Vào nội dung chính
HOA KỲ - BẠO ĐỘNG

Vụ George Floyd : Biểu tình tại nhiều nơi, Washington ban hành lệnh giới nghiêm

Làn sóng phẫn nộ của cộng đồng người Mỹ gốc châu Phi tiếp tục lan rộng sau cái chết của George Floyd, 46 tuổi trong một cuộc can thiệp của cảnh sát. Nhiều cuộc biểu tình và bạo động đã nổ ra tại hơn 70 thành phố ngày 31/05/2020. Washington ban hành lệnh giới nghiêm sau khi nhiều cuộc biểu tình diễn ra trước Nhà Trắng.

Biểu tình tại Boston, Massachusetts, Mỹ, ngày 31/05/2020, để phản đối bạo lực cảnh sát nhắm vào người da đen sau vụ George Floyd.
Biểu tình tại Boston, Massachusetts, Mỹ, ngày 31/05/2020, để phản đối bạo lực cảnh sát nhắm vào người da đen sau vụ George Floyd. REUTERS - BRIAN SNYDER
Quảng cáo

Theo số liệu của báo Mỹ New York Times, trong ngày 31/05, các cuộc biểu tình đã diễn ra tại ít nhất 75 thành phố của Mỹ. Trong tình hình hỗn loạn này, hãng tin Pháp AFP cho biết có khoảng 15 bang đã phải cầu viện đến Cảnh vệ quốc gia để bảo đảm an ninh cho các cuộc biểu tình. Nhiều cuộc bạo động đã xảy ra như tại Philadelphia, Dallas, Las Vegas, Seattle, Los Angeles, Chicago hay Washington…

Tại thủ đô của liên bang, thị trưởng Muriel Bowser ban hành lệnh giới nghiêm “từ 23 giờ cho đến 6 giờ sáng thứ Hai 01/06”, đồng thời ra lệnh triển khai Cảnh vệ quốc gia tăng viện cho lực lượng cảnh sát. Bất chấp lệnh giới nghiêm, nhiều cuộc tập hợp phản đối đã xảy ra trước Nhà Trắng trong ngày 31/5, chỉ trích Donald Trump “kích động phân biệt chủng tộc và hận thù”.

Từ Washington, thông tín viên RFI, Anne Corpet tường thuật:

“Không có công lý, không có hòa bình” người biểu tình hô vang. Trước mặt họ, những hàng cảnh sát chống bạo động bảo vệ Nhà Trắng. Ron, một kỹ thuật viên lập trình tin học, cũng là người Mỹ gốc châu Phi, đến biểu tình cùng với người bạn đời.

Anh nói: “Người ta rất tức giận và phẫn nộ. Tôi nghĩ rằng có điều gì đó quan trọng đang diễn ra lúc này. Một số người nói rằng viên cảnh sát giết chết Georges Floyd đã bị kết án nhưng điều này còn rộng hơn cả sự cố hiện nay. Người dân đã quá mệt mỏi vì phải chịu đựng tình trạng lạm dụng và hành động thô bạo mà họ phải hứng lấy một cách bất công”.

Hàng trăm người đã thách thức lệnh giới nghiêm do thị trưởng thủ đô liên bang ban hành và trước 23 giờ, cảnh sát đã bắn những quả lựu đạn hơi cay đầu tiên. Đám đông giải tán, rồi lại tụ tập cho đến khi có đợt bắn kế tiếp. Rồi những kẻ đập phá bắt đầu tham gia, đốt phá xảy ra tại nhiều tòa nhà, nhiều cửa hàng bị đập vỡ kính.

Melania tỏ ra thông cảm với cảnh “tức nước vỡ bờ” này. Cô nói: “Tất cả những gì đang xảy ra chỉ là một tiếng kêu gào đòi hỏi công lý hơn, một lời kêu gọi cho hòa bình thật sự, một lời kêu gọi để mà họ cũng phải được đối xử như một chủng tộc duy nhất, đó là nhân loại.”

Tiếng còi xe hụ một chiếc xe bị phóng hỏa vang khắp cả phố. Cách đó vài bước, Nhà Trắng thông thường được thắp sáng thì nay chìm trong bóng đêm.

Về phần mình, chủ nhân Nhà Trắng trên Twitter gọi những người biểu tình là những “kẻ vô chính phủ”, cam kết “dập tắt bạo lực tập thể”. Theo tờ New York Times, vào lúc có một cuộc biểu tình xảy ra trước cửa Nhà Trắng, nguyên thủ Mỹ đã được các nhân viên mật vụ dẫn đi ẩn náu tại một bunker ngầm dưới lòng đất một ngày trước đó.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.