Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

APEC : Mỹ khẳng định tập trung vào Châu Á-Thái Bình Dương bất chấp chiến tranh Ukraina và Gaza

Hoa Kỳ tái khẳng định giúp đỡ Ukraina suốt mùa đông, huy động lực lượng ở Đông Địa Trung Hải để hỗ trợ Israel. Nhưng Washington cũng muốn trấn an các đối tác, đồng minh ở Châu Á-Thái Bình Dương. Thượng đỉnh APEC tại San Francisco từ ngày 15-17/11/2023 là cơ hội để Washington chứng tỏ vẫn đủ tiềm lực để thực hiện những cam kết trong vùng. 

Tấm áp phích về thượng đỉnh APEC tại San Francisco, Hoa Kỳ, ngày 13/11/2023.
Tấm áp phích về thượng đỉnh APEC tại San Francisco, Hoa Kỳ, ngày 13/11/2023. AP - Lea Suzuki
Quảng cáo

Trước tiên, Mỹ muốn trấn an 21 nước tham gia Diễn đàn Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) khi liên tục tỏ thiện chí hòa dịu với Trung Quốc, với đỉnh điểm là cuộc gặp giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Joe Biden dự kiến được tổ chức bên lề APEC. Theo hãng tin Mỹ AP, Nhà Trắng ý thức được rằng các nước thành viên APEC muốn hai cường quốc hàng đầu thế giới đối thoại hiệu quả hơn vì như vậy sẽ giúp giảm nguy cơ xung đột trong khi Ấn Độ-Thái Bình Dương vẫn được coi là khu vực cạnh tranh ảnh hưởng giữa Bắc Kinh và Washington. 

Một sự kiện khác được chú ý là cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Indonesia. Nhà Trắng trải thảm đỏ đón tổng thống Joko Widodo hôm 13/11 ngay trước thềm thượng đỉnh APEC. Hai nước nâng cấp quan hệ song phương lên mức đối tác chiến lược toàn diện - tương đương mức cao nhất mà Hoa Kỳ đã thiết lập với Việt Nam vào tháng 09/2023. Một thỏa thuận hợp tác mới trong khuôn khổ Quỹ Đổi mới sáng tạo và An ninh công nghệ (Quỹ ITSI), được thành lập theo Đạo luật CHIPS năm 2022, cũng được ký nhân dịp này để khai thác các khả năng, cơ hội trong chuỗi cung ứng linh kiện bán dẫn. 

Chiến lược đa dạng hóa nguồn cung ứng giúp Mỹ giảm phụ thuộc vào nguyên liệu thô Trung Quốc đã thúc đẩy chính quyền tổng thống Biden mở rộng hợp tác với các nước trong vùng, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Để dễ thuyết phục các nước trong vùng hơn và tạo cảm giác cho các đối tác tâm lý không phải chọn phe, Hoa Kỳ mở rộng hợp tác trong rất nhiều lĩnh vực được quan tâm như chống biến đổi khí hậu, kết nối số, năng lượng sạch và an ninh. Đây cũng chính là những điểm được tổng thống Biden và đồng nhiệm Indonesia Joko Widodo đồng thuận thắt chặt hợp song phương. 

Trong nhiệm kỳ tổng thống, ông Joe Biden thành công trong việc giúp hai đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc giảm căng thẳng, hợp lực trước mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên. Philippines thắt chặt trở lại quan hệ quốc phòng với Mỹ trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông. 

Một tuần hội nghị cấp cao ở San Francisco là cơ hội để Nhà Trắng chứng tỏ với các nhà lãnh đạo APEC rằng tổng thống Biden vẫn tập trung vào khu vực Thái Bình Dương trong khi vẫn cố ngăn chặn nguy cơ Trung Đông trở thành chảo lửa. Ông Neils Graham, trợ lý giám đốc Trung tâm địa-kinh tế Atlantic Council, nhận định « Mỹ nhắm đến mục tiêu sử dụng APEC làm phương tiện truyền tải cam kết kinh tế bền vững đối với toàn bộ khu vực »

Tầm quan trọng của APEC được chính quyền tổng thống Mỹ nhấn mạnh khi dự kiến công bố những sáng kiến mới nhằm thúc đẩy đầu tư vào các ngành công nghiệp sạch, phát triển những chính sách chống tham nhũng và gian lận thuế. Được thông báo năm 2022 nhằm làm đối trọng với sức mạnh thương mại của Bắc Kinh, chiến lược mang tên Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương - IPEF tập trung thúc đẩy cam kết của Mỹ ở trong vùng sau khi tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương - TPP năm 2017, sau được đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP. 

Một số khía cạnh của IPEF sẽ được các nước thành viên APEC quan tâm, ví dụ nỗ lực tăng cường sức đề kháng của chuỗi cung ứng, phát triển nền kinh tế dựa trên năng lượng xanh nhưng họ cũng muốn tổng thống Biden mở cửa thị trường Mỹ rộng hơn. Bộ trưởng Thương Mại Hàn Quốc từng nêu quan ngại này trong cuộc họp với các quan chức Mỹ ở Washington vào tháng 10 này, bởi vì, theo ông, « tiếp cận thị trường có thể là một trong những hồi đáp quan trọng mà các nước trong khu vực mong đợi từ vai trò dẫn dắt của Mỹ »

Tuy nhiên, khuyến nghị này bị một số dân biểu Mỹ dè chừng vì cho rằng sẽ làm mất đi « công ăn việc làm » tại Hoa Kỳ. Chính sách bảo hộ này sẽ tác động phần nào đến mong muốn trở thành « đầu tầu » tăng trưởng kinh tế bền vững của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.