Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Vatican được bổ nhiệm đại diện thường trú ở Việt Nam, một bước tiến quan trọng giữa hai nước

Việt Nam và Vatican sẽ có một bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương với việc đúc kết một thỏa thuận, mà theo đó Hà Nội chấp nhận cho Tòa Thánh bổ nhiệm một đại diện thường trú ở Việt Nam, theo một quan chức cao cấp của Vatican và một nhà ngoại giao ở Hà Nội theo dõi sát hồ sơ này. 

Những người hành hương từ Việt Nam rước tượng Đức Mẹ trong buổi cầu nguyện do Đức Giáo Hoàng Phanxicô chủ sự tại quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican, ngày 08/10/2016.
Những người hành hương từ Việt Nam rước tượng Đức Mẹ trong buổi cầu nguyện do Đức Giáo Hoàng Phanxicô chủ sự tại quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican, ngày 08/10/2016. REUTERS - Tony Gentile
Quảng cáo

Theo hãng tin Anh Reuters hôm nay, 17/07/2023, thỏa thuận có thể sẽ được thông báo nhân chuyến viếng thăm Vatican trong tháng này của chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Trong chuyến thăm Tòa Thánh, theo dự kiến, ông Võ Văn Thưởng sẽ được giáo hoàng Phanxicô tiếp. Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa một chủ tịch nước của Việt Nam với lãnh đạo Giáo hội Công Giáo kể từ chuyến thăm của ông Trần Đại Quang vào năm 2016. Một quan chức cao cấp của Vatican nói với Reuters: “ Chúng tôi hy vọng thỏa thuận này sẽ đánh dấu một bước ngoặt (trong quan hệ với Việt Nam). 

Việt Nam hiện có trên 7,2 triệu giáo dân ( số liệu năm 2022 ), chiếm khoảng 7,2% dân số, đứng hàng thứ 5 châu Á về số lượng giáo dân. Hà Nội đã cắt đứt bang giao với Vatican sau khi kết thúc chiến tranh năm 1975 và đến năm 1976 đã trục xuất sứ thần của Tòa Thánh ở Việt Nam. Cho tới nay Việt Nam vẫn là một trong số hiếm hoi các quốc gia không có quan hệ ngoại giao với Vatican. 

Đọc thêm : Vatican và Việt Nam đồng ý nâng cấp quan hệ song phương

Tuy chưa bình thường hóa bang giao, nhưng vào năm 2011, Hà Nội đã cho phép Vatican bổ nhiệm một đại diện không thường trú ở Việt Nam, đó là Tổng Giám mục Leopoldo Girelli. Vị đại diện không thường trú hiện nay là Tổng giám mục Marek Zalewski, sứ thần của Tòa Thánh ở Singapore. Vì là không thường trú cho nên mỗi lần mở các chuyến thăm mục vụ đến Việt Nam, đức cha Zalewski đều phải xin phép chính phủ Hà Nội. 

Từ nhiều năm qua, Tòa Thánh vẫn liên tục yêu cầu Hà Nội chấp nhận cho bổ nhiệm một đại diện thường trú và mãi đến năm 2022, hai bên mới đạt được một thỏa thuận trên nguyên tắc về vấn đề này. Vào cuối tháng 3 vừa qua, trong cuộc họp lần thứ 10 của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam-Tòa Thánh tại Vatican, hai bên “đã thảo luận và cơ bản nhất trí về Quy chế hoạt động của Đại diện Thường trú Tòa thánh và Văn phòng Đại diện Thường trú Tòa thánh tại Việt Nam”, theo tường thuật của Thông tấn xã Việt Nam.

Việc bổ nhiệm một đại diện thường trú ở Việt Nam có thể dẫn đến việc tái lập hoàn toàn quan hệ ngoại giao giữa Hà Nội và Vatican. Nhưng theo nhận định của hãng tin Reuters, tiến trình bình thường bang giao song phương sẽ còn mất nhiều năm. Nên nhớ rằng "Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican"  đã bắt đầu họp từ năm 2009, nhưng mãi đến năm ngoái mới đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc về vấn đề bổ nhiệm đại diện thường trú của Vatican. 

Một trong những vấn đề vẫn gây cản trở cho việc bình thường hóa bang giao Việt Nam-Vatican, đó là việc bổ nhiệm các giám mục. Theo thỏa thuận giữa Tòa Thánh và chính phủ Việt Nam, việc đề xuất giám mục là quyền của Tòa Thánh, Nhà nước Việt Nam không có quyền đề cử ứng viên, nhưng có quyền từ chối hoặc là chấp thuận.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.