Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

ICI Vietnam Festival : Cầu nối các tài năng trẻ Việt ở hải ngoại tại Pháp

Đăng ngày:

Trong hai ngày cuối tuần 21-22/10/2023, rạp Grand Action, tại Paris, Pháp, đã trở thành một điểm hẹn điện ảnh mang màu sắc Việt trong khuôn khổ liên hoan phim Ici Vietnam Festival Cinéma. Qua những bộ phim được thực hiện bởi các đạo diễn gốc Việt sống ở hải ngoại, liên hoan lựa chọn một góc nhìn của “trẻ thơ”, để nêu ra những chủ đề về thuyền nhân hay cuộc sống của người Việt nơi xa xứ, hoặc các vấn đề xã hội ở Việt Nam.  

Buổi chiếu phim do Ici Vietnam Festival Cinéma tổ chức tại rạp Grand Action ở Paris, Pháp ngày 21/10/2023
Buổi chiếu phim do Ici Vietnam Festival Cinéma tổ chức tại rạp Grand Action ở Paris, Pháp ngày 21/10/2023 © Chi Phuong
Quảng cáo

Trong khu phố la tinh tấp nập người qua lại ở quận 5 Paris, rạp chiếu phim Grand Action đã trở thành một điểm hẹn quen thuộc đối với những những người quan tâm đến điện ảnh Việt tại thủ đô Pháp từ 4 năm qua. Được khởi xướng bởi Hội người Việt ở Pháp từ năm 2018, Ici Vietnam Festival ban đầu, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực kết hợp lại, nhằm giới thiệu đến công chúng các nghệ sĩ “khám phá những câu hỏi về cội rễ Việt ”, cũng như tác động đến các sáng tạo nghệ thuật từ xuất thân song hoặc đa văn hóa. Sau khi được đón nhận đông đảo từ công chúng, Ici Festival Vietnam, tạm dịch là “Nơi đây lễ hội về Việt Nam”, ngay từ năm 2019, đã tổ chức riêng một sự kiện về điện ảnh – liên hoan phim Ici Vietnam Festival, (Ici Vietnam Cinéma Festival), vừa kết thúc mùa liên hoan lần thứ 6, vào hôm 21-22/10 tại rạp Grand Action.     

Liên hoan không mang tính cạnh tranh mà chủ yếu muốn giới thiệu góc nhìn điện ảnh của các đạo diễn hoặc nhà làm phim gốc Việt ở Pháp hay ở các nước khác. Các bộ phim được chọn chủ yếu là các phim ngắn, thời lượng dưới 30 phút, với thể loại đa dạng như viễn tưởng, phim tài liệu, hay hoạt hình…, đưa người xem khám phá một nét văn hóa Việt xuyên biên giới. Đại diện ban tổ chức Ici Vietnam Festival Cinéma, bà Sylvie Gadmer cho biết “sự kiện này nhằm quảng bá văn hóa của người Việt ở hải ngoại, tức là một văn hóa kép, kết hợp giữa văn hóa Việt và một nền văn hóa khác, có thể là Pháp, Mỹ, Ai Len, Úc, hay rộng hơn là xung quanh thế giới. Liên hoan mang đậm dấu ấn về Việt Nam và văn hóa Việt bằng cách đưa tiếng nói của các nghệ sĩ, để họ được chú ý, được biết đến. Về phần mình, tôi đến từ một thế hệ mà cha mẹ coi nhẹ nghệ thuật vì con đường này không bảo đảm được một tương lai chắc chắn như là đi học y hay học luật. Tôi đã gặp rất nhiều người muốn sáng tạo nghệ thuật nhưng lại bị ngăn cản theo một cách nào đó. Do vậy, với chúng tôi, liên hoan là dịp để nói với những người trẻ rằng ‘hãy cứ làm nghệ thuật đi’, cứ thử sức đi, bởi vì trong cộng đồng Việt ở hải ngoại, có rất nhiều đạo diễn, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhà điêu khắc,…, những người sáng tạo nghệ thuật và xứng đáng được biết đến. Liên hoan như là dịp để khuyến khích những người trẻ theo đuổi con đường nghệ thuật”.    

"Nhãn quan của trẻ em thường ít phán xét"

Không giống như những năm trước, với những bộ phim kể về câu chuyện phức tạp trong thế giới người lớn, của những đạo diễn như Stéphane Lý Cường hay Mai Hứa, trong các gia đình nhập cư, liên hoan phim Ici Vietnam Festival năm nay, chọn những bộ phim đến từ nhãn quan của những đứa trẻ, do các đạo diễn trẻ thực hiện. Theo đại diện ban tổ chức, bà Sylvie Gadmer cho biết “việc lựa chọn một bộ phim để công chiếu không hề dễ dàng, nhất là khi theo dõi hành trình của các đạo diễn, họ đã đầu tư, bỏ rất nhiều công sức, và có nhiều phim mà chúng tôi muốn giới thiệu với công chúng nhưng điều kiện không cho phép… Về lựa chọn phim năm nay, có thể nói rằng chúng tôi bị thu hút bởi nhãn quan từ trẻ em. Chúng tôi cho rằng rất quan trọng để truyền tải một cái gì đó nhẹ nhàng và ngây thơ từ con mắt của trẻ em, thường ít khi có sự phán xét. Ở đó, chúng ta có thể thấy sợi dây liên kết gia đình xuyên suốt các bộ phim, từ gia đình đó mà chúng ta lớn lên, kế thừa, và nhất là cách một đứa trẻ trưởng thành từ gia đình đó như thế nào.”    

Tại liên hoan, 11 phim ngắn được giới thiệu, “mang Việt Nam đến Pháp”, hay sang Đức qua góc nhìn của cô bé Thi, lạc vào ký ức của một người mẹ Việt, băng qua rừng từ Tiệp Khắc để đến Đông Đức, trong phim I Loved you first của Hai Anh Trieu. Người xem lạc vào khung cảnh yên bình của xứ Ai Len (Irland), qua phim Good Chips, trong một gia đình thuyền nhân Việt, đến Dublin định cư vào năm 1989, và những khó khăn để duy trì cuộc sống nhờ chiếc xe tải bán đồ ăn “Trung Quốc”. 

Câu chuyện ấy ngột ngạt bởi những tiếng thở dài, những trằn trọc của người lớn, nhưng lại nhẹ nhàng, đượm buồn, và hài hước dưới con mắt của cô bé Tâm, 12 tuổi, nhưng hiểu chuyện. Phim được thực hiện bởi đạo diễn Nell Hensey và Brigid Mai Khanh Leahy. Hay trong 9 phút ngắn ngủi, khán giả bước vào câu chuyện của cô bé Rồng, trong phim hoạt hình “Malà, The Litte One” do nữ đạo diễn Diana Cam Van Nguyen thực hiện, với những trải ngiệm tuổi thơ tự ti, khó khăn vì xuất thân, sống trong cộng đồng người Việt kinh doanh tạp hóa ở CH Séc. 

Câu chuyện không phải của riêng người Việt ở hải ngoại   

Liên hoan cũng tổ chức các buổi thảo luận, giao lưu cùng đạo diễn sau các phiên chiếu. Diana Cam Van Nguyễn là một trong những đạo diễn có mặt tại liên hoan, cô cho biết rất bất ngờ vì phim ngắn hoạt hình, do cô viết kịch bản, làm đồ họa, được chiếu ở Paris, mang ra quốc tế. Về bộ phim Malà, the Little One, nữ đạo diễn cho biết : “Ban đầu khi làm phim này, tôi chỉ nghĩ về câu chuyện những đứa trẻ người Việt lớn lên ở CH Séc như tôi, thuộc cộng đồng người Việt lớn thứ ba (ở châu Âu). Giống như khoảng 100 000 người Việt ở CH Séc, tôi nghĩ là họ có thể đồng cảm với câu chuyện mà tôi kể. Tôi chưa từng nghĩ rằng câu chuyện này có thể được chia sẻ, cảm thông, được tiếp cận bởi những khán giả bên ngoài CH Séc, bởi nhiều người trên thế giới, mà không phải chỉ riêng người Việt mới hiểu được.”

Nữ đạo diễn trẻ gốc Việt vừa qua đã được lựa chọn tham gia viết kịch bản cho bộ phim dài đầu tay ở Résidence du Festival ở Paris, trong khuôn khổ của Liên hoan phim Cannes. Bộ phim ngắn đầu tay Malà The Little One của nữ đạo diễn đã được nhiều liên hoan phim ở châu Âu lựa chọn công chiếu, và đã giành được giải ECFA Doc Award tại liên hoan phim Berlinale 2019.  

Diana Cam Van Nguyen (G), nữ đạo diễn người CH, gốc Việt, trao đổi với khán giả về bộ phim hoạt hình ngắn Malá-The Little One, tại rạp Le Grand Action, Paris, Pháp, 21/10/2023.
Diana Cam Van Nguyen (G), nữ đạo diễn người CH, gốc Việt, trao đổi với khán giả về bộ phim hoạt hình ngắn Malá-The Little One, tại rạp Le Grand Action, Paris, Pháp, 21/10/2023. © RFI Tiếng Việt/ Chi Phương

   

 

Đồng sản xuất, viết kịch bản cho phim ngắn Good Chips, cô Brigid Mai Khanh Leahy, cũng có mặt cùng đạo diễn Nell Hensey sau phiên chiếu tại rạp Grand Action, hôm 21/10, chia sẻ với khán giả về bộ phim đầu tay của mình. Cô nói : “ Trên thực tế, không quá khó để tìm bối cảnh hay viết kịch bản cho một bộ phim về chủ đề thuyền nhân, vì chính mẹ của tôi cũng từng là một thuyền nhân. Cộng đồng người Việt ở Ai len không quá lớn, nhưng nhiều gia đình phải di cư cùng có nhiều điểm chung. Tôi cho rằng việc nêu bật câu chuyện di cư ở Ai Len rất quan trọng, để những cộng đồng người Việt hoặc các cộng đồng di dân khác có thể thấy rằng chúng ta có chung trải nghiệm, và chúng ta không đơn độc”. 

Theo bà Sylvie Gadmer, đồng tổ chức liên hoan phim Ici Vietnam Festival, liên hoan phim đưa người xem tìm hiểu những nơi khác nhau, dù là Mỹ, Ai Len, hay CH. Séc, “đó là những nơi có cộng đồng người Việt sinh sống”, “đó cũng chính là điều tạo ra sợi dây liên kết văn hóa “hỗn hợp”. Bởi vì, “những khác biệt mà các giai đoạn nhập cư khác nhau mang lại, khiến những người Việt ở hải ngoại, đến định cư ở một nước nào đó vào những giai đoạn khác nhau, khó có thể ‘gặp được nhau’, hội tụ lại. Thế nhưng sợi dây liên kết văn hóa Việt cho phép điều này xảy ra, mọi người dường như có ‘những trải nghiệm chung’, khiến mọi người có những, cảm xúc tương đồng, và chính điều này tạo ra sự kết nối.”    

 

Đồng tổ chức Ici Vietnam Festival Cinéma, bà Sylvie Gadmer, tại rạp Grand Action, Paris Pháp, ngày 21/10/2023
Đồng tổ chức Ici Vietnam Festival Cinéma, bà Sylvie Gadmer, tại rạp Grand Action, Paris Pháp, ngày 21/10/2023 © Chi Phuong

 

Văn hóa - sợi dây kết nối

Việc hội tụ các đạo diễn, trình chiếu các bộ phim nói trên, với một công chúng quan tâm đến văn hóa Việt, hoặc gốc Việt, cùng hội tụ tại một rạp chiếu phim Grand Action, theo bà Sylvie Gadmer, điều này “giống như một phản ứng hóa học”, “khi mọi người đều đắm chìm trong cảm xúc”“một cảm xúc chung”, được thấu hiểu bởi cộng đồng người nhập cư. Bà nói thêm : “Văn hóa Việt Nam không phải là văn hóa trọng lời nói, không phải là văn hóa mà các bậc cha mẹ có thói quen ‘trút hết nỗi lòng về cuộc đời họ”, bày tỏ tình yêu trước con cái”, mà đó thường là những hành động những chi tiết nhỏ, khiến những đứa con cảm nhận những tình cảm lớn lao đó…Có một điểm chung mà chúng tôi có thể thấy trong tất cả các cộng đồng nhập cư, đó là ẩm thực, các món ăn truyền tải rất nhiều tình yêu cũng như văn hóa, hội tụ tất cả mọi người lại cùng nhau, ẩm thực như một vector cảm xúc gắn kết mọi người trong cùng một động lực tích cực”.  

Ngoài những bộ phim về cộng đồng người Việt ở hải ngoại, liên hoan cũng giới thiệu các bộ phim được sản xuất ở Việt Nam, như phim tài liệu Má Sài Gòn, của đạo diễn Khoa Lê, nói về khao khát tự do của những người trẻ đồng tính, cũng như những gắn kết trong gia đình họ ở Sài Gòn; hay bộ phim tài liệu của Nguyễn Phương Thảo, ghi lại quãng thời gian cùng chung sống, cách ly trong vòng 17 ngày của 150 phụ nữ, sống tại châu Âu, trở về Việt Nam trong đại dịch Covid-19.   

Không chỉ với công chúng tại Paris, liên hoan phim cũng là dịp để những người trong giới điện ảnh tìm kiếm, khám phá các tên tuổi mới. Giám đốc nghệ thuật của Liên hoan phim Tuy Xa Mà Gần, Nara Keo-Kosal, cũng có mặt tại rạp Grand Action, ông cho biết đang tìm kiếm các phim, đặc biệt là thể loại phim tài liệu để công chiếu tại sự kiện được tổ chức thường niên ở trung tâm văn hóa La Ferme du Buisson vào dịp Tết năm sau. Ông cho biết nội dung của các phim rất đa dạng do các đạo diễn tiềm năng thực hiện, “tuy nhiên hầu hết các đạo diễn đều sinh sống ở nước ngoài, do đó họ thường có một nhãn quan khác so với các đạo diễn sinh sống ở trong nước”.   

  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.