Vào nội dung chính
ĐỘNG ĐẤT SYRYA - THỔ NHĨ KỲ

Động đất ở Thổ - Syria : Tổng thống Assad để ngỏ khả năng mở thêm hành lang nhân đạo

Một tuần sau trận động đất mạnh, ngày càng ít hy vọng tìm được những người còn sống sót. Tính đến ngày hôm qua, 12/02/2023, số người thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã vượt quá con số 35 ngàn người. Công tác nhân đạo giờ bước sang một giai đoạn khác : Chăm lo cho hơn một triệu người mất nhà cửa và xử lý các rủi ro dịch tễ.  

Một trại đón tiếp những người phải di dời sau vụ động đất ở Jandairis, Syria, ngày 11/02/2023.
Một trại đón tiếp những người phải di dời sau vụ động đất ở Jandairis, Syria, ngày 11/02/2023. AFP - RAMI AL SAYED
Quảng cáo

Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc thừa nhận hiện còn gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp hàng cứu trợ cho các nạn nhân của trận động đất tại nhiều vùng của Syria, bị nội chiến chia xé từ 12 năm qua. Nếu như một phần lớn hàng cứu trợ quốc tế phải được trung chuyển qua những vùng lãnh thổ do chế độ Damas kiểm soát, thì tại vùng tây bắc Syria, hiện do phe nổi dậy kiểm soát, nguồn viện trợ này chỉ được chuyển qua một điểm thông quan duy nhất còn lại là Bab al-Hawa, đi từ Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nay đã bị những cơn địa chấn tàn phá nặng nề.   

Trước tình hình thảm họa nhân đạo và ngày càng có nhiều lời kêu gọi từ quốc tế, hôm qua, trong một buổi tiếp ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tổng thống Syria Bachar Al-Assad để ngỏ khả năng mở nhiều lối đi viện trợ nhân đạo. Tổng thống Syria trong tuần còn thông báo đã bật đèn xanh cho phép đưa hàng viện trợ quốc tế đến những vùng của phe nổi dậy. 

Lãnh đạo WHO đã hoan nghênh phát biểu này của tổng thống Syria, đồng thời nêu rõ vẫn chờ đèn xanh từ phía chính quyền phe nổi dậy để có thể tiếp cận khu vực. Hôm thứ Sáu 10/02, lãnh đạo phe thánh chiến Hayat Tahrir al-Cham, ông Abou Mohammad al-Jolani đã từ chối nhận hàng cứu trợ đến từ những vùng lãnh thổ do chế độ Syria kiểm soát. 

AFP nhắc lại, điểm thông quan Bab al-Hawa được thiết lập trong khuôn khổ các hoạt động nhân đạo xuyên biên giới từ năm 2014 theo một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mà không có sự chấp thuận của Damas. Dưới áp lực của Nga và Trung Quốc, số các điểm thông quan nhân đạo đã bị giảm từ bốn xuống còn một như hiện nay. 

 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.