Vào nội dung chính
THƯỢNG KARABAKH - LIÊN ÂU

Thượng Karabakh : Hàng nghìn người Armenia biểu tình ở Bruxelles tố cáo “sự đồng lõa” của châu Âu

Hàng nghìn người gốc Armenia, hôm qua 01/10/2023, đã biểu tình trước trụ sở của Ủy Ban Châu Âu ở Bruxelles, Bỉ, để tố cáo sự thụ động của châu Âu sau cuộc tấn công chớp nhoáng của Azerbaijan tái chiếm khu vực Thượng Karabakh, nơi phe ly khai Armenia kiểm soát trong ba thập kỷ qua.

Người Armenia biểu tình ở Bruxelles, Bỉ, tố cáo sự thụ động của Liên Âu sau cuộc tấn công của Azerbaijan tái chiếm Thượng Karabakh, ngày 01/10/2023.
Người Armenia biểu tình ở Bruxelles, Bỉ, tố cáo sự thụ động của Liên Âu sau cuộc tấn công của Azerbaijan tái chiếm Thượng Karabakh, ngày 01/10/2023. AFP - SIMON WOHLFAHRT
Quảng cáo

Theo AFP, tập trung đông đảo tại bùng binh Robert-Schuman, những người biểu tình đã lên án Liên Âu (EU) nhắm mắt làm ngơ trước thảm kịch mà người dân Armenia đang hứng chịu, để đổi lại nhận được khí đốt của Azerbaijan, được Liên Âu mua để bù đắp lượng khí đốt thiếu hụt sau khi quay lưng lại với khí đốt của Nga. 

Về phần mình, ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna, hôm qua, thông báo sẽ tới Armenia vào ngày mai 03/10 để “tái khẳng định sự ủng hộ của Pháp đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Armenia”.

Sau khi mất Thượng Karabakh, giờ đây, người dân Armenia đang thực sự hoài nghi về vai trò và uy tín của đồng minh Nga trong việc bảo vệ những quyền lợi của Armenia, theo tường trình của đặc phái viên Daniel Vallot từ Yerevan :

« Hướng về châu Âu và từ bỏ liên minh với Nga : không còn nghi ngờ gì nữa, đối với cư dân Yerevan này, đó là lựa chọn mà Armenia phải đưa ra. Với giọng nói mang đầy sự phẫn nộ và cay đắng, Ani lên án Matxcơva đã bỏ rơi đất nước của bà đối mặt với Azerbaijan.

Ani nói : “Họ nói là bạn của chúng tôi và bảo vệ chúng tôi, nhưng ngược lại, họ chẳng làm gì cả ! Chúng tôi thoát khỏi ảnh hưởng của Nga sớm chứng nào, thì tốt chừng nấy”.

Nhưng từ bỏ liên minh với Nga mang lại rủi ro cho Yerevan. Thương nhân đến từ thủ đô Armenia lo lắng về những hậu quả mà Armenia phải đối mặt nếu đột ngột cắt đứt quan hệ với Nga.

Ông cho biết : “Họ không phải là một đồng minh đáng tin cậy, nhưng nếu chúng tôi gây hấn với họ, họ sẽ cắt đứt quan hệ thương mại và cắt khí đốt ngay trước mùa đông ! Và vào lúc đó, chúng tôi sẽ xin khí đốt của ai, chẳng lẽ đi xin Azerbaijan ?”

Còn theo những người đối lập với thủ tướng Armenia Nikol Pashinian, chính việc thủ tướng xa lánh Matxcơva đã khiến Nga bỏ rơi nhà lãnh đạo Armenia, và khiến ông thua cuộc chiến… Mặc dù vậy, rõ ràng là sự thụ động của Matxcơva trong cuộc xung đột đã khiến nhiều người Armenia thay đổi quan điểm về đồng minh Nga, cho đến nay vẫn được coi là thiết yếu, nhưng dường như giờ đây, không còn khả năng bảo đảm an ninh cho Armenia ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.