Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Tổng thống Pháp đến Israel : Chuyến thăm “biểu tượng” hơn là “hiệu quả”

Gần 20 ngày sau vụ tấn công khủng bố của Hamas khiến hơn 1.400 người chết tại Israel, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến bày tỏ “tình liên đới” với người dân và Nhà nước Do Thái. Chuyến công du có vẻ muộn màng so với nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới nhưng được điện Elysée nhấn mạnh là tập trung vào hiệu quả vì tổng thống Macron mang đến một số đề xuất “hữu hiệu” tránh để cuộc xung đột Israel-Hamas lan rộng. 

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (P) hội đàm với tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Jerusalem, Israel, ngày 24/10/2023.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (P) hội đàm với tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Jerusalem, Israel, ngày 24/10/2023. via REUTERS - POOL
Quảng cáo

Tuy nhiên, một số chuyên gia Pháp không “lạc quan” về kết quả của chuyến công du đặt trọng tâm vào hai mục tiêu trước mắt : “ngừng bắn nhân đạo” và trả tự do cho tất cả các con tin bị Hamas giữ ở Gaza. Mục tiêu sâu xa hơn là đề xuất “thành lập Nhà nước Palestine” và Israel ngừng chiếm đóng, mở rộng các khu định cư Do Thái trên đất Palestine. 

“Hưu chiến” không thích ứng với quyết tâm báo thù của Israel 

Trước tiên, lời kêu gọi “hưu chiến nhân đạo” gần như “chết yểu”. Không chỉ Pháp mà rất nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước Ả Rập, liên tục đưa ra nhưng bất thành trong khi hàng trăm thường dân ở Gaza bỏ mạng hàng ngày trong các trận oanh kích của Israel. Quân và dân của Nhà nước Do Thái sục sôi ý chí báo thù Hamas và tuyên bố chỉ ngừng khi lực lượng vũ trang này bị trừ khử. Nguyện vọng này được Hoa Kỳ ủng hộ dù vẫn cảnh báo Israel không gây thiệt hại cho dân thường. Đây cũng là một trong những lý do khiến Israel chần chừ mở tấn công trên bộ từ 18 ngày qua nhưng tăng cường oanh kích. 

Phía lực lượng vũ trang Hồi Giáo Palestine cũng đề xuất “hưu chiến nhân đạo” để người dân Gaza được viện trợ nhu yếu phẩm nhưng kèm với điều kiện được cung ứng xăng dầu. Tuy nhiên, cả Israel và Hoa Kỳ đều khẳng định chỉ thảo luận ngừng bắn chừng nào Hamas “thả toàn bộ con tin”. Ngoài ra, theo phân tích của nhà nghiên cứu Pascal Boniface trên đài truyền hình LCI tối 23/10, khó có khả năng Hamas thả hết con tin vì đó là “lá chắn” cho họ. Đối với Hamas, chiến lược trả tự do “nhỏ giọt” để kéo dài thời gian nhằm phục hồi lực lượng, dàn binh bố trận và cản đường Israel tấn công trên bộ. 

Dù khẳng định “Pháp sát cánh với Israel” nhưng tổng thống Macron cũng phải hướng đến người Palestine ở dải Gaza, nơi có hơn 4.000 người thiệt mạng từ gần 20 ngày qua dưới các trận oanh kích trả đũa của Israel. Nhất cử nhất động của ông Macron sẽ được theo dõi chặt chẽ ở Pháp vào lúc giới chính trị và công luận bị chia rẽ vì “quyền được đáp trả” của Israel. 

“Thành lập Nhà nước Palestine” : Giải pháp thích đáng nhưng chưa đúng thời điểm 

Chưa bao giờ chủ trương “một nước Palestine độc lập” lại được đề cập nhiều như hiện nay. Điểm này cũng nằm trong đề án của nguyên thủ Pháp đến Trung Đông, cùng với đề nghị Israel ngừng mở rộng và chiếm các khu định cư Do Thái trên lãnh thổ Palestine. Một nhà quan sát, được trang Le Figaro trích dẫn ngày 23/10, nhận định “thời điểm đàm phán chính trị sẽ tới nhưng hiện giờ thì rất khó”

Trả lời đài RFI sáng 24/10, dân biểu Jean-Louis Bourlanges, chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Pháp, cũng cho là “thời điểm chưa thích hợp” nhưng phải “chuẩn bị dần”, có nghĩa là “gửi những tín hiệu rõ ràng về việc tôn trọng những mong mỏi hợp pháp của người dân Palestine, trong đó có việc ngừng chiếm các khu định cư”, cần chấm dứt chủ trương “chiếm đóng” của phe cực hữu Israel và tiến hành cải tổ hệ thống chính trị ở Israel. 

Pháp từng có tiếng nói ở Trung Đông và luôn được biết là nước ủng hộ việc thành lập một Nhà nước Palestine. Tuy nhiên, vòng hào quang của Paris đang lụi tàn trong khu vực, ví dụ điển hình là khủng hoảng chính trị vẫn chưa có hồi kết ở Liban, một nước có quan hệ mật thiết với Pháp, dù Paris miệt mài vận động, gây sức ép. Về điểm này, dân biểu Jean-Louis Bourlanges giải thích “ảnh hưởng của Pháp sẽ phải thông qua Liên Hiệp Châu Âu trước tiên. Nhưng cho đến nay, châu Âu luôn công bằng trong ý tưởng nhưng lại yếu đuối về ý chí”

Vẫn theo ông, vai trò của Pháp hiện giờ là vận động các đối tác đi theo hướng “giải pháp hai Nhà nước” để làm giảm căng thẳng ở khu vực ngay sát sườn châu Âu. Tuy nhiên, với sự ủng hộ nhiệt tình của đồng minh Mỹ, với sự phẫn uất và khao khát báo thù ở trong nước trong khi kẻ thù Hamas vẫn chống trả quyết liệt, chính phủ Israel khó lòng chấp nhận tức thời kế hoạch hòa bình của Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.