Vào nội dung chính
BÁNG BỔ KINH CORAN

Vụ báng bổ kinh Coran ở Stockholm: Ả Rập Xê Út và Iran phản đối Thụy Điển

Sau khi Bagdad quyết định trục xuất đại sứ Thụy Điển, Ả Rập Xê Út và Iran hôm qua 20/07/2023 triệu các đại diện ngoại giao của Stockholm lên để phản đối thái độ của chính quyền Thụy Điển mà họ tố cáo là đã cho phép các hành vi báng bổ kinh Coran.

Salwan Momika "đạp" lên kinh lên kinh Coran trước tòa đại sứ Irak ở Thụy Điển ngày 20/07/2023.
Salwan Momika "đạp" lên kinh lên kinh Coran trước tòa đại sứ Irak ở Thụy Điển ngày 20/07/2023. AP - Oscar Olsson
Quảng cáo

Bộ Ngoại Giao Ả Rập Xê Út  yêu cầu chính quyền Thụy Điển « thực hiện ngay lập tức mọi biện pháp cần thiết để chấm dứt các hành động đáng xấu hổ », sau vụ chính quyền nước này lại để xảy ra thêm một hành vi báng bổ kinh Coran trước đại sứ quán Irak tại Stockholm. Hôm qua, một người Irak lưu vong tại Thụy Điển đã giẫm đạp và xé cuốn kinh Coran, nhưng không đốt như từng dọa trước đó.

AFP nhắc lại hồi cuối tháng 06/2023, chính người này cũng đã đốt vài trang kinh Coran trước đền thờ Hồi giáo lớn nhất Stockholm vào dịp lễ Aid al Adha gây nhiều phản ứng gay gắt từ các nước Hồi giáo, nhất là Ả Rập Xê Út.

Ngoại trưởng Iran thậm chí còn gửi thư đề nghị tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lên án hành vi tại Thụy Điển và ngay lập tức có biện pháp cần thiết để vụ việc không tái diễn.

Về phía Irak, vụ việc hôm qua càng làm gia tăng căng thẳng với Thụy Điển. Nhưng việc Bagdad trục xuất đại sứ Thụy Điển và dọa cắt đứt bang giao với Stockholm cũng gây nhiều phản ứng trên thế giới và đặt câu hỏi tại sao chính quyền Irak lại phản ứng mạnh mẽ đến như vậy.

Từ Irak, thông tín viên Marion Fontenille giải thích :

« Lãnh tụ tôn giáo Moqtada Sadr phát biểu : "Thụy Điển đã tuyên bố sự thù địch nhắm vào Irak, chúng tôi sẽ không chỉ dừng lại ở việc chỉ trích ".

Giáo sĩ hệ phái Shia đã lên giọng và gửi đi một thông điệp : Ông chưa bao giờ thực sự rời khỏi chính trường. Rất có thể đó cũng là lý do giải thích tại sao thủ tướng Irak Mohammed Chia Al Soudani cũng đã ngay lập tức hành động.

Đây trước hết là một thách thức địa chính trị đối với chính quyền Irak. Họ đang bị mắc kẹt giữa các lực lượng dân quân khác nhau trong nước, vốn thân Iran. Nhưng họ cũng bị các đồng mình phương Tây, nhất là Thụy Điển và Mỹ, tố cáo là không bảo vệ đại sứ quán của các nước này.

Nhưng đây cũng là trò chơi giữ thăng bằng, bởi công luận Irak vẫn còn choáng váng trước vụ đốt một cuốn sách Thánh. Nếu đối thủ hệ phái Hồi giáo Shia giành được tín nhiệm với tư cách là người bảo vệ đạo Hồi, thì phong trào của họ có thể sẽ giành được phiếu bầu trong kỳ bầu cử cấp tỉnh vào tháng 12 tới, kỳ bầu cử cấp tỉnh lần đầu tiên trong vòng 10 năm trở lại đây ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.