Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Trung Quốc "vẽ thực tế" cho chuyến khảo sát nhân quyền của LHQ ở Tân Cương

Bắc Kinh trải thảm đỏ đón cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet đến khảo sát tình hình nhân quyền ở Tân Cương. Trung Quốc lường hết mọi sự cố, chỉ trưng những gì có lợi nhất cho chính quyền trong khuôn khổ « chuyến thăm khép kín » với lý do chống dịch Covid-19. Bản thân bà Michelle Bachelet thừa nhận là « trông đợi rất ít » vào chuyến đi này. 

Ảnh do Liên Hiệp Quốc công bố ngày 24/05/2022 cho thấy Cao Ủy Nhân Quyền LHQ Michelle Bachelet (thứ 2, từ bên trái) tham gia một cuộc họp trực tuyến với thứ trưởng Công An Trung Quốc tại Quảng Châu.
Ảnh do Liên Hiệp Quốc công bố ngày 24/05/2022 cho thấy Cao Ủy Nhân Quyền LHQ Michelle Bachelet (thứ 2, từ bên trái) tham gia một cuộc họp trực tuyến với thứ trưởng Công An Trung Quốc tại Quảng Châu. © Handout / OHCHR / AFP
Quảng cáo

Chuyến khảo sát thiếu thực tế vì bị Trung Quốc chi phối 

Nhà nghiên cứu Marc Julienne, Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế Pháp, khi trả lời RFI ngày 24/05/2022, cũng cho rằng « không trông đợi được gì nhiều » vì « chuyến công tác bị kiểm soát nghiêm ngặt, bị chính quyền Trung Quốc chi phối. Bắc Kinh sẽ chỉ cho bà Bachelet xem những gì họ muốn, có nghĩa chỉ những điều tích cực ». 

Chuyến đi được Liên Hiệp Quốc yêu cầu từ lâu và để cho Bắc Kinh quá nhiều thời gian « chuẩn bị », được tổ chức vào lúc Trung Quốc triển khai mạnh mẽ chiến dịch « Zero Covid ». Bối cảnh này làm liên tưởng đến chuyến điều tra nguồn gốc virus corona ở Vũ Hán của đoàn chuyên gia y tế Liên Hiệp Quốc năm 2021. Từ những điều kiện trên, theo Hoa Kỳ, « việc cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc chấp nhận đến Trung Quốc là một sai lầm ». 

Cao ủy Nhân quyền trong thế « lưỡng nan » ? 

Thực vậy, sau chuyến công du được cho là « có rủi ro chính trị cao », cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc có thể rơi vào thế lưỡng nan. Vì theo nhà nghiên cứu Marc Julienne, « sau chuyến đi này, bà Bachelet không thể lên án mạnh mẽ Trung Quốc vì thiếu bằng chứng. Bà cũng không thể hoan nghênh hay công nhận những việc làm của Trung Quốc ở Tân Cương bởi vì sẽ trái ngược với khối tài liệu khổng lồ được tích lũy từ năm 2017 về sự tồn tại của các trại cải tạo, lao động cưỡng bức và triệt sản. Thậm chí, ông Josep Borrell, người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu, nhắc đến tình trạng "buôn bán nội tạng" ». 

Ngoài việc « thiết kế » riêng chuyến đi cho phái đoàn của cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc kiểm duyệt tuyệt đối thông tin với lệnh cấm báo chí, đặc biệt là nhà báo nước ngoài, đi theo. Chỉ có truyền thông Nhà nước Trung Quốc được phép đưa tin, dĩ nhiên là có lợi cho chính quyền trung ương. 

Bắc Kinh sẽ chứng minh rằng « Liên Hiệp Quốc đã đến, chuyến công du rất thành công. Nếu bà Michelle Bachelet không có bằng chứng, không có gì để nói hay chỉ trích Trung Quốc, thì có nghĩa là những thông tin trước đây chỉ là "thông tin sai lệch" ». Trước đó, trong cuộc họp ngày 24/05 với bà Michelle Bachelet, ngoại trưởng Vương Nghị « hoan nghênh chuyến công tác của cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc » vì « việc này cho phép làm sáng tỏ thông tin sai lệch ». 

Trong thông cáo chung, bà Bachelet cũng « công nhận những nỗ lực của Trung Quốc trong việc bảo vệ nhân quyền ». Tuy nhiên, loạt tài liệu liên quan đến các vụ bắt giữ, hướng dẫn giam cầm người Duy Ngô Nhĩ, được 14 cơ quan truyền thông quốc tế công bố ngày 24/05, cùng lúc với chuyến công tác của Liên Hiệp Quốc, đã bác bỏ hoàn toàn phát biểu của bà Michelle Bachelet. 

Trung Quốc trước loạt bằng chứng mới liên quan đến nhân quyền ở Tân Cương 

Hơn 2.800 bức ảnh chân dung người Duy Ngô Nhĩ bị giam ở Tân Cương, trong đó có rất nhiều phụ nữ, trẻ em và người già, cho thấy họ không « tự nguyện » vào « các trung tâm dạy nghề » như Bắc Kinh kiên quyết khẳng định. Số tài liệu này được cho là của cảnh sát Trung Quốc, được một nguồn tin ẩn danh trao cho nhà nghiên cứu người Đức Adrian Zenz, người đầu tiên lên tiếng năm 2018 cáo buộc chế độ Trung Quốc giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ. 

Chính quyền Bắc Kinh sẽ phải giải thích như thế nào về cáo buộc, có đủ vật chứng, nhân chứng, nhưng luôn bị họ coi là « lời nói dối thế kỷ » ? Liệu tiết lộ mới về tình hình nhân quyền tại Tân Cương có tác động đến đánh giá của cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ? Và cuối cùng, liệu bà Michelle Bachelet có để bị chùn bước trước lời cảnh báo của chủ tịch Tập Cận Bình khi tiếp bà tại Bắc Kinh vào sáng 25/05 ?  Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh : « Các vấn đề về nhân quyền không nên để bị chính trị hóa, bị chi phối, thiên vị » và « mỗi nước phải theo con đường riêng về nhân quyền, theo điều kiện và nhu cầu của dân tộc ». 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.