Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Chính phủ Pháp hy vọng phong trào chống cải tổ hưu trí sẽ lắng dịu

Bao giờ cũng vậy: Các công đoàn đưa ra con số người tham gia biểu tình cao hơn nhiều so với thống kê của bộ Nội Vụ. Cuộc biểu tình chống cải tổ hưu trí nhân Ngày Quốc tế Lao động hôm qua, 01/05/2023, cũng không ngoài thông lệ: Bộ Nội vụ chỉ thống kê khoảng 782.000 người xuống đường, trong khi công đoàn CGT khẳng định đã có đến 2,3 triệu người tham gia các cuộc biểu tình trên toàn quốc. 

Đoàn biểu tình chống cải cách hưu trí của chính phủ Pháp nhân ngày lễ 01/05/2023, tại Paris.
Đoàn biểu tình chống cải cách hưu trí của chính phủ Pháp nhân ngày lễ 01/05/2023, tại Paris. AP - Thibault Camus
Quảng cáo

Nhưng dù con số được phóng đại như vậy, rõ ràng là đã không diễn ra “cơn sóng thần” như mong đợi của các công đoàn trong Ngày Quốc tế Lao động được mô tả là mang tính “lịch sử”. Hôm qua dường như là một trong những cơ hội cuối cùng để các công đoàn có thể huy động lực lượng nhằm gây áp lực buộc chính phủ rút lại luật cải tổ hưu trí, dù văn bản này được coi là hợp hiến và đã được ban hành.

Cho tới nay, mỗi khi vừa kết thúc biểu tình là các công đoàn thông báo ngay ngày hành động kế tiếp. Lần này, phải đợi đến hôm sau mới có thông báo về ngày hành động lần tới 06/06, tức là hai ngày trước khi Hạ Viện Pháp thảo luận về dự luật do nhóm dân biểu độc lập (LIOT) đệ trình nhằm hủy bỏ luật cải tổ hưu trí. Thật ra thì cho dù có nhận được đa số phiếu ở Hạ Viện, luật của nhóm dân biểu LIOT sẽ khó mà được thông qua ở Thượng Viện, bởi vì Thượng Viện, mà cánh hữu đang nắm đa số, ủng hộ cải tổ hưu trí. 

Chính phủ Pháp đang hy vọng là sau ngày 01/05, phong trào rồi sẽ lắng dịu, cho nên thủ tướng Elisabeth Borne dự trù trong những ngày tới sẽ gởi lời mời lãnh đạo các công đoàn đến thảo luận về những dự án cải tổ khác. Chính lời mời này bắt đầu gây rạn nứt trong hàng ngũ công đoàn, bởi vì những công đoàn theo xu hướng cải cách như CFDT, CFE-CGC và CFCT cho biết sẽ nhận lời tham gia đối thoại với chính phủ. Trong khi đó, công đoàn CGT, có lập trường cứng rắn, thì vẫn không có thông báo riêng. Sau cuộc họp hôm nay, các công đoàn đã ra thông cáo chung để cho hiểu là họ sẽ tham gia thảo luận với chính phủ, và nhưng cho biết là trong các cuộc thảo luận đó, họ “sẽ nhắc lại lập trường chống cải tổ hưu trí”. 

Như vậy, thách thức lớn nhất đối với các công đoàn đó là duy trì đoàn kết nhất trí để có một đối sách chung với chính phủ. Trên đài TMC hôm qua, lãnh đạo công đoàn CFDT, ông Laurent Berger, đã nói thẳng, “nếu dự luật của nhóm dân biểu LIOT không được thông qua vào ngày 08/06, chúng tôi sẽ không thể kêu gọi ngày hành động thứ 15, thứ 16, thứ 17 để buộc chính phủ và tổng thống lùi bước”. Nói cách khác, có lẽ đối với ông Berger, không thể cứ biểu tình tháng này qua tháng kia, mà đã đến lúc phải sang trang mới, quay trở lại bàn thương lượng với chính phủ để cố đạt những kết quả khác theo hướng bảo vệ quyền lợi người lao động. 

Về phần chính phủ, ngoài việc cố gắng nối lại đối thoại với các công đoàn, theo yêu cầu của tổng thống Emmanuel Macron, ngày 26/04, thủ tướng Elisabeth Borne đã công bố một lộ trình cho “100 ngày”, đến Quốc khánh 14/07, với hy vọng là sau 100 ngày này, nước Pháp sẽ thoát ra khỏi khủng hoảng cải tổ hưu trí và nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống Macron sẽ tiếp diễn mà không gặp trắc trở nào khác.

Từ đây đến ngày 14/07, mặc dù đi đâu cũng bị phản đối, bị những người biểu tình gõ xoong nồi ầm ĩ, ông Macron sẽ tiếp tục đi các nơi tiếp xúc với dân Pháp để giải thích về những dự án mới của ông. Nhưng chắc chắn là sau cải tổ hưu trí, tổng thống Macron sẽ tránh đưa ra những dự luật lớn khác gây xáo trộn quá nhiều, mà sẽ chia nhỏ các cải tổ đó để dân Pháp dễ “nuốt” hơn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.