Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

COP28: Cam kết tài chính cho“ Quỹ tổn thất và thiệt hại” còn quá ít

Ngay trong ngày khai mạc hôm qua, 30/11/2023, Hội nghị Khí hậu Liên Hiệp Quốc COP28 tại Dubai đã gây bất ngờ lớn khi chính thức thông qua quyết định thiết lập “Quỹ tổn thất và thiệt hại” để trợ giúp cho những nước dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, tức là những nước đang phải đối phó với hiện tượng mực nước biển dâng cao, hạn hán, lũ lụt, bão tố … do khí hậu trên hành tinh đang bị đảo lộn.

Jordan's King Abdullah II, India's Prime Minister Narendra Modi, United Arab Emirates Minister of Industry and Advanced Technology and COP28 President Sultan Ahmed Al Jaber, China's Vice Premier Ding
Đại diện 140 lãnh đạo trên thế giới dự hội nghị khí hậu COP28 Dubai. Ảnh ngày 01/12/2023. REUTERS - AMR ALFIKY
Quảng cáo

Đây được coi là bước tiến lớn đầu tiên của hội nghị COP28, có thể góp phần giúp giải tỏa những căng thẳng về tài chính giữa các nước phương Bắc với các nước phương Nam. Cho nên, hôm qua, toàn bộ các đại biểu của gần 200 quốc gia tham dự COP28 đã đứng dậy vỗ tay hoan nghênh quyết định lịch sử nói trên. Chủ tịch của hội nghị Sultan Al Jaber trong cương vị chủ nhà hào hứng tuyên bố : “Hôm nay, chúng ta đã viết một trang sử mới”. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres thì xem quỹ này là một “công cụ thiết yếu cho công bằng khí hậu”. 

Vấn đề là “Quỹ tổn thất và thiệt hại” có sẽ huy động đủ nguồn tài chính để hỗ trợ thật sự cho các nước đang cần đến hay không ? Trước mắt, đã có một số hứa hẹn được đưa ra. Liên Hiệp Châu Âu thông báo sẽ đóng góp tổng cộng 225 triệu euro (trong đó có 100 triệu euro của Đức ), Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất 100 triệu đôla, Nhật Bản 10 triệu đôla, Hoa Kỳ 17,5 triệu đôla. Anh Quốc thì khẳng định có thể tháo khoán đến 50 triệu đôla cho quỹ này. Những cam kết của các nước khác sẽ được ra trong những ngày tới tại COP28.

Theo AFP, các nước phát triển cũng đang gây áp lực để tăng thêm con số các nhà tài trợ, buộc các nước đang trỗi dậy như Trung Quốc hay Ả Rập Xê Út phải đóng góp cho “Quỹ tổn thất và thiệt hại”.

Nhưng những cam kết chỉ vài chục, vài trăm triệu đôla được đưa ra trong ngày khai mạc COP28 còn rất thấp so với nhu cầu rất lớn của các nước dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Bà Madeleine Diouf Sarr, chủ tịch Nhóm các nước chậm tiến nhất, quy tụ 46 quốc gia, đã nhấn mạnh những thiệt hai do biến đổi khí hậu được ước tính hàng trăm tỷ đôla. Liên minh các đảo quốc (OASIS) thì ra thông cáo nói thẳng : “Chúng tôi sẽ không thể yên tâm khi nào mà quỹ này chưa có đủ nguồn tài chính và bắt đầu giảm nhẹ gánh nặng của các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất”.

Theo trang Franceinfo, các nhà khoa học đã tính toán rằng từ đây đến năm 2030, nhu cầu bù đắp thiệt hại do các thiên tai gây ra đối với các nước dễ bị tổn thương nhất sẽ lên đến mức tối thiểu cao gấp 1.400 lần so với những cam kết tài chính được đưa ra hôm qua tại hội nghị COP28.

Vấn đề là, như tên gọi của nó, “Quỹ tổn thất và thiệt hại” không phải là một cơ chế đền bù, tức là những quốc gia phát ra nhiều khí thải nhất không bắt buộc phải đóng góp vào quỹ này, mà sự đóng góp là hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện. Cũng không có mục tiêu cụ thể nào được đề ra cho đóng góp tài chính của các nước giàu. Hoa Kỳ là quốc gia xếp hàng thứ hai thế giới về lượng khí phát thải gây hiệu ứng lồng kính lại thông báo đóng góp ít hơn sáu lần so với Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, hay của Đức.

Thái độ hoài nghi của những nước nghèo cũng dễ hiểu, vì ngay từ năm 2020, các nước giàu đã cam kết cấp 100 tỷ đôla/năm để giúp các nước nghèo trong quá trình chuyển đổi sinh thái, thế nhưng cam kết này vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Nay các nước dễ bị tổn thương nhất đòi một số tiền tương đương cho “Quỹ tổn thất và thiệt hại”, mà không chắc là sẽ được đáp ứng. 

Một vấn đề khác, đó là tạm thời “Quỹ tổn thất và thiệt hại” do Ngân hàng Thế giới quản lý, điều mà các nước phương Nam không chấp nhận, vì họ thấy các nước giàu là những cổ đông lớn nhất của ngân hàng này và như vậy tiếng nói của những nước này sẽ áp đảo. Mặt khác, chính Ngân hàng Thế giới đang tài trợ cho các dự án năng lượng hóa thạch trị giá hàng tỷ đôla. Ngân hàng này như vậy chẳng khác gì kẻ đốt nhà đóng vai lính cứu hỏa. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.