Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Cộng Đồng Chính Trị Châu Âu bất lực trước các cuộc xung đột vũ trang

Thực thế phũ phàng : Liên Hiệp Châu Âu và các đối tác thật sự bất lực, không thể ngăn ngừa hoặc dập tắt được các cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra ngay trước cửa ngõ của mình. Ukraina, Thượng Karabakh và Kosovo là ba chủ đề nóng bỏng trong chương trình nghị sự hội nghị CPE- Cộng Đồng Chính Trị Châu Âu lần thứ ba, được tổ chức ở Granada, miền nam Tây Ban Nha, trong hai ngày 5 và 06/10/2023. 

Thượng đỉnh Cộng Đồng Chính Trị Châu Âu tại Granada, Tây Ban Nha, ngày 05/10/2023.
Thượng đỉnh Cộng Đồng Chính Trị Châu Âu tại Granada, Tây Ban Nha, ngày 05/10/2023. AFP - LUDOVIC MARIN
Quảng cáo

Những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, những hiềm khích xuất phát từ quá khứ lịch sử âm ỉ trên Lục Địa Già từ hàng thập niên qua như những quả bom nổ chậm … Ý thức được điều này, mùa xuân năm ngoái, sau khi Nga đưa quân xâm chiếm Ukraina, một quốc gia có chủ quyền ngay sát cạnh cửa ngõ của Liên Âu, tổng thống Pháp, Emmanuel Macron đã đề nghị thành lập Cộng Đồng Chính Trị Châu Âu và thượng đỉnh đầu tiên đã diễn ra ở Praha, Cộng Hòa Séc, đầu tháng 10/2022.  Paris đề ra tham vọng CPE là một « không gian đối thoại, một diễn đàn hợp tác » giữa tất cả các quốc gia trên lục địa châu Âu trên các vấn đề  từ chính trị đến an ninh, từ chính sách năng lượng đến những vấn đề liên quan đến đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng liên quan đến toàn châu lục. 

Thế nhưng từ một năm qua, CPE vẫn hoàn toàn bó tay trong hồ sơ chiến tranh Ukraina. Về mặt chính thức, Liên Âu đồng lòng giúp Ukraina bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, nhưng thực ra lại khá bối rối khi nhận thấy rằng chìa khóa của cuộc chiến ngay sát cạnh cửa ngõ của chính mình đang nằm trong tay Hoa Kỳ. Những đấu đá trong nội bộ đảng Cộng Hòa ở Mỹ về gói viện trợ quân sự 24 tỷ đô la cho Kiev không chỉ khiến tổng thống Volodymyr Zelensky lo ngại cho tương lai cuộc chiến bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraina. Liên Âu thừa biết không đủ sức cả về tài chính, quân sự và kể cả về mặt chính trị để thế vào chỗ trống  mà Washington có thể để lại. 

Vấn đề thứ nhì thách thức giới lãnh đạo của Liên Âu và gần 20 đối tác trên toàn châu lục, liên quan đến những xung đột vũ trang khác ngoài cuộc đối đầu giữa Ukraina và Nga.  

Ngày 19/09/2023 Azerbaijan đã đưa quân chiếm lại vùng Thượng Karabakh, lực lượng ly khai người Armenia nhanh chóng buông súng đầu hàng. Trong 10 ngày khoảng 100.000 người Armenia tại Thượng Karabakh đã bỏ lại tất cả sau lưng, chạy sang thành phố Goris lánh nạn. Chính quyền Erevan tố cáo Baku tiến hành một cuộc « thanh lọc  sắc tộc nhắm vào cộng đồng Armenia… 

Liên Hiệp Châu Âu đã lúng túng trên hồ sơ này vì cần năng lượng của Azerbaijan. Pháp mới chỉ thông báo viện trợ quân sự cho Erevan giúp chính quyền Armenia bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, đã lập tức trở thành mục tiêu tấn công của Baku bởi Azerbaijan được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn … Ngọn lửa tại khu vực nam Cavkaz này chưa được dập tắt thì một cuộc xung đột khác đã nhen nhúm trong vùng Balkan. Tại nước Cộng Hòa Kosovo căng thẳng cũng đã đột ngột gia tăng sau vụ một cảnh sát người Albani bị sát hại ở phía bắc Kosovo, xung đột xảy ra giữa cảnh sát Kosovo và một toán đặc công vũ trang Serbia. Cộng Hòa Kosovo độc lập từ 2008 nhưng chính quyền Beograd đến nay vẫn xem Kosovo là một vùng lãnh thổ thuộc về Serbia. Hoa Kỳ báo động Serbia điều quan và đưa vũ khí đến sát biên giới với Kosovo. Trên hồ sơ này, một lần nữa Liên Âu đã mang uy tín của mình ra để bảo đảm hòa bình và ổn định trong khu vực, nhưng liệu rằng Bruxelles duy trì được kênh đối thoại và ảnh hưởng với cả Pristina lẫn Beograd được trong bao lâu ?  

Đành rằng trên cả ba hồ sơ Ukraina, Thượng Karabakh và Kosovo đều có bóng dáng của Nga, nhưng rõ ràng là cả về ngoại giao lẫn quân sự, bản thân Liên Hiệp Châu Âu vẫn chưa tạo được uy tín để khẳng định vị trí của khối trên bàn cờ địa chính trị. Về an ninh Liên Âu dựa quá nhiều vào Mỹ. Về ngoại giao, kể từ khi Liên  Xô sụp đổ, Liên Âu liên tục đón nhận thêm các thành viên mới ở đông và nam Âu, nhưng khối này vẫn còn chưa tìm được một tiếng nói chung. Cũng có khi Liên Âu bị chính những thành viên của mình làm suy yếu, như trong trường hợp của Hungary bắt bí các đối tác còn lại trong hồ sơ kết nạp Phần Lan, Thụy Điển vào khối NATO, hay Ba Lan trước mùa bầu cử đã thẳng thừng tuyên bố không viện trợ quân sự cho Ukraina nữa chỉ vì vấn đề ngũ cốc… Việc tạo dựng uy tín cho Cộng Đồng Chính Trị Châu Âu mà một thách thức lớn. Chỉ riêng sự vắng mặt của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan cũng đủ cho thấy CPE, một sáng kiến của Pháp có nguy cơ sớm bị chìm vào quên lãng.   

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.