Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Trái đất bị hâm nóng nhưng Úc vẫn bán than đốt lò

Canberra không những bác thỏa thuận từ bỏ dần dần than đá, mà còn khẳng định sẽ tiếp tục khai thác và bán than đá trong « nhiều thập niên » nữa. Úc có nguồn than chất lượng cao và sẽ tiếp tục bán khi thị trường còn cần mua. Phát biểu của bộ trưởng Tài Nguyên Keith Pitt trên đài ABC ngày 08/11/2021 một lần nữa cho thấy chính phủ Úc bảo vệ lợi ích kinh tế bất chấp vấn đề môi trường, cho dù nước này cũng bị hạn hán, cháy rừng trong những năm gần đây.  

Than được khai thác từ một mỏ ở vùng thung lũng Hunter, Úc, ngày 02/11/2021.
Than được khai thác từ một mỏ ở vùng thung lũng Hunter, Úc, ngày 02/11/2021. AP - Mark Baker
Quảng cáo

Tiếp tục khai thác than để bảo vệ việc làm  

Nhu cầu về than đá không ngừng tăng đã đẩy giá lên mức kỉ lục chưa từng có từ 20 năm qua : Than của Úc tăng giá hơn 170% trong 10 tháng đầu năm 2021, từ 87 đô la lên thành 237 đô la/tấn, theo số liệu được nhà nghiên cứu Pierre Laboué nêu trong bài phỏng vấn trên website của Viện IRIS Pháp ngày 08/11. Nhu cầu về than được dự báo còn tiếp tục tăng cho đến năm 2030. Úc không muốn bỏ lỡ cơ hội này, vì nếu từ bỏ, sẽ có ngay một nhà xuất khẩu khác thế chỗ, vẫn theo bộ trưởng Pitt.  

Lợi ích kinh tế trước mắt này càng củng cố lập trường không từ bỏ nhiên liệu hóa thạch bị cáo buộc thải khí mêtan góp phần làm Trái đất nóng lên. Trong khi đó, Úc lại là nhà sản xuất than đá lớn thứ tư thế giới, với 493 triệu tấn vào năm 2020 (chiếm 6,5% sản lượng thế giới), trong đó có 390 triệu tấn dành cho xuất khẩu và giúp Úc trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ hai toàn cầu (sau Indonesia), theo thống kê của Cơ quan Năng lượng Quốc tế.   

Theo bộ trưởng Keith Pitt, ngành công nghiệp khai thác than đá sử dụng đến 300.000 lao động tại Úc. Có thể ông đã thổi phồng gần gấp đôi số liệu của Hội đồng Khoáng sản Úc (Minerals Council of Australia) : 50.000 lao động trực tiếp và 120.000 việc làm gián tiếp, nhưng « bảo vệ việc làm của người lao động Úc » là lý do tiếp theo được chính phủ đưa ra để bảo vệ quyết định duy trì khai thác than.   

Tại thượng đỉnh khí hậu COP26, thủ tướng Scott Morrison khẳng định Úc sẽ đạt được mục tiêu trung hòa khí thải CO2 vào năm 2050, nhờ vào công nghệ, « thay vì phải đóng cửa các hầm mỏ » để « không tước đi kế sinh nhai của người dân ». Tuy nhiên, kế hoạch này bị chỉ trích vì thiếu chi tiết và phần lớn dựa vào những công nghệ chưa được biết đến. Nói một cách khác, chính phủ Úc không hề có kế hoạch chống biến đổi khí hậu. Đây sẽ là cái cớ cho những nước khác theo chân Úc, theo nhận định của ông Richie Merzian, giám đốc chương trình khí hậu và năng lượng thuộc Viện Nghiên cứu Úc, được trang La Presse của Canada trích dẫn.  

Bảo vệ ngành than để bảo vệ liên minh cầm quyền  

Có thể thấy chính phủ Úc sẵn sàng đi ngược lại với nguyện vọng bảo vệ môi trường của hơn 60% người dân. Trong cuộc tuần hành nhân ngày thế giới hành động vì biến đổi khí hậu 06/11, một người dân ở Sydney giải thích với đài RFI là chính phủ « bị giới vận động hành lang cho khí đốt và than đá chi phối. Họ sẽ không có hành động đi ngược lại với lợi ích tài chính của họ ».  

Trang La Presse có nhận định tương tự: ngành công nghiệp năng lượng hóa thạch có mối liên hệ chặt chẽ với chính quyền  Úc. Các công ty khai thác than, dầu lửa có mặt khắp nơi và tài trợ cho các đội bóng, vườn thú, các liên hoan phim… Thậm chí, theo trang thông tin độc lập Crikey, gần 1/4 nghị sĩ của Đảng Quốc gia Úc (National Party of Australia), nằm trong liên minh cầm quyền hiện nay, có nhiều cổ phiếu trong các công ty khai thác mỏ, trong đó có than đá. Quay lưng với than đá chẳng khác gì họ tự bắn vào chân mình.   

Sự liên kết chặt chẽ này còn được thể hiện qua việc bộ trưởng Năng lượng và Giảm phát thải Angus Taylor, cùng với ông Kevein Gallagher, tổng giám đốc công ty khai thác mỏ Santos, ca ngợi thành tựu của một dự án thu giữ khí CO2 trong khu triển lãm bên lề thượng đỉnh COP26 chống biến đổi khí hậu. Hình ảnh mâu thuẫn này khiến ông Richie Merzian, giám đốc chương trình khí hậu và năng lượng của Viện Nghiên cứu Úc, bất bình : Chính phủ Úc không muốn từ bỏ năng lượng hóa thạch, nhưng lại cố đánh bóng hình ảnh của họ.   

Vẫn theo chuyên gia về khí hậu của Úc, chính sự thiếu quyết tâm phát triển những ngành nghề mới và việc quá phụ thuộc vào khai thác nhiên liệu hóa thạch đã khiến các chính phủ Úc tự động “gắn lợi ích quốc gia vào lợi ích của các công ty khai thác” trong nhiều thập niên qua.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.