Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

NATO : Trump « bắt chẹt » châu Âu để thủ lợi nhiều hơn

Thứ Bảy, ngày 10/02/2024, trong một cuộc vận động tranh cử, Donald Trump đe dọa không bảo vệ, thậm chí sẽ thúc đẩy Nga tấn công những nước đồng minh nào không đầu tư và đóng góp đầy đủ cho quốc phòng. Trước đó, Donald Trump còn tuyên bố, nếu đắc cử, ông sẽ giải quyết hồ sơ Ukraina chỉ trong vòng 24 giờ khi cắt viện trợ và ép Ukraina phải đàm phán với Nga.

Republican presidential candidate and former U.S. President Donald Trump speaks as he holds a campaign rally at Coastal Carolina University ahead of the South Carolina Republican presidential primary
Cựu tổng thống Donald Trump phát biểu trong buổi mít tinh vận động tranh cử tổng thống tại bang South Carolina, Hoa Kỳ ngày 10/02/2024. REUTERS - SAM WOLFE
Quảng cáo

Những tuyên bố gây sốc này khiến châu Âu lo lắng cho tương lai của khối NATO trong trường hợp Donald Trump tái đắc cử. Quan hệ xuyên Đại Tây Dương dưới nhiệm kỳ đầu tiên của Donald Trump đã bị suy yếu. Washington trong giai đoạn này giữ khoảng cách với các đồng minh châu Âu cũng như với đồng minh châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Châu Âu : Nguồn lợi lớn cho Mỹ

Châu Âu lo ngại cơn ác mộng này lại tái hiện và có nguy cơ tồi tệ hơn nếu ông Donald Trump tái đắc cử. Tuy nhiên, trên diễn đàn nhật báo Công giáo La Croix, nhà địa chính trị Pascal Boniface, nhận định rằng trên thực tế đây chỉ là một « ngón bịp » của ông Donald Trump.

Nhà nghiên cứu thuộc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược IRIS trước hết lưu ý, Hoa Kỳ không hiện diện ở châu Âu để bảo vệ các lợi ích của châu Âu. Nếu Mỹ đến châu lục này khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc là vì không muốn Liên Xô kiểm soát toàn bộ châu lục. Mỹ hiện diện tại châu Âu là nhằm bảo vệ các lợi ích địa chính trị của họ cũng như là nền tự do của các nước châu Âu.

Giờ đây, những lợi ích đó của Mỹ không mấy thay đổi. Đương nhiên, thách thức mà Nga đặt ra hiện nay không quan trọng bằng thời Xô Viết. Nhưng việc Hoa Kỳ có mặt ở châu Âu và đang bảo đảm an ninh của những nước tại đây chống lại mối đe dọa càng lớn của Nga từ khi chiến tranh Ukraina bùng phát cũng tương ứng với các lợi ích của Mỹ.

Chưa có lúc nào, tầm ảnh hưởng của Mỹ ở châu Âu được củng cố mạnh mẽ như lúc này trong tất cả các lĩnh vực chính trị, thương mại và chiến lược, trong khi tại nhiều nơi khác trên thế giới sức ảnh hưởng đó của Mỹ đang bị suy giảm.

Theo ông Boniface, nếu ông Donald Trump thực sự có ý đồ cắt đứt mối liên hệ xuyên Đại Tây Dương, thì Lầu Năm Góc, bộ Ngoại Giao, Cơ quan Tình báo CIA và tất cả các cơ quan an ninh của Mỹ có lẽ sẽ không do dự nhắc nhở ông một thực tế : Hoa Kỳ hưởng lợi rất nhiều từ mối quan hệ này hơn là những gì Mỹ chi ra, chỉ riêng trong việc bán vũ khí. 63% vũ khí châu Âu mua là từ Mỹ.

Bắt chẹt : « Ngón bịp » của Trump để rút ruột châu Âu

Bảo đảm an ninh cho châu Âu là một lá chủ bài tuyệt vời cho Mỹ. Donald Trump chắc chắn sẽ dùng trò « bắt chẹt » này với các nước châu Âu qua việc dọa đình chỉ cam kết của Mỹ để họ phải chi nhiều hơn bằng cách mua trang thiết bị quân sự Mỹ cũng như là để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.

Trước những lời dọa dẫm này, liệu châu Âu có can đảm khẳng định ý chí tự chủ quốc phòng mà không cần đến sự hậu thuẫn của Mỹ hay không ? Nhà nghiên cứu này e rằng những căng thẳng địa chính trị và nỗi lo sợ đối mặt với Nga có nguy cơ thúc đẩy nhiều nước, đặc biệt là các nước Đông Âu làm mọi cách để Hoa Kỳ duy trì mối quan hệ chiến lược với châu Âu.

Điều này đã từng diễn ra trong nhiệm kỳ của ông Donald Trump, Ba Lan khi đó tuyên bố sẵn sàng chi hai tỷ đô la để xây dựng một căn cứ quân sự cho Mỹ với cái tên là « Fort Trump ». Nỗi sợ nước Nga và cảm giác ngoan ngoãn theo Mỹ từ lâu luôn ngự trị. Là một doanh nhân, Donald Trump biết đặt cược vào nghệ thuật mặc cả và thương thảo.

Do vậy, lần này cũng vậy, cựu tổng thống Mỹ dùng đến chiêu này để rút ruột đối tác. Châu Âu giờ phải chọn lựa, hoặc họ kết luận rằng tự chủ chiến lược châu Âu là một giải pháp ít rủi ro hơn hay là họ sẽ thỏa mãn các đòi hỏi của Donald Trump để giữ chặt chiếc ô bảo vệ Mỹ, tác giả kết luận ! 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.