Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria : « Cơ hội » để Bachar al-Assad thoát sự cô lập ngoại giao ?

Tại Syria, nội chiến kéo dài từ 12 năm qua, trận động đất tàn khốc ngày 06/02/2023 đã làm cho khoảng 3500 người chết ở những vùng thuộc cả hai phía : Thân chính phủ (Alep) và phe nổi dậy (Idlib). Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, chế độ Damas đang tìm cách tận dụng bối cảnh khẩn cấp nhân đạo để quốc tế dỡ bỏ các trừng phạt kinh tế và thoát khỏi sự cô lập về mặt ngoại giao.   

Tổng thống Syria Bashar al-Assad (P) gặp ngoại trưởng của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất Sheikh Abdullah bin Zayed bin Sultan al-Nahyan, tại Damas, Syria, ngày 12/02/2023.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad (P) gặp ngoại trưởng của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất Sheikh Abdullah bin Zayed bin Sultan al-Nahyan, tại Damas, Syria, ngày 12/02/2023. REUTERS - SYRIAN PRESIDENCY
Quảng cáo

Nhà phân tích Nick Heras, Viện New Lines, trả lời phỏng vấn AFP trước hết khẳng định : « Tấn bi kịch khủng khiếp xảy ra cho Syria và Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng là một cơ hội cho ông Bachar Al-Assad », người đang tìm cách « xúc tiến tiến trình bình thường hóa quan hệ của chế độ với phần còn lại của thế giới Ả Rập. »  

Bởi vì, chỉ vài giờ sau khi xảy ra động đất hôm thứ Hai, 06/02, tổng thống Syria đã lần lượt nhận được các cuộc gọi điện chia buồn và bày tỏ sự hậu thuẫn từ nhiều nước trong khu vực. Một bước đột phá đáng kể của nhà độc tài Syria trên trường Ả Rập và thế giới, như ghi nhận của thông tín viên đài RFI, Paul Khalifeh khi điểm lại tình hình những ngày qua.  

Hôm Chủ Nhật, 12/02, Bachar Al-Assad đã tiếp ngoại trưởng Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất Abdallah Ben Zayed al Nahyane mà ông ấy đã có lời cảm ơn vì sự "hậu thuẫn nhân đạo to lớn".   

Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, vốn đã tái lập bang giao với Syria từ năm 2018, đã không đợi có thông báo của Mỹ đình chỉ một phần trong vòng 180 ngày luật Cesar, gây trở ngại cho việc đưa cứu trợ nhân đạo đến đất nước có thảm họa, Abou Dhabi đã gởi 16 máy bay chở đầy hàng hóa khác nhau và giải ngân gần 60 triệu đô la để hỗ trợ cho các chiến dịch cứu hộ và hỗ trợ nạn nhân động đất.  

Ông Bachar Al-Assad còn có một cuộc trao đổi điện đàm hôm thứ Ba 07/02, với tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sissi lần đầu tiên kể từ khi ông lên cầm quyền ở Ai Cập năm 2014. Hôm sau, tổng thống Syria còn tiếp phái đoàn Liban do ngoại trưởng Abdallah Bou Habbib dẫn đầu. Đây là lần tiếp xúc chính thức cấp cao nhất giữa hai nước từ nhiều năm qua.   

Tuy nhiên, theo giới quan sát, một mặt, lãnh đạo Syria còn tìm cách dùng thảm họa nhân đạo này như là một công cụ để gây áp lực với phương Tây khi có những phát biểu xung quanh khủng hoảng nhân đạo, theo đó «  các trừng phạt của Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu cản trở phản ứng nhân đạo ». Theo quan điểm của chuyên gia Lina Khatib, giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Chatham House, « lời kêu gọi dỡ bỏ trừng phạt là một ý đồ bình thường hóa trên thực tế với cộng đồng quốc tế. »   

Mặt khác, việc hàng cứu trợ không đến được các vùng thảm họa do phe nổi dậy chiếm đóng, còn là cái cớ để tổng thống Bachar Al Assad thể hiện vị thế nhà đối thoại không thể thiếu. Ông yêu cầu mọi cứu trợ nhân đạo kể từ giờ phải qua ngả thủ đô và chính quyền trung ương trước khi được tái phân bổ. Theo Franceinfo, đây chính là cách để được thừa nhận quyền lực của ông trên toàn lãnh thổ Syria và chiếm lại được tính chính đáng quốc tế.  

Thế nên, khi chính thức đề nghị Liên Hiệp Châu Âu viện trợ nhân đạo, chỉ ba ngày sau khi động đất xảy ra, chế độ Bachar Al-Assad chỉ có một mục tiêu duy nhất : Lợi dụng từ sự « chìa tay » của thế giới để thoát khỏi sự cô lập về kinh tế và ngoại giao, bởi vì kể từ đầu cuộc nội chiến 2011, Bachar Al-Assad chỉ còn có hai đồng minh là Nga và Iran.  

Dù vậy, nhà nghiên cứu Nick Heras cũng lưu ý thêm rằng « cuộc khủng hoảng nhân đạo sẽ không làm cho phương Tây nhắm mắt làm ngơ chế độ Damas ». Bằng chứng là Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu thông báo những khoản viện trợ nhân đạo thông qua các cơ chế của Liên Hiệp Quốc và tạm thời dỡ bỏ những biện pháp cấm vận gây cản trở cho hoạt động nhân đạo.  

Nhưng Hoa Kỳ và châu Âu cũng không quên nhấn mạnh rằng sẽ không chấm dứt các biện pháp trừng phạt đã được ban hành nhằm phản đối cuộc trấn áp tàn bạo nhắm vào đối lập của chế độ Damas.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.