Vào nội dung chính
HOA KỲ - BẠO ĐÔNG

Mỹ: Liệu tổng thống Donald Trump có dám điều quân đội dẹp biểu tình bạo loạn ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump đầu tuần (01/06) dọa điều quân đội để dẹp bạo loạn bùng phát trong các cuộc biểu tình kéo dài cả tuần nay tại nhiều thành phố của nước Mỹ để phản đối bạo lực và kỳ thị chủng tộc của cảnh sát. Một quyết định có thể gây tranh cãi về tính pháp lý cũng như tính chất chính trị. RFI giới thiệu bài viết trên trang mạng kênh truyền hình quốc tế Pháp France 24.

Lực lượng an ninh được triển khai ngăn chận một cuộc biểu tình gần khu vực Nhà Trắng ngày 03/06/2020.
Lực lượng an ninh được triển khai ngăn chận một cuộc biểu tình gần khu vực Nhà Trắng ngày 03/06/2020. REUTERS - JONATHAN ERNST
Quảng cáo

Ông Trump đã tự dựng cho mình hình ảnh một "tổng thống thời chiến" trong cuộc chiến đấu với dịch Covid-19. Bối cảnh nay đã thay đổi nhưng giọng điệu vẫn như cũ. Hôm 01/06, ông Donald Trump tuyên bố sẵn sàng triển khai quân đội trên đất Mỹ để "chế ngự" đường phố, trong khi mà các cuộc biểu tình chống nạn bạo lực cảnh sát đang nhân lên khắp cả nước.

Điều quân đội để dập tắt làn sóng công phẫn sôi sục từ sau khi George Floyd, người đàn ông Mỹ gốc Phi châu bị cảnh sát chèn cho nghẹt thở đến chết trong một cuộc kiểm tra bắt giữ, là một đe dọa đang làm huyên náo truyền thông Mỹ.

Tạp chí New York Times nhìn thấy ở lời đe dọa đó dấu hiệu một vị tổng thống đang trở nên độc đoán. Trong khi đó, người dẫn chương trình truyền hình trên kênh CNN, Don Lemon, thắc mắc liệu có phải ông Donald Trump thực sự sẵn sàng « tuyên chiến với công dân Mỹ ».

Một bộ luật cũ hơn trăm năm

Nhưng ngoài tầm chính trị của một động thái như vậy, cầu viện tới quân đội còn là một sự lựa chọn đáng nghi ngại về mặt pháp lý. Trên lý thuyết, tổng thống không thể điều binh sĩ quân đội cho các chiến dịch duy trì trật tự trên đất Mỹ. Đó là nhiệm vụ thuộc về quyền hành của các thống đốc bang. Các thống đốc bang có thể gọi đến Cảnh vệ Quốc gia, lực lượng dự bị quân đội Mỹ, đóng tại các bang. Mặc dù các lực lượng này chủ yếu vẫn được huy động trong các trường hợp thiên tai, nhưng họ vẫn có thể can thiệp một khi có các biến cố dân sự không kiểm soát được.

Tổng thống Mỹ không thể quyết được gì trừ phi vận dụng đến Luật Chống Nổi Loạn - Insurrection Act. Bộ luật có từ năm 1870 cho phép người đứng đầu chính quyền Mỹ huy động triển khai quân đội trên lãnh thổ Mỹ trong một số trường hợp đặc biệt.

Tổng thống có quyền can thiệp theo yêu cầu của một thống đốc bang khi lãnh đạo bang cảm thấy không thể xử lý biến cố. Đó là trường hợp đã xảy ra vào năm 1992, lần cuối cùng Luật Chống Nổi Loạn được áp dụng, khi các vụ bạo động chủng tộc ở Los Angeles bùng lên sau khi các cảnh sát đã đánh đập dã man một người da đen tên là Rodney King được xử trắng tội. Thống đốc bang California đã phải đề nghị và được tổng thống George Bush chấp thuận điều quân đội đến vãn hồi trật tự.

Trong trường hợp lần này, thật khó có thể tưởng tượng thống đốc bang Minnesota, người của phe Dân Chủ, ông Tim Walts, lại gọi đến ông Trump để được giúp đỡ khống chế bạo động trong biểu tình ở Minneapolis.

Một bằng chứng minh họa cho thái độ dè dặt của chính quyền địa phương trong việc phối hợp hành động với Donald Trump là công tố viên của New York, bà Letitia James, đã nói rằng : "Tổng thống Hoa Kỳ không không phải là độc tài và ông sẽ không "chế ngự" New York".

Từ Dwight Eisenhower đến Donald Trump

Nhưng Donald Trump, trên cương vị tổng chỉ huy quân đội, có thể tự quyết định điều các binh sĩ để đối mặt với những kẻ được cho là "côn đồ" và các thành phần "Antifa", nhóm tự nhận là chống phát-xít, có xu hướng cực tả chủ trương hành động bạo lực.

Để làm việc đó, vị tổng chỉ huy quân đội của Hoa Kỳ phải chứng minh ông hành động để bảo vệ các “hạ tầng cơ sở trọng yếu” hay các cơ sở chiến lược của đất nước như nhà máy điện, theo như một văn bản Quốc Hội năm 2006 đã quy định về vận dụng Luật Chống Nổi Dậy. Quân đội cũng có thể được huy động để bảo đảm thi hành luật pháp liên bang, một khi chính quyền một bang không muốn hoặc không thể làm.

Chính điều quy định này đã dẫn đến các lần áp dụng Luật Chống Nổi Loạn ấn tượng nhất trong lịch sử nước Mỹ gần đây. Luật đã được các tổng thống Dwight Eisenhower, năm 1957, John Kennedy vào năm 1962 và 1963 áp dụng để buộc các bang Arkansas và Mississipi thực thi một đạo luật chống phân biệt sắc tộc. Khi đó, quân đội đã được triển khai để bảo đảm các sinh viên Mỹ gốc châu Phi có thể đến trường học an toàn, trong khi các thống đốc bang đó muốn chống lại luật trên.

Một biện pháp đặc biệt được sử dụng trong quá khứ để bảo vệ quyền công dân của người Mỹ gốc châu Phi, chẳng nhẽ lại có ngày dùng lại để “dằn mặt” người biểu tình chống tệ nạn phân biệt chủng tộc đã thành phổ biến trong cảnh sát Mỹ hay sao ?

Luật Chống Nổi Loạn đã định rõ là tổng thống Hoa Kỳ có thể ra lệnh cho quân đội can thiệp nếu “một bộ phận dân chúng bị tước đoạt sự bảo vệ hay bị tước các quyền được Hiến pháp hoặc luật pháp liên bang bảo đảm”. Nói cách khác, chủ nhân Nhà Trắng chỉ cần bảo đảm rằng chính quyền địa phương không thể bảo vệ, chẳng hạn như quyền sở hữu tư nhân, trước các vụ cướp phá, là ông có thể gọi quân đội đến cứu giúp, theo như phân tích của CNN.

Tổng thống chịu trách nhiệm nếu sự việc diễn biến xấu

Cách diễn giải luật như vậy có lẽ chưa từng có tiền lệ, nhưng Donald Trump trong quá khứ đã chứng minh rằng ông không bao giờ cảm thấy bị ràng buộc bởi các tiền lệ, báo Los Angeles Times ghi nhận.  

Trên thực tế, trở ngại chính cho lệnh điều binh của tổng thống là ở khía cạnh chính trị. Đúng là phô trương sức mạnh như vậy có thể làm hài lòng giới cử tri của Donald Trump. Nhưng nếu đã ra lệnh thì chính ông sẽ phải chịu mọi trách nhiệm theo các biến chuyển tình hình, Steve Vladeck chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc gia thuộc Đại học Austin, Texas nhận định.

Trước khi có thể điều quân đội ra hiện trường, tổng thống phải cho người biểu tình một thời hạn để họ tự giải tán. Một tối hậu thư như vậy sẽ có thể được một bộ phận dân chúng diễn giải như là một hành động độc đoán, nhằm tước bỏ quyền tự do biểu thị của nhân dân, trang mạng Vox phân tích. Tiếp đó, nếu cuộc đối đầu giữa quân đội và người biểu tình diễn biến xấu đi, ông Donald Trump khó mà lẩn tránh được trách nhiệm. Quyết định điều động quân đội là hành động của một người duy nhất. Người đó là tổng thống Hoa Kỳ.

Chỉ còn chưa đầy 6 tháng nữa đến cuộc bầu cử tổng thống, một kỳ bầu cử mà ông Trump đang khao khát được tái đắc cử, liệu ông có sẵn sàng liều lĩnh làm như vậy ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.