Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Biển Đông: Con tàu Philippines rỉ sét mắc cạn trên Bãi Cỏ Mây lại gây sốt trong quan hệ Manila-Bắc Kinh

Trung Quốc hôm nay, 08/08/2023 lại lớn tiếng đòi Philippines phải cho trục kéo một con tàu gần như là rệu rã của Philippines đi khỏi Bãi Cỏ Mây, một bãi đá ngầm thuộc vùng quần đảo Trường Sa, Biển Đông. Bất chấp việc Manila đang kiểm soát thực thể nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, và việc con tàu đã hiện diện trên bãi đá từ hơn 20 năm nay, Bắc Kinh vẫn cho rằng vùng đó thuộc về Trung Quốc và sẵn sàng dùng võ lực áp đặt yêu sách chủ quyền của mình.

Ảnh tư liệu : Thủy quân lục chiến Philippines có mặt trên tàu hải quân LT 57 Sierra Madre gần Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông, ngày 29/03/2014.
Ảnh tư liệu : Thủy quân lục chiến Philippines có mặt trên tàu hải quân LT 57 Sierra Madre gần Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông, ngày 29/03/2014. AP - Bullit Marquez
Quảng cáo

Căng thẳng Bắc Kinh-Manila đã gia tăng trở lại trong những ngày gần đây từ khi Hải Cảnh Trung Quốc hôm 05/08/2023 đã bắn vòi rồng vào các tàu Philippines chở hàng tiếp tế cho toán thủy quân lục chiến đồn trú trên chiếc tàu mắc cạn trên Bãi Cỏ Mây (tên quốc tế là Second Thomas Shoal, Philippines đặt tên là Ayungin còn Trung Quốc gọi là Nhân Ái Tiêu).

Manila đã tố cáo một hành động nguy hiểm và phi pháp, triệu mời đại sứ Trung Quốc tại Philippines lên để phản đối, trong lúc Bắc Kinh tố ngược lại là Manila đã “vi phạm chủ quyền” Trung Quốc, đã không thực hiện “lời hứa trục kéo tàu” ra khỏi bãi ngầm, thậm chí còn “tiến hành sửa chữa quy mô lớn để chiếm đóng vĩnh viễn” thực thể này.

Đây không phải là lần đầu tiên mà Bắc Kinh ngăn không cho Manila tiếp tế cho lính Philippines trú đóng trên con tàu trên Bãi Cỏ Mây. Gần đây nhất là vào tháng 11 năm 2021, khi cảnh sát biển Trung Quốc cũng dùng vòi rồng tấn công tàu tiếp tế của Philippines ở khu vực Bãi Cỏ Mây.

Phải nói là về phương diện vật chất hay quân sự, con tàu trên Bãi Cỏ Mây, hoàn toàn rỉ sét, không có bất kỳ giá trị nào. Nhưng về chính trị, sự hiện diện của nó đã giúp Philippines khẳng định chủ quyền trước các yêu sách của Trung Quốc, vốn đòi hỏi gần như toàn bộ Biển Đông.

Vào năm 1999, tức là 5 năm sau khi khu vực Bãi Vành Khăn (Mischief Reef) mà Philippines tuyên bố chủ quyền bị Trung Quốc chiếm đóng (rồi sau đó bồi đắp thành căn cứ quân sự), chính quyền Manila đã quyết định cho một chiếc tàu cũ của mình tên là BRP Sierra Madre mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây trong cùng khu vực. Hải Quân Philippines tuyên bố là con tàu đang hoạt động, và kể từ đó thường xuyên cử một toán lính thủy quân lục chiến nhỏ đến đồn trú trên tàu.

Mục tiêu mà Manila nhắm tới là biến Bãi Cỏ Mây thành một tiền đồn của Philippines ở khu vực đó thuộc Biển Đông, qua đó khẳng định yêu sách chủ quyền của mình đối với Trung Quốc.

Kể từ khi đó, con tàu đã trở thành một trong những nguyên do gây căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila, với việc Trung Quốc một mặt gây sức ép đòi Philippines phải kéo con tàu đi ra khỏi khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, một mặt khác cản trở các hoạt động tiếp tế cho lực lượng Philippines đồn trú tại Bãi Cỏ Mây, vốn lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiếp tế từ đất liền. Mục tiêu của Bắc Kinh là buộc Manila phải rút đơn vị đồn trú Philippines ra khỏi khu vực

Còn đối với Philippines, mối lo ngại rất lớn là một khi Bãi Cỏ Mây không còn lực lượng đồn trú, Trung Quốc sẽ lại chiếm cứ thực thể này như họ đã từng làm với Đá Vành Khăn vào năm 1994, hay với bãi cạn Scarborough Shoal vào năm 2012.

Trong một chừng mực nào nó, sự hiện diện của một chiếc tàu Hải Quân “còn trong biên chế” của Philippines, với một toán lính bên trên ở Bãi Cỏ Mây có thể là lý do khiến Trung Quốc cho đến nay chưa trực diện tấn công chiếm đóng thực thể do Manila kiểm soát.

Bắc Kinh có thể sẽ phải thận trong bối cảnh trong tuyên bố ngày 05/08 vừa qua để bênh vực đồng minh Philippines trong sự cố ở Bãi Cỏ Mây, bộ Ngoại Giao Mỹ đã nhắc lại rằng “một cuộc tấn công vũ trang các tàu công vụ, máy bay và lực lượng vũ trang của Philippines, bao gồm cả lực lượng Tuần Duyên Philippines ở Biển Đông, sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ chung của Mỹ theo Điều IV của Hiệp Ước Phòng Thủ Chung Mỹ-Philippines năm 1951”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.