hay nhất và phim Chú bé "Pinocchio" nhận giải Phim hoạt hình hay nhất năm nay.

Căn cứ vào doanh thu phòng vé của Disney, cũng như lượng khán giả truy cập xem phim Netflix, có thể nói là thời kỳ thịnh vượng đã qua, vầng hào quang có dấu hiệu lu mờ, làn sóng dâng cao đến lúc thoái trào. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.