Vào nội dung chính
COP26 - BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Tuần hành vì khí hậu tại Glasgow và trên toàn thế giới

Sau lời kêu gọi có hành động trước tình trạng khẩn cấp về khí hậu của  hàng ngàn người trẻ tại Glasgow, Scotland, nơi diễn ra hội nghị khí hậu COP26, hôm nay, 06/11/2021, các cuộc tuần hành vì khí hậu lại diễn ra tại thành phố này cũng như trên toàn thế giới, với sự tham gia của hàng chục ngàn người.

Ngày thế giới hành động vì biến đổi khí hậu ở Sydney, Úc, 06/11/2021.
Ngày thế giới hành động vì biến đổi khí hậu ở Sydney, Úc, 06/11/2021. AFP - STEVEN SAPHORE
Quảng cáo

Theo hãng tin AFP, liên minh các tổ chức đã phát động phong trào này cho biết sẽ có hơn 200 cuộc tuần hành ở nhiều nơi, từ Sydney đến Paris, từ Luân Đôn, Nairobi đến Mexico. Họ xuống đường để đòi « công lý về khí hậu » và đòi các nước phải thi hành ngay các biện pháp cho những cộng đồng dân cư hiện đã bị tác động của biến đổi khí hậu.

Tại Glasgow, cảnh sát dự báo sẽ có đến 50.000 người tuần hành ở một nơi không xa trung tâm hội nghị, nơi diễn ra hội nghị COP26 từ một tuần qua. Riêng tại Sydney, người biểu tình đặc biệt lên án việc chính phủ của thủ tướng Scott Morrison vẫn bảo vệ ngành khai thác than đá, trong khi đây là nguồn năng lượng gây nhiều ô nhiễm nhất.

Từ Sydney, thông tín viên Grégory Plesse tường trình :

« Phải có hành động kiên quyết để chống biến đổi khí hậu, đó là yêu cầu của những người biểu tình đã tuần hành ở trung tâm Sydney hôm nay. Trong số này có X, trong dịp này đã hóa trang thành một hòn than. Với bộ đồ hóa trang này, cô muốn lên án việc thủ tướng Úc và đảng của ông vẫn nhất quyết ủng hộ việc phát triển loại năng lượng hóa thạch này.

Cô nói : «  Tất cả những gì họ nói hay làm đều là dối trá. Họ không nghĩ như họ nói, chỉ ra các khẩu hiệu chứ không có hành động thật sự. Họ làm việc không phải là cho lợi ích của nước Úc mà cho lợi ích của riêng họ.

Trong lần xuất hiện ngắn ngủi tại hội nghị COP26, thủ tướng Scott Morrison đã từ chối tham gia ký kết hai cam kết chủ yếu tại Glasgow : cắt giảm lượng phát thải khí méthane và dần dần từ bỏ điện than.

Một người biểu tình khác nói : « Chính phủ của chúng tôi là như thế, họ bị giới vận động hành lang cho khí đốt và than đá chi phối. Họ sẽ không có hành động đi ngược lại với lợi ích tài chính của họ. »

Úc là quốc gia xuất khẩu than đá nhiều nhất thế giới và cũng là quốc thải ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính nhất tính theo đầu người trong nhóm G20. Mặt khác, kế hoạch tiến tới trung hòa carbon mà thủ tướng Scott Morrison trình bày trước khi rời khỏi Glasgow không dự trù chấm dứt việc khai thác than đá ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.