Vào nội dung chính

Cuba có thực sự là tai mắt của Trung Quốc ở cửa ngõ nước Mỹ ?

TRUNG QUỐC -CUBA- MỸ - DO THÁM – Nhật báo Mỹ Wall Street Journal phát giác việc Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận với La Habana về việc xây dựng một trạm do thám trên đất Cuba nằm cách biên giới với nước Mỹ khoảng 100 km. Một cơ sở gián điệp như vậy có thể sẽ là một hiểm họa an ninh cho Washington. Những ngày qua thông tin này đã gây không ít ồn ào trong dư luận quốc tế, cũng như thu hút sự chú ý của giới phân tích chính trị.  

Ảnh tư liệu: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (P) và đồng nhiệm Cuba Bruno Rodriguez  họp báo sau cuộc hội đàm tại Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh, 29/05/2019.
Ảnh tư liệu: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (P) và đồng nhiệm Cuba Bruno Rodriguez họp báo sau cuộc hội đàm tại Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh, 29/05/2019. AFP - FLORENCE LO
Quảng cáo

Tất cả các bên liên quan đều nhanh chóng phủ nhận thông tin. Trung Quốc, Cuba và cả Mỹ đều nói không biết gì về một « căn cứ gián điệp bí mật » mà Bắc Kinh thể sẽ xây dựng ở Cuba. Trong khi nhật báo Wall Street Journal, trong một bài viết đăng hôm 08/06 vừa qua dẫn nguồn « các quan chức Mỹ nắm rõ hồ sơ tuyệt mật » khẳng định điều ngược lại. Theo nhật báo Mỹ, Trung Quốc và Cuba đã ký thỏa thuận về nguyên tắc, dự trù chi « hàng tỷ đô la » cho La Habana để được phép xây dựng một trạm nghe lén với những thiết bị cực kỳ hiện đại trên hòn đảo này. Wall Street Journal cho biết, cơ sở này có khả năng thu được đủ các loại thông tin liên lạc, từ cuộc gọi điện thoại, thư điện tử đến các dữ liệu truyền qua vệ tinh.

Nhưng thông tin của Wall Street Journal ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của giới chuyên gia phân tích chính trị. « Nếu tin này được xác nhận, thì đó sẽ là chuyện rất nghiêm trọng đối với an ninh của nước Mỹ, bởi cơ sở chỉ nằm cách bang Florida của nước Mỹ khoảng 100km, sẽ có thể do thám toàn bộ phía nam Hoa Kỳ, nơi đặt nhiều cơ sở quân sự », theo nhận định của ông Anurag Mishra, chuyên gia về quan hệ quốc tế của Hoa Kỳ, thuộc cơ quan nghiên cứu an ninh quốc tế Team for the Study of Security (ITSS) Verona.

Về phần chính giới Mỹ, các nghị sĩ của Ủy Ban Tình báo của Thượng Viện cũng tỏ ra lo lắng về viễn cảnh một cơ sở gián điệp như vậy được dựng lên ngay trước cửa ngõ nước Mỹ. Trong một tuyên bố chung, các nghị sĩ của ủy ban nói trên khẳng định : « Chúng tôi vô cùng hoang mang về thông tin cho biết La Habana và Bắc Kinh hợp tác nhắm vào Hoa Kỳ và nhân dân của chúng ta ».

Theo giới quan sát, dù không được xác nhận, nhưng dự án hợp tác Cuba- Trung Quốc này có những logic nhất định. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Liên Xô đã có những cơ sở do thám điện tử trên lãnh thổ Cuba. Giờ đây Trung Quốc thay chân Liên Xô, mở rộng sự hiện diện quân sự ở khắp nơi trên địa cầu. Bắc Kinh và La Habana có mối quan hệ ngoại giao rất khăng khít. Hợp tác giữa hai nước nhanh chóng mở rộng ra nhiều lĩnh vực quân sự. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Cuba mất nguồn viện trợ lớn rơi vào tình trạng khốn đốn về kinh tế. Trung Quốc đã ra tay giúp đỡ Cuba trong mọi lĩnh vực. Bắt đầu từ năm 2015, quan hệ quân sự giữa hai nước không ngừng được tăng cường trên nhiều lĩnh vực.

 Chuyên gia về các vấn đề an ninh của Trung Quốc thuộc viện ITSS, Ho Ting Bosco Hung phân tích : « Quan hệ giữa Cuba và Hoa Kỳ hiện đang rất xấu, nhất là từ khi Washington quyết định đưa Cuba trở lại danh sách đen những quốc gia hỗ trợ khủng bố (12/01/2021). Trung Quốc chắc chắn sẽ lợi dụng khai thác mối quan hệ thù địch này ». Một điều kiện thuận lợi khác để Bắc Kinh nắm bắt cơ hội đó là chế độ ở 2 nước  có sự gần gũi về mặt ý thức hệ.

Thách thức địa chính trị và kinh tế

Trung Quốc có mọi lợi ích trong việc xây dựng một "trạm gián điệp" ở Cuba. Đầu tiên vì lý do địa chính trị. "Đặt bước chân đầu tiên lên lục địa Mỹ là rất quan trọng, bởi vì bất kỳ cuộc xung đột hay đọ sức,  có sự can dự của Trung Quốc, ở Đài Loan hay Biển Đông thì đều có khả năng Mỹ can thiệp. Vì thế mà điều quan trọng với Bắc Kinh là tìm hiểu càng nhiều càng tốt về khả năng quân sự của Hoa Kỳ", chuyên gia  Ho Ting Bosco Hung nhận định. Theo  ông, một cơ sở nghe lén sẽ giúp chế độ Trung Quốc có được thông tin cần thiết để "biết sẽ phải trả giá như thế nào nếu  Bắc Kinh quyết định phát động một cuộc chiến tranh".

Bên cạnh đó, đặt được tai mắt ở Cuba còn có thể mang lại lợi thế kinh tế. Chuyên gia Anurag Mishra được trích dẫn ở trên nhận định : « Ở Trung Quốc, Nhà nước và các tập đoàn lớn phối hợp với nhau rất khôn khéo. Nếu trạm nghe lén đó cho phép do thám các doanh nghiệp ở Texas hay Florida, các thông tin thu được chắc chắn hấp dẫn cho cuộc cạnh tranh của Trung Quốc ».

Có thể Bắc Kinh cũng nhận thấy đã đến lúc cần phải trang bị những vũ khí tương tự như Hoa Kỳ có trong cuộc chiến gián điệp. Rosemary Foot, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung thuộc  St. Antony's College Oxford cho rằng « không có gì nghi ngờ nếu dự án nói trên có thực, Trung Quốc sẽ biện minh bằng cách nhắc lại rằng Washington cũng có thỏa thuận tình báo với Đài Loan, như thế có nghĩa là Hoa Kỳ cũng có các trạm nghe lén đặt sát cạnh Trung Quốc ». Như vậy Bắc Kinh chơi ngang bằng với đối thủ Mỹ.  

Những “ phát lộ “của Wall Street Journal cũng dính dáng đến Cuba. Chuyên gia Anurag Mishra nhận xét , “ vấn đề Cuba không được ghi trong lịch trình ưu tiên của tổng thống Mỹ Joe Biden”. Giả thuyết về sự cộng tác giữa Bắc Kinh và La Habana trong lĩnh vực tình báo nhắc nhở Nhà Trắng rằng buông lơi hồ sơ Cuba sẽ nguy hiểm.

Lại trước chuyến đi Trung Quốc của Blinken ?

Ngay cả khi những đồn đoán xung quanh trạm nghe lén này được chứng minh là  vô căn cứ đi chăng nữa thì các thông tin bung ra thế này vẫn sẽ khiến Hoa Kỳ  phải chú ý và cảnh giác nhiều hơn nữa trong hoạt động thông tin liên lạc đề phòng trường hợp trạm nghe lén của Trung Quốc tại Cuba tồn tại.

Chi tiết khiến các nhà quan sát chú ý và thắc mắc là thời điểm thông tin được tung ra. Vụ việc gần đây cũng liên quan đến các hoạt động gián điệp của Trung Quốc gây nhiều ồn ào trên truyền thông, vẫn được gọi là vụ « khí cầu  gián điệp », bung ra từ hồi tháng Hai năm nay. Vào thời điểm đó, ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã phải hủy chuyến công du Trung Quốc để phản đối điều mà ông coi là hành động gây hấn của Bắc Kinh.

Chuyến đi phải hoãn đó đã được lên kế hoạch lại vào cuối tháng 6 này. Nói một cách khác , « người ta có thể thắc mắc liệu có phải các tin đồn này nhằm phá chuyến đi (của ông Blinken)», chuyên gia Rosemary Foot nhấn mạnh. Bài báo của Wall Street Journal dù sao cũng sẽ « nuôi dưỡng tâm lý chống Trung Quốc ở Hoa Kỳ. Điều này sẽ làm phức tạp thêm mọi sáng kiến nhằm cải thiện quan hệ Mỹ-Trung », chuyên gia Ho ting Bosco Hung nhận xét.

Cuối cùng dù có căn cứ hay không thì thông tin trên sẽ buộc Washington phải có phản ứng. Đôi khi tìm được cách chống lại hiểm họa vô hình còn phức tạp hơn là chống lại mối đe dọa có thực.

(Theo france24.com)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.