Vào nội dung chính
NGA - CHÂU MỸ LA TINH

Nga đã làm thế nào để gia tăng ảnh hưởng ở châu Mỹ La Tinh

Trong bối cảnh chiến tranh Ukraina, Nga gia tăng ảnh hưởng, thắt chặt quan hệ với các nước tại nhiều khu vực trên thế giới, trang tuần báo L’Express hôm 01/10/2023 có bài « Putin, các điệp viên và Tik Tok : nước Nga xâm nhập vào châu Mỹ La Tinh như thế nào », cho thấy Nga đang sử dụng nhiều mặt trận cả ngoại giao lẫn mạng xã hội để truyền tải thông điệp chống Mỹ, khiến hầu hết các nước châu Mỹ La Tinh không lên án cuộc xâm lược Ukraina. RFI xin trích dịch

Bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu (P) cùng đồng nhiệm Brazil Celso Amorim tại Brasilia, Brazil ngày 16/10/2013.
Bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu (P) cùng đồng nhiệm Brazil Celso Amorim tại Brasilia, Brazil ngày 16/10/2013. AP - Eraldo Peres
Quảng cáo

Trong số các nước châu Mỹ La Tinh, Brazil là một đồng minh thân cận với Nga. Tuần báo L’Express nêu ra nội dung của số ấn phẩm mới nhất của trường nghiên cứu cao cấp về chiến tranh, do bộ Quốc Phòng Brazil xuất bản. Trong đó, nhà tư tưởng, nhân vật tuyên truyền nổi tiếng của Nga, Alexandre Douguine, có bài phân tích về địa chính trị dài 15 trang với tựa đề khá là khoa trương : “Thế giới thứ hai, bán ngoại vi và Nhà nước – văn minh trong học thuyết về thế giới đa cực”.     

Với văn phong cầu kỳ, vốn là phong cách của mình, ông Douguine dẫn lời nhiều chính khách cực hữu cũng như những trí thức tên tuổi để “chứng minh” điều mà ai cũng đã biết : thế giới lưỡng cực của chiến tranh Lạnh đang biến đổi trước mắt chúng ta thành một thế giới đa cực.    

Theo ông Douguine, trong bối cảnh này xuất hiện một khái niệm “thế giới thứ hai”, đứng ngay sau thế giới thứ nhất “phân biệt chủng tộc” và thế giới thứ ba, bị phương Tây coi là những khu vực “man rợ” của châu Đại Dương và châu Phi, và người da màu. Các nước thuộc thế giới thứ hai thì sao ? Dĩ nhiên, đó là những nước thuộc khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), và các thế giới Hồi giáo cùng châu Mỹ La Tinh. Ông Alexandre Douguine giải thích rằng các thực thể này cùng nhau hoặc riêng rẽ, kháng cự lại Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây.    

Cách mà nhà tư tưởng Douguine chắt lọt suy nghĩ của mình, thu hút sự chú ý. Ông viết : “Thông thường, nhưng không phải lúc nào cũng vậy, thay đổi trật tự thế giới được thực hiện bởi các cuộc chiến tranh thế giới. Thật không may là việc xây dựng một thế giới đa cực cũng sẽ phải trải qua giai đoạn chiến tranh”. Đây là một cách để nói rằng cuộc xâm lược của Nga ở Ukraina là tất yếu”.    

Sự xuất hiện của Douguine trong ấn phẩm của bộ Quốc Phòng Brazil, cho thấy tư tưởng của Nga đã len lỏi vào những kẽ hở nhỏ nhất trong các nhóm quyền lực trên lục địa Mỹ La Tinh - một khu vực của thế giới mà Matxcơva đặt làm ưu tiên.  

Jorge Masetti, cựu Jorge Masetto, cựu du kích Cuba, hiện là nhà đối lập lưu vong trong phong trào DFRENTE cho rằng “điều gây ngạc nhiên nhất là những lãnh đạo cấp cao của quân đội Brazil ủng hộ Vladimir Putin”, thêm vào đó là sự cảm thông của phe cực tả ở châu Mỹ La Tinh dành cho Nga với lý do rất vô lý : “cuộc xâm lược vào Ukraina là một phần trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa đế quốc Mỹ”.   

Mêhicô – hang ổ của gián điệp Nga 

Tại Mêhicô, L’Express cho rằng không có nơi nào mà sự hiện diện của Nga rõ rệt như ở đây. Hôm 16/09, 14 binh sĩ của Putin có mặt trong cuộc duyệt binh nhân ngày độc lập của nước này, tại quảng trường Zocalo, đã gây phẫn nộ. Cựu đại sứ Mêhicô tại Hoa Kỳ, Arturo Sarukhan cho rằng “điều này tương tự như ngày 16/09/1939, sau khi Ba Lan bị chế độ Đức quốc xã xâm lược, chính phủ của Lázaro Cárdenas đã mời một nhóm lính Đức đến diễu hành.” 

Tổng thống cánh tả Mêhicô Andres Lopez Manuel Obrador đã khéo léo giải thích về lời mời lính Nga đến buổi duyệt binh vào ngày quốc khánh là một truyền thống của Mêhicô, được gửi đến tất cả các sứ quán. Năm nay, 18 quốc gia đã cử binh lính đến, trong đó có Trung Quốc và Cuba. Tuy nhiên, đại sứ Ukraina đã phẫn nộ cho biết bà không nhận được bất cứ lời mời nào.    

Vào tháng Hai, 2022, trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Mêhicô đã lên án cuộc xâm lược của Nga. Nhưng hai tháng sau đó, ngay sau cuộc thảm sát ở Bucha, quốc gia châu Mỹ La Tinh với 126 triệu dân đã bỏ phiếu trắng trong cuộc biểu quyết đình chỉ sự tham gia của Nga trong Ủy ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.    

Nữ văn sĩ Mêhicô Denise Dresser lấy làm tiếc rằng “thường ngày, tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador duy trì một lập trường trung lập giả dối đối với cuộc xung đột. Ông ấy giảm thiểu trách nhiệm của Nga và đặt quốc gia xâm lược, ngang hàng với Ukraina”. Nhà văn Dresser, cũng là một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, với 5 triệu người theo dõi trên Twitter cho rằng “tổng thống Mêhicô cũng từ chối công khai lên án Putin, vào năm ngoái, ông ấy đã chế giễu Zelensky trong cuộc họp báo hàng ngày”.    

Giảng viên tại đại học Monterrey, cựu đại sứ của Ba Lan ở Mêhicô, bà Beata Wojna cũng lên án chủ nghĩa thân Nga ngày càng mạnh mẽ trong chính quyền Mêhicô. Bà cho biết khi các công chức của bộ Kinh Tế cố gắng triển khai các hạn chế chống lại việc xuất khẩu các loại hàng hoá và thiết bị công nghệ sử dụng trong cả dân sự và quân sự sang Nga, sáng kiến này đã bị chặn lại ở cung điện tổng thống. Hơn nữa, điều đáng nói nhất là giữa lúc Nga tấn công Ukraina, Quốc Hội Mêhicô tin rằng đó là thời điểm thích hợp để thành lập một nhóm hữu nghị Mêhicô – Nga vào ngày 23/03/2022.  

Mức độ hiện diện của cộng đồng người Nga ở Mêhicô cũng tăng lên. Người Nga xuất hiện đông đảo hơn tại các địa điểm du lịch, các bãi tắm ở Cancún hay Cabo San Lucas. Tài phiệt người Nga Oleg Tinkov, chủ sở hữu một du thuyền có thể phá băng, dài 77 mét, đã được nhìn thấy trong khu vực này. Những người Nga giàu có nhất cũng đang để ý đến hòn đảo đẹp như thiên đường Margarita trong vùng Caribe, của Venezuela. 

Mạng xã hội - "quân bài tuyên truyền" của Nga

Mạng xã hội là một sân chơi khác của Nga tại xứ sở của telenova (truyền hình dài tập). Trên Facebook, Instagram hay Tiktok, những người có sức ảnh hưởng, xinh đẹp, và nói tiếng Tây Ban Nha một cách hoàn hảo, thỉnh thoảng, từ bỏ cách nói chuyện giả tạo để truyền tải các thông điệp chính trị.  Hôm 09 tháng Năm, ngày Chiến Thắng ở Nga, nhiều người trong số này đã đăng những thông điệp như : “Đây là lý do tại sao Liên Xô đã chiến thắng Đệ Nhị Thế Chiến, không phải Hoa Kỳ như người ta dạy ở phương Tây.” Theo L’Express, dĩ nhiên đây không phải là tình cờ mà nằm trong một kế hoạch có phối hợp.    

Luân chuyển của các nhà ngoại giao cũng khiến đặt ra những nghi vấn. Kể từ đầu cuộc chiến, trong khi 400 nhà ngoại giao Nga bị nghi ngờ làm gián điệp, bị trục xuất khỏi Liên Hiệp Quốc, khỏi NATO hoặc các thủ đô châu Âu, thì Mêhicô lại giang tay tiếp đón họ. Chỉ trong vài tháng, Mêhicô đã tiếp đón thêm 36 nhà ngoại giao Nga mới, ngoài 49 người đã nhậm chức. Điều này nghĩa là số nhà ngoại giao Nga đã tăng lên 60 %. Tổng cộng 85 nhà ngoại giao, sứ quán ở Mêhicô là nơi có nhiều nhà ngoại giao Nga nhất thế giới và điều này không thể được lý giải bởi mối quan hệ thương mại vô cùng hạn chế giữa hai nước. Ví dụ như Brazil, chỉ có khoảng 30 nhà ngoại giao Nga mặc dù quan hệ thương mại giữa hai nước lớn hơn gấp 5 lần và số lượng người Nga sống tại Brazil cũng cao hơn.    

Đối với Mỹ, điều này được hiểu là “phần lớn những nhà ngoại giao đó là gián điệp, … được hưởng lợi từ vỏ bọc ngoại giao.”  Theo John Feeley, cựu đại sứ Hoa Kỳ, chuyên gia an ninh giải thích trên chuyên mục của Eje Central, một kênh truyền thông của Mêhicô, nước Trung Mỹ này là nơi lý tưởng để các sĩ quan tình báo Nga có thể gặp mặt thường xuyên các mật vụ Nga hoạt động ở Hoa Kỳ. Trong một phiên điều trần tại Thượng Viện, tướng Hoa Kỳ, Glen VanHerck, chỉ huy khu vực Canada, Mỹ và Mehicô, đã cảnh báo các dân biểu : “Phần lớn các thành viên của Cơ quan Tình báo Quân đội Nga - GRU trên thế giới hiện đang ở Mehicô. Đó là các thành viên của cơ quan tình báo Nga, đang chỉ đạo các hoạt động chống lại Hoa Kỳ."   

Mối quan hệ giữa Mêhicô và Nga không phải là mới, mà đã được thiết lập từ năm 1891. Sa hoàng Alexandre Đệ Tam đã cho mở cơ quan đại diện ngoại giao đầu tiên trong khu vực. Sau đó, cuộc cách mạng Mêhicô, 1910 và Bolshevik (1917) đã khiến hai nước xích lại gần nhau. Đối với Mêhicô, Liên Xô đại diện cho sự đối trọng với láng giềng Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Nga lại có quan hệ đồng minh thân thiết hơn với một nước Cuba cách mạng kể từ những năm 1960.    

Bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu đã tái khẳng định điều này với người đồng cấp Cuba Alvaro Lopez Miera tại Maxcơva vào tháng 6: “Không còn nghi ngờ gì nữa, Cuba đã và đang tiếp tục trở thành đồng minh quan trọng nhất của Nga trong khu vực.”  

Cuba, nước duy nhất cử lính đến chiến đấu cho Nga tại Ukraina ?  

Mối quan hệ đối tác lịch sử này giải thích tại sao Cuba là nước duy nhất gửi lính đánh thuê đến Nga để đến chiến trường Ukraina, mặc dù La Habana phủ nhận điều này. Vụ việc bắt đầu từ đầu tháng 9, một nhóm tin tặc Ukraina ‘Cyber ​​Resistance’, đã xâm nhập vào hộp thư điện tử của một sĩ quan Nga thuộc quân khu miền tây Nga. Với dữ liệu đánh cắp được, họ đã chứng minh sự hiện diện của lính Cuba tại căn cứ quân sự tại Tula ở Nga. Trong những hình ảnh đánh cắp được, có 120 bản scan hộ chiếu của những người Cuba trong độ tuổi chiến đấu, nhận được mức lương hàng tháng khoảng 2000 euro, để tham gia vào chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina.   

Khi được cảnh báo về vụ rò rỉ này, chế độ Cuba đã đi trước : tiết lộ vụ bê bối để xoa dịu tình hình, giống như một kĩ thuật đã được sử dụng trong vụ Ochoa, năm 1989 (lúc đó, mối liên hệ giữa Fidel Castro và những kẻ buôn ma tuý bị bại lộ, Castro đã không ngần ngại ra tay bắn thủ phạm). Giả vờ phẫn nộ, ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez tuyên bố trên truyền hình rằng “Cuba vừa triệt phá một mạng lưới buôn người, chuyên tuyển mộ lính đánh thuê để đưa họ sang Ukraina”. Sau đó, hai lãnh đạo của bộ Nội Vụ Cuba tuyên bố đã bắt 17 người mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Danh tính của kẻ buôn người vẫn là điều bí ẩn.   

Đọc thêm : Nga tuyển mộ lính Cuba đến chiến đấu ở Ukraina như thế nào ?

Nhà đối lập Cuba Jorge Masetti, vốn hiểu biết về hệ thống nội bộ Cuba, vì từng là thành viên trong đó, chỉ ra rằng “không những không thể xin được hộ chiếu để rời khỏi hòn đảo nếu không được chính quyền thông qua, mà hơn nữa, chưa bao giờ chế độ Cuba tiết lộ tên của những người bị bắt, dù biết rằng ở Cuba, dù một tên trộm có đánh cắp một bao xi măng thì thông tin của người này sẽ được tự động cập nhật trong cơ quan của đảng Cộng Sản Granna”. Cựu du kích Cuba cho biết : “Sự thiếu minh bạch này cho thấy rõ ràng rằng chế độ đang bị lúng túng ở mọi khía cạnh”.     

Ông Masseti cũng chỉ ra một điểm mâu thuẫn khác : “Cuba thừa nhận sự hiện diện của lính Cuba tại Nga nhưng không yêu cầu nước tuyển mộ giải trình, điều này gây tò mò phải không ? ” Thực ra, ở châu Mỹ La Tinh, có hai nguyên thủ lên án cuộc xâm lược của Nga ở Ukraina : tổng thống Chile Gabriel Boric và tổng thống Uruguay Luis Lacalle Pou. 31 quốc gia còn lại dường như muốn tránh đụng chạm đến Vladimir Putin.   

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.