Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Nga biểu dương lực lượng với chiến hạm trang bị tên lửa siêu thanh

Hôm qua, 10/01/2023, bộ Quốc Phòng Nga thông báo là một chiến hạm của Nga được trang bị tên lửa hành trình siêu thanh đã tham gia thao dượt phòng không tại vùng biển Na Uy, với kịch bản là chống trả một cuộc tấn công từ trên không. Qua cuộc thao dượt đó, Matxcơva muốn biểu dương lực lượng với Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO trong bối cảnh chiến tranh Ukraina vẫn diễn ra ác liệt.

Tên lửa siêu thanh Zircon của Nga trong lần bắn thử từ tầu chiến, ngày 07/10/2020 trên biển Bạch Hải, phía bắc Nga. Ảnh do Bộ Quốc Phòng Nga công bố.
Tên lửa siêu thanh Zircon của Nga trong lần bắn thử từ tầu chiến, ngày 07/10/2020 trên biển Bạch Hải, phía bắc Nga. Ảnh do Bộ Quốc Phòng Nga công bố. AP
Quảng cáo

Được điều đến vùng Đại Tây Dương vào tuần trước, khu trục hạm Đô Đốc Gorshkov được trang bị các tên lửa hành trình siêu thanh thế hệ mới Zircon, tên lửa mà theo phía Nga có thể bay nhanh gấp chín lần vận tốc âm thanh và có tầm bắn trên 1.000 km. 

Đây là lần đầu tiên tên lửa siêu thanh này được triển khai trên một chiến hạm của Nga. Đối với điện Kremlin, tên lửa Zircon là phương tiện để chọc thủng hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ ngày càng tinh vi và một ngày nào đó sẽ có thể bắn hạ các tên lửa hạt nhân của Nga. Trong một cuộc họp qua video với bộ trưởng Quốc Phòng Sergei Shoigu và tư lệnh của chiến hạm Đô Đốc  Gorshkov, tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố là không có bất cứ một quốc gia nào khác trên thế giới có một vũ khí lợi hại bằng tên lửa Zircon. Theo ông, với tên lửa Zircon, nước Nga sẽ không sợ bất cứ một cuộc tấn công nào, chứng tỏ là quân đội nước này vẫn hùng mạnh. 

Để làm nổi rõ tầm quan trọng của sự kiện, hôm 04/01, đích thân ông Putin đã thị sát qua video chuyến khởi hành của chiến hạm Đô đốc Gorshkov. Chiếc tàu này theo dự kiến sẽ hoạt động tại vùng Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, trước khi đến Địa Trung Hải.   

Cựu tổng thống Nga Dmitri Medvedev vào tuần trước đã cảnh cáo Hoa Kỳ là các tên lửa siêu thanh Zircon chẳng bao lâu nữa “sẽ đến gần các bờ biển của NATO”, vì Na Uy là một trong 12 thành viên sáng lập liên minh quân sự. 

Theo thông lệ, nhất cử nhất động của đội tàu Đô Đốc Gorshkov sẽ được hải quân các quốc gia chủ chốt của khối NATO trong khu vực theo dõi sát, ngoài hải quân Na Uy, còn có hải quân Bỉ, hải quân Anh và cả hải quân Pháp, vì chiến hạm Nga có thể đi ngang qua eo biển Pas-de-Calais của Pháp.

Theo hãng tin Reuters, hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng Sergei Shoigu đã tuyên bố là Nga sẽ tiếp tục phát triển các vũ khí hạt nhân bao gồm các tên lửa đạn đạo, tàu ngầm và oanh tạc cơ chiến lược, vì theo ông, những vũ khí này là “bảo đảm chính yếu cho chủ quyền của nước Nga”.

Việc đưa chiến hạm Đô Đốc Gorshkov đến thao dượt  ở vùng biển Na Uy cũng là một tín hiệu gởi đến phương Tây rằng Matxcơva sẽ không lùi bước trong cuộc chiến tranh Ukraina. 

Thật ra, theo nhận định của nhật báo Pháp Le Figaro, tuy được trang bị vũ khí “lợi hại” như vậy, chiến hạm Đô Đốc Gorshkov sẽ không làm thay đổi cục diện chiến trường Ukraina. Lý do là vì Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng hai eo biển Bosphorus và Dardanelles, cho nên tàu Đô Đốc Gorshkov không thể đến được vùng Hắc Hải, mà chỉ có thể hoạt động ở vùng đông Địa Trung Hải. Từ đây, các chiến hạm này không thể bắn tên lửa đến thủ đô Kiev của Ukraina, vì bắn như vậy là tên lửa sẽ bay ngang qua không phận của nhiều nước thành viên khối NATO và đây sẽ là một bước leo thang nghiêm trọng.

Việc dùng chiến hạm trang bị tên lửa siêu thanh để biểu dương lực lượng có thể chỉ là nhằm lấy lại phần nào uy tín cho quân đội Nga trước công luận nước này sau vụ oanh kích của Ukraina vào Makiïvka khiến ít nhất 89 tân binh Nga thiệt mạng, một vụ tấn công mà bộ chỉ huy Nga bị chỉ trích nặng nề.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.