Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Chiến tranh Ukraina: Nguy cơ khan hiếm phân bón toàn cầu

Trong sáu tháng qua, kể từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra, mọi người chú ý nhiều đến tác động của cuộc xung đột này đối với giá khí đốt và lương thực, nhưng ngoài hai tác động đó, còn có nguy cơ khan hiếm phân bón, mà Nga là một trong những nhà cung cấp hàng đầu thế giới.

Một công nhân nông trường dỡ phân bón sản xuất tại Ukraina để sử dụng trên cánh đồng lúa mì gần làng Yakovlivka, ngoại ô Kharkiv, Ukraina, ngày 05/04/2022.
Một công nhân nông trường dỡ phân bón sản xuất tại Ukraina để sử dụng trên cánh đồng lúa mì gần làng Yakovlivka, ngoại ô Kharkiv, Ukraina, ngày 05/04/2022. REUTERS - THOMAS PETER
Quảng cáo

Chưa bao giờ giá của các loại phân tổng hợp gọi là NPK (loại phân bón chứa các nguyên tố dinh dưỡng chính là đạm, lân, kali) lại cao như thế: giá trên thị trường thế giới đã tăng gấp ba trong thời gian từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2022. 

Riêng tại châu Âu, theo hãng tin AFP, giá của phân bón NPK tăng cao lên đến mức “lịch sử”, bởi vì giá phân bón gắn liền với giá khí đốt, vốn chiếm đến 90% chi phí sản xuất các loại phân đạm như phân amoni hay phân urê. Giá khí đốt tự nhiên thì cứ tăng liên tục theo diễn tiến của cuộc chiến tranh Ukraina, vì cuộc xung đột khiến nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu bị chặn lại.  

Để không bị lỗ vốn, lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều nhà sản xuất phân bón ở châu Âu đã ngưng sản xuất phân amoni nitrat, có nguồn từ khí đốt tự nhiên. Theo ông Nicolas Broutin, giám đốc chi nhánh Pháp của tập đoàn Na Uy Yara, tập đoàn số một châu Âu về phân đạm, giá khí đốt hiện nay đã lên tới 300 euro/MWh, so với mức trung bình 20 euro trong thời gian 10 năm qua, tức là tăng 10-15 lần.

Trong năm nay, đã hai lần Yara phải tạm ngưng sản xuất tại nhà máy của tập đoàn này ở Ý và Pháp. Theo số liệu của ngân hàng Deutsche Bank, kể từ tháng Giêng năm nay, ở châu Âu, tập đoàn Yara sản xuất lượng phân bón amoni ít hơn 15% so với mức bình thường. Hôm nay, Yara vừa thông báo sẽ còn giảm hơn nữa sản lượng amoni và kể từ khi nay sẽ chỉ sử dụng 35% khả năng sản xuất của tập đoàn này.

Theo dự báo của ông Broutin, nếu toàn bộ châu Âu ngưng sản xuất phân amoni, có nguy cơ mặt hàng này sẽ khan hiếm, bởi vì các nhà máy vẫn sản xuất phân bón vào mùa đông để chuẩn bị cho mùa Xuân 2023. 

Theo AFP, trích dẫn một nhà phân tích thị trường phân bón, các nông gia rất có thể cũng sẽ bị thiếu kali do các biện pháp trừng phạt của quốc tế đối với Nga, một trong những nhà sản xuất hàng đầu thế giới, và do các trừng phạt đối với Belarus, quốc gia chiếm một phần sáu sản lượng kali toàn cầu. Trước chiến tranh, Nga là nước xuất khẩu phân bón tổng hợp NPK hàng đầu thế giới. 

Một nguy cơ khác khiến các nhà sản xuất lo ngại, đó là mức mức cầu bị giảm, vì các nông gia có thể sẽ hạn chế việc sử dụng phân bón, hoặc không còn sử dụng những loại phân bón mà giá trở nên quá đắt.  

Tình trạng khan hiếm phân bón làm gia tăng nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực thế giới trong năm 2023, với giá thực phẩm tăng cao và nạn đói thêm trầm trọng. Trước tình hình đó, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres vẫn liên tục nhắc lại rằng phân bón và các nông sản phải được miễn trừ trong các trừng phạt của phương Tây đối với Nga và những mặt hàng này phải được tự do tiếp cận các thị trường thế giới mà không gặp cản trở nào. 

Theo lời ông Broutin, để không còn phụ thuộc vào phân bón của Nga, ngay từ cuối năm 2021, các nhà sản xuất châu Âu đã quay sang nhập amoni từ bắc Mỹ và Úc. Trong khi chờ đợi, nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới, tập đoàn Canada Nutrien, sẽ tăng sản lượng kali để bù đắp cho sự thiếu hụt từ nguồn cung cấp Nga và Belarus.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.