Vào nội dung chính
THỤY ĐIỂN - BÁNG BỔ KINH CORAN

Vụ báng bổ kinh Coran : Phản ứng của người dân Thụy Điển

Vụ một người Irak tị nạn tại Thụy Điển hôm thứ Năm 20/07/2023 giẫm đạp và xé một cuốn kinh Coran trước đại sứ quán Irak tại Stockholm đã khiến Thụy Điển vấp phải phản ứng gay gắt của nhiều nước Hồi Giáo, như Ả Rập Xê Út, Irak, Iran, Liban …

Người đàn ông Irak sống lưu vọng tại Thụy Điển, Salwan Momika, trước đại sứ quan Irak tại Stockholm, nơi anh ta đã giẫm lên và xé kinh Coran, ngày 20/07/2023.
Người đàn ông Irak sống lưu vọng tại Thụy Điển, Salwan Momika, trước đại sứ quan Irak tại Stockholm, nơi anh ta đã giẫm lên và xé kinh Coran, ngày 20/07/2023. AP - Oscar Olsson
Quảng cáo

Nhiều cuộc biểu tình phản đối chính quyền Stockholm đã nổ ra ở Irak, Iran, Liban. Riêng Irak, không chỉ trục xuất đại sứ Thụy Điển sau vụ báng bổ kinh Coran, Bagdad còn dọa cắt đứt bang giao với Stockholm. Đại sứ quán Thụy Điển tại Irak cũng đã bị người biểu tình đốt phá hôm 20/05. Sáng nay 22/07, nhiều cuộc biểu tình cũng xảy ra gần đại sứ quán Thụy Điển tại Bagdad, cảnh sát đã phải giải tán đám đông.

Về phía người dân Thụy Điển, nhiều người sửng sốt những phản ứng dữ dội từ các nước Hồi Giáo. Một mặt, họ nhấn mạnh là hành vi báng bổ kinh Coran của người đàn ông Irak sống lưu vong ở Thụy Điển, Slawan Momika, không phản ánh quan điểm của đất nước họ, bởi người này còn không nói được tiếng Thụy Điển. Mặt khác, dù khẳng định tôn trọng mọi tôn giáo, nhưng người dân Thụy Điển cũng rất đề cao quyền tự do ngôn luận.  

Từ Stockholm, thông tín viên Carlotta Morteo gửi về phải phóng sự :

« Đó là một trò hề ở rạp xiếc, một chương trình biểu diễn để được chú ý ». Có thể nói rằng đa phần người Thụy Điển không bày tỏ một chút thiện cảm nào đối với Slawan Momika, người đàn ông đã làm tên tuổi mình nổi bật bằng cách báng bổ kinh Coran.

Một người nói : « Tự do ngôn luận là rất quan trọng, nhưng tôi nghĩ đốt một cuốn sách tôn giáo lại là một chuyện khác : đó là sự khiêu khích. »

Trên trang nhất của các tờ báo bày bán ở một cửa hiệu là những hình ảnh đại sứ quán Thụy Điển ở Irak bị người biểu tình đột nhập. Cô Julia, 22 tuổi, bàng hoàng nói : « Đa phần người Thụy Điển chúng tôi rất tốt. Thực sự là buồn khi ghét cả đất nước chỉ vì một người. Những phản ứng như vậy thật là đáng tiếc ».

Trong khi đó, người bạn của cô là Lucas, một sinh viên luật, hy vọng rằng những sự kiện này sẽ không khiến đất nước của họ phải siết chặt hơn quyền tự do ngôn luận. Anh nói : « Chúng tôi phải có quyền nói những điều làm tổn thương niềm tin của người khác. Chúng tôi là một quốc gia rất cởi mở, không phải một nước tôn giáo, chúng tôi chưa bao giờ gặp vấn đề như thế này ».

Còn anh Sabbah, kỹ sư, người Hồi giáo, gốc Irak, đến Thụy Điển cùng với gia đình cách nay hơn 15 năm. Anh Sabbah lấy làm tiếc là người đàn ông đó đã làm hoen ố hình ảnh của Thụy Điển và của những người tị nạn. Anh chia sẻ : « Thụy Điển đã giúp đỡ chúng tôi, chúng tôi biết ơn Thụy Điển. Tại sao lại gây chuyện như vậy ? Thế là không tốt. Điều đó rất có hại cho quan hệ ngoại giao, chúng ta phải giữ gìn các quan hệ đó. Người đàn ông này đang sử dụng luật pháp Thụy Điển để phục vụ mục đích cá nhân của anh ta ».

Giảm căng thẳng mà không đe dọa quyền báng bổ là một bài toán rất khó ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.