Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Dùng tài sản của Nga để tài trợ vũ khí cho Ukraina: Không phải đơn giản

Hôm nay, 20/03/2024, theo dự kiến, Liên Hiệp Châu Âu sẽ đệ trình một kế hoạch tịch biên những nguồn thu nhập được tạo ra từ các tài sản của Nga bị phong tỏa sau khi Matxcơva mở cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina tháng 2/2022. Số tiền thu được sẽ được dùng để tài trợ việc mua vũ khí viện trợ cho Ukraina. Kế hoạch này sẽ được các lãnh đạo Liên Âu thảo luận trong cuộc họp thượng đỉnh hai ngày 21 và 22/03.

Cờ của Liên Hiệp Châu Âu và Nga.
Cờ của Liên Hiệp Châu Âu và Nga. © RFI
Quảng cáo

Theo giải thích của lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell, với việc tịch biên các nguồn thu nhập, hay nói đúng hơn là tiền lãi từ các tài sản của Nga đang bị phong tỏa ở châu Âu (được thẩm định tổng cộng là gần 200 tỷ euro), mỗi năm sẽ có thêm được khoảng 3 tỷ euro mà phần lớn sẽ được dùng để mua vũ khí viện trợ cho Ukraina. Sau hơn hai năm chiến đấu, quân đội Ukraina nay đang thiếu rất nhiều binh lính và đang rất cần nhiều đạn dược và hệ thống phòng không để chống trả các đợt tấn công dồn dập của quân Nga.

Hãng tin AFP hôm 19/03/2024 nhắc lại: Cách thức sử dụng những tài sản của Nga bị phong tỏa vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi gay gắt trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu. Một số nước thành viên lo ngại về những hậu quả của việc tịch biên các nguồn thu nhập từ những tài sản của Nga bị phong tỏa, hoặc tịch biên chính những tài sản đó. Họ sợ làm như vậy sẽ tạo ra một tiền lệ gây hoảng sợ các thị trường tài chính. 

Nhiều nước châu Âu khác thì ủng hộ việc tịch biên các tài sản của Nga. Estonia đã là quốc gia đầu tiên thông qua một luật theo hướng này. Ngoại trưởng Anh David Cameron cũng đã khẳng định về mặt luật pháp, hoàn toàn có thể tịch biên tài sản của Nga. Ngoại trưởng Pháp Stéphane Séjourné thì thận trọng hơn: “Chúng tôi ủng hộ giải pháp đó, với điều kiện nó phải tuân thủ luật quốc tế”.

Trên thực tế, có rất nhiều trở ngại. Thứ nhất, về mặt luật pháp, chẳng hạn như ở Hoa Kỳ, để có thể sử dụng các tài sản bị phong tỏa, phải tuyên chiến với quốc gia sở hữu tài sản đó. Nếu không thì phải ra một luật theo hướng này, nhưng làm như thế thì có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai sẽ không dám để tài sản của họ ở châu Âu. 

Mặt khác, Ủy Ban Châu Âu đã cam kết sẽ hoàn trả các tài sản bị phong tỏa cho Matxcơva nếu quân đội Nga rút khỏi Ukraina và chấp nhận bồi thường cho quốc gia bị xâm lăng. Hiện giờ thì kịch này rõ ràng là không thể xảy ra, nhưng nếu như sau này điện Kremlin đồng ý làm theo yêu cầu của Liên Âu thì lúc đó Liên Âu phải xử lý thế nào ? 

Chưa kể là Matxcơva đã báo trước là nếu Liên Âu tìm cách sử dụng các tài sản của Nga bị phong tỏa, họ sẽ thi hành các biện pháp trả đũa, bằng cách tịch biên những tài sản của Tây phương bị kẹt lại ở Nga. Điện Kremlin đã từng có phản ứng: Ngày 12/03, chính quyền Nga đã triệu đại sứ Thụy Sĩ lên để phản đối việc nước này vừa thông qua các biện pháp sử dụng tài sản của Nga bị phong tỏa ở Thụy Sĩ để tài trợ cho các dự án tái thiết ở Ukraina. Matxcơva đã dọa sẽ trả đũa nếu Thụy Sĩ thi hành biện pháp đó.  

Ngoài ra, còn phải tính đến khả năng một trong những quốc gia thành viên của Liên Âu sẽ chống đối. Hungary vốn vẫn ngăn chận các biện pháp trừng phạt Matxcơva và đã tuyên bố chống lại việc tịch biên các tài sản của Nga. 

Trước những trở ngại đó, Liên Âu có vẻ thận trọng : Kế hoạch mà Ủy Ban Châu Âu đệ trình hôm nay chỉ dự trù tịch biên thu nhập từ các tài sản của Nga bị phong tỏa, chứ không đụng đến các tài sản đó. Nhưng như vậy thì mỗi năm cũng có thêm được 3 đến 4 tỷ euro, chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu rất lớn và rất khẩn cấp của Ukraina hiện nay. Mặt khác, cho dù lãnh đạo 27 nước Liên Âu có đạt được đồng thuận trong tuần này, họ cũng chưa thể thi hành một quyết định đơn phương nếu không có sự ủng hộ hoàn toàn và vô điều kiện của các nước đồng minh Hoa Kỳ, Anh Quốc, Canada, Úc và Nhật Bản.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.