Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Ukraina: Putin công nhận độc lập hai vùng ly khai, "cái tát trời giáng" cho phương Tây

Bất chấp các nỗ lực ngoại giao, tối ngày 21/02/2022, tổng thống Nga Vladimir Putin đặt bút ký sắc lệnh công nhận độc lập hai vùng ly khai – hai nước cộng hòa tự xung Donetsk và Lugansk ở vùng Donbass, Ukraina. Chủ nhân điện Kremlin còn thông báo gởi quân đến hỗ trợ « gìn giữ hòa bình ». Với giới quan sát, hành động thách thức này của ông Putin không những khép mọi cánh cửa cho đối thoại mà còn là « cú tát » đau điếng dành cho phương Tây.  

Tổng thống Nga Vladimir Putin ký nhiều văn kiện, trong đó có sắc lệnh công nhận nền độc lập của hai vùng thân Nga tại miền Đông Ukraina ngày 21/02/2022 tại Mátxcơva (Nga).
Tổng thống Nga Vladimir Putin ký nhiều văn kiện, trong đó có sắc lệnh công nhận nền độc lập của hai vùng thân Nga tại miền Đông Ukraina ngày 21/02/2022 tại Mátxcơva (Nga). via REUTERS - SPUTNIK
Quảng cáo

Vẻ mặt lạnh lùng, chủ nhân điện Kremlin, trong bài phát biểu dài hơn một giờ đã trút mọi oán hờn và căm phẫn trước hết nhắm vào Ukraina, một quốc gia anh em, bị ví như là « một Nhà nước tham nhũng » với một « nền kinh tế lụn bại », chịu sự ảnh hưởng của những « thế lực tân phát xít ». Tổng thống Nga giải thích quyết định công nhận này là « cần thiết », và đã « chín muồi từ lâu ».  

Trên thực tế, bằng sắc lệnh này, chủ nhân điện Kremlin xem như đặt dấu chấm hết cho tiến trình hòa bình, bởi vì thỏa thuận Minsk ký kết năm 2014 dưới sự trung gian hòa giải Pháp – Đức, dự trù đưa các vùng lãnh thổ ly khai trở về với sự kiểm soát của Ukraina.   

Nhưng đó cũng còn là một « cái tát » dành cho phương Tây, kết thúc một cách « thô bạo » kịch bản ngoại giao mà Đức và Pháp ra sức duy trì trong hai tuần qua, với hy vọng có thể đi đến được một cuộc họp thượng đỉnh với Joe Biden, và nhất là để tái thiết cơ cấu an ninh tại châu Âu.   

Kết cục này cũng có phần lỗi lớn của phương Tây. Nicolas Tenzer, chuyên gia về địa chiến lược, giảng viên tại trường Khoa học Chính trị Sciences Po, trả lời RFI, giải thích : « Phương Tây đã không có những phản ứng sớm ngay từ cuộc xung đột Gruzia năm 2008, khủng hoảng Ukraina năm 2014 và nhất là vụ chế độ Bachar Al-Assad, được Nga hậu thuẫn, tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria năm 2013. ». Với ông, Nicolas Tenzer, đây thật sự là một bài học đau đớn cho phương Tây.  

Tổng thống Nga Vladimir Putin, vì không thể đặt dấu chấm hết cho cuộc khủng hoảng địa chính trị do chính ông khởi xướng mà không đạt được một nhượng bộ nào từ phương Tây về những đòi hỏi của ông (chấm dứt mở rộng NATO và các cuộc tập trận quân sự), nên không ngừng nhắc lại rằng phương Tây đã sỉ nhục Nga trong suốt 30 năm qua.   

Mặt khác, đối với tổng thống Putin, dự án kết nạp Ukraina vào NATO là một mối đe dọa trực tiếp cho an ninh Nga, khi khẳng định rằng những trung tâm huấn luyện của liên minh được thành lập ngay trước cửa nhà Nga chẳng khác gì là những căn cứ quân sự. Do vậy, ông cho rằng « Nga có quyền đưa ra những biện pháp an ninh để đáp trả ».   

Tuy nhiên, theo quan sát của nhật báo La Croix, bài phát biểu của tổng thống Nga còn đi xa hơn cả vấn đề Donbass và quân sự. Khi tuyên bố rằng « nước Nga sẵn sàng chứng tỏ cho Ukraina thấy điều gì mới thật sự là phi cộng sản hóa », chủ nhân điện Kremlin rõ ràng còn đưa ra một thông điệp : Ông không có ý định dừng lại ở Donbass. Đối với ông, Ukraina đã trở thành thuộc địa của Mỹ với một « chế độ bù nhìn » trong tay các thế lực ngoại bang. Một sự lệch lạc, trong nhãn quan tổng thống Nga.   

Có thể nói, lời đe dọa mở một cuộc chiến tại Donbass là một bước ngoặt lớn trong cuộc đọ sức giữa Nga với phương Tây. Bởi vì, rủi ro nổ ra chiến tranh tại Ukraina chưa bao giờ lại lớn như lúc này. Nhà nghiên cứu Nicolas Tenzer lưu ý, hai nước cộng hòa ly khai « bù nhìn » trên thực tế chỉ kiểm soát được có 40% lãnh thổ Lugansk và Donetsk.   

Một cuộc tấn công mới có thể xảy ra dưới cái cớ thu hồi « toàn bộ lãnh thổ ». Và để có thể làm được điều này, một lần nữa Matxcơva không ngần ngại sử dụng các kiểu « hành động khiêu khích, ngụy tạo cớ, đưa ra các báo động giả » như những gì đã diễn ra trong những ngày qua, để mở một cuộc tấn công ồ ạt nhằm « thu hồi » các vùng lãnh thổ.  

Sau nhiều tháng chơi trò ngoại giao với phương Tây, tổng thống Nga giờ lật hẳn ván bài. Ông thẳng thừng đe dọa Ukraina « chấm dứt tức thì các chiến dịch quân sự » chống quân ly khai, bằng không sẽ phải gánh lấy « trách nhiệm về một cuộc đổ máu ». Một thông điệp rõ ràng gởi đến Kiev và cả phương Tây !  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.