Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Pháp muốn củng cố vị thế ở Châu Á-Thái Bình Dương nhưng lực bất tòng tâm

Tổng thống Emmanuel Macron hiện đang viếng thăm Trung Quốc, quốc gia đóng vai trò trung tâm ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương, khu vực mà Pháp đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng, dựa trên các vùng lãnh thổ hải ngoại và dựa trên sự hiện diện quân sự tại đây. Nhưng theo nhận định của hãng tin AFP, Paris hiện chưa có đủ phương tiện để thực hiện những tham vọng đó và phải làm rõ lập trường đối với Bắc Kinh để có thể củng cố vị thế của mình. 

Hải Quân Pháp trong vùng Thái Bình Dương. Ảnh chụp trong một cuộc giao lưu với Hải Quân Philippines ngày 20/03/2023 tại Biển Đông.
Hải Quân Pháp trong vùng Thái Bình Dương. Ảnh chụp trong một cuộc giao lưu với Hải Quân Philippines ngày 20/03/2023 tại Biển Đông. AP
Quảng cáo

Thật ra bây giờ mọi người nói nhiều hơn đến Ấn Độ-Thái Bình Dương, khái niệm do chính quyền Mỹ đề xướng, để nói về một vùng trải dài từ Ấn Độ, vùng Ấn Độ Dương, qua Trung Quốc, Đông Nam Á, đến Úc, New-Zealand. 

AFP trích dẫn thượng nghị sĩ cánh hữu Cédric Perrin, đồng tác giả một báo cáo về chiến lược của Pháp tại vùng này: “Trung tâm đầu não của thế giới phần lớn đã chuyển sang vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương”. Đây cũng là ý kiến của đồng tác giả báo cáo, thượng nghị sĩ Xã Hội Rachid Temal: “Vùng này sẽ là thế giới mới của tương lai”. Theo báo cáo của các thượng nghị sĩ Pháp, đến 2040, vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương sẽ bao gồm 75% dân số thế giới, sản xuất hơn phân nửa tổng sản phẩm nội địa của thế giới, và chiếm 3 phần 4 nguồn dự trữ các nguyên liệu thiết yếu. 

Nhưng vùng có tiềm năng kinh tế rất lớn này lại đang đối đầu với nhiều đe dọa, đặc biệt nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, với việc Bắc Triều Tiên liên tục bắn thử các tên lửa. Ấy là chưa kể những căng thẳng có thể biến thành xung đột do cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gay gắt. 

Trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương rộng lớn này, Paris có đủ tư cách để khẳng định vị thế của mình, vì các lãnh thổ của Pháp trải dài từ các bờ biển phía đông của châu Phi đến các bờ biển phía Tây của châu Mỹ, với khoảng 1,6 triệu dân Pháp sống tại các vùng lãnh thổ này, chưa kể số công dân Pháp đang làm việc tại các nước trong khu vực. Thượng nghị sĩ Cédric Perrin cũng lưu ý rằng tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, Pháp nắm giữ vùng đặc quyền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ, với hơn 11 triệu km2.

Theo lời bà Isabelle Saint-Mézard, nhà nghiên cứu của Trung tâm Châu Á, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), nước Pháp tuy là một cường quốc trung bình, nhưng có thể có một “ảnh hưởng toàn cầu”. Trước nguy cơ một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Bắc Kinh và Washington, Paris muốn đóng vai trò như là một “giải pháp thay thế”, duy trì sự cân bằng trong khu vực. 

Tuy nhiên, vấn đề là các đối tác trong khu vực vẫn xem Pháp như là một đồng minh đương nhiên của Mỹ, nên không hiểu rõ lắm về chiến lược của Pháp. Theo ghi nhận của thượng nghị sĩ Rachid Temal, chiến lược của Pháp không rõ ràng và Paris không có đủ phương tiện để thực hiện những tham vọng của mình. Mặt khác, theo đánh giá của thượng nghị sĩ Cédric Perrin, Paris không thể tiếp tục giữ lập trường mập mờ đối với Bắc Kinh để bảo vệ các lợi ích kinh tế. Nước Pháp phải tái khẳng định một lập trường mạnh mẽ và thực tế đối với Trung Quốc, nhất là về sự cần thiết của việc tôn trọng luật pháp quốc tế. Paris cũng phải tính đến lập trường chung của Liên Hiệp Châu Âu, cũng như tính đến các nước thành viên khác của Liên Âu như Đức, quốc gia cũng muốn hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế của vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Theo AFP, bộ Quân lực Pháp cũng lưu ý là do muốn tránh làm phật lòng Bắc Kinh, Paris vẫn không tham gia các liên minh, đặc biệt là các liên minh do Mỹ khởi xướng. Nhưng làm như thế, Pháp bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh tế và thương mại, cũng như cơ hội gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Về mặt quân sự, Pháp cũng ít khi triển khai lực lượng trong khu vực. 

Trong bối cảnh hiện nay, Pháp có thể thiết lập các liên minh nào với những nước trong khu vực? Theo hãng tin AFP, khủng hoảng ngoại giao với Úc do vụ mua bán tàu ngầm nay đã chấm dứt, Paris có thể hướng tới một liên minh ba nước bao gồm Pháp, Úc và Ấn Độ, một đối tác chủ chốt, đang được rất nhiều nước ve vãn. Pháp cũng có thể tăng cường quan hệ với Singapore hay Philippines. 

Về mặt quân sự, Jérémy Bachelier, một sĩ quan hải quân Pháp, hiện được biệt phái về Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, đề nghị Liên Hiệp Châu Âu nên có một hình thức hiện diện thường trực trong khu vực với mục tiêu bảo đảm an ninh hàng hải trong một vùng trải dài từ Vịnh Bengale đến Biển Đông, một vùng có tầm quan trọng chiến lược rất lớn đối với giao thương hàng hải giữa châu Á và châu Âu. Mục tiêu của sự hiện diện thường trực này không phải là làm gia tăng các căng thẳng, mà là nhằm cho thấy là châu Âu có những lợi ích thiết yếu trong khu vực.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.