Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Khí hậu: COP26 phải kiên quyết hơn G20 để tránh thảm họa cận kề

Tập hợp về Glasgow (Scotland - Vương Quốc Anh) vào ngày 01/11/2021 để tham gia hội nghị khí hậu COP26 của Liên Hiệp Quốc, hơn 120 nhà lãnh đạo trên thế giới được cho là đang phải chịu một áp lực ghê gớm để hành động nhanh hơn, nhiều hơn và dứt khoát hơn nhằm giúp hành tinh tránh được thảm họa được cho là tất yếu nếu các chính quyền vẫn chần chờ.

Thủ tướng nước chủ nhà COP26 Boris Johnson (T) và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres (P) chào đón thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham dự thượng đỉnh COP26 về Khí hậu, tại Glasgow, Scotland, ngày 01/11/2021.
Thủ tướng nước chủ nhà COP26 Boris Johnson (T) và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres (P) chào đón thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham dự thượng đỉnh COP26 về Khí hậu, tại Glasgow, Scotland, ngày 01/11/2021. © REUTERS
Quảng cáo

Tình hình càng trở nên cấp bách sau khi các quyết định nửa vời về khí hậu của nhóm G20 công bố hôm 31/10, đã gây ra nhiều thất vọng. 

Giới quan sát từng hy vọng rằng trước tính chất cấp bách của tình thế, các nhà lãnh đạo của 20 cường quốc hàng đầu thế giới họp tại Roma, Ý, sẽ có những quyết định thật dứt khoát để tạo động lực mạnh mẽ cho COP26. Vai trò của G20 rất quan trọng vì lẽ khối quốc gia này chịu trách nhiệm gần 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu.  

Trong cuộc họp, nhóm G20 đúng là đã nhất trí khẳng định lại mục tiêu hạn chế sự nóng lên ở mức +1,5 °C so với thời kỳ tiền công nghiệp - mức trần tham vọng nhất của Thỏa Thuận Paris, nêu bật tham vọng trung hòa carbon vào khoảng giữa thế kỷ này và chấm dứt trợ cấp cho các nhà máy điện than ở nước ngoài.  

Thế nhưng những lời hứa chung chung đó đã khiến rất nhiều người thất vọng, từ các tổ chức bảo vệ môi trường cho đến Liên Hiệp Quốc hay thủ tướng Anh. 

Phát biểu hôm qua khi ông lên đường qua Glasgow, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho biết: “Tôi rời Roma với nhiều thất vọng cho dù hy vọng không bị chôn vùi hẳn”. Lãnh đạo nước chủ nhà của COP26 là thủ tướng Anh Boris Johnson cũng ghi nhận: “Chúng ta đã có bước tiến tại G20 (...), nhưng vẫn chưa đủ”, trước khi cảnh báo: “Nếu Glasgow - tức là COP26 - thất bại thì tất cả đều thất bại”

Đối với các nhà phân tích, thách thức đầu tiên đặt ra cho các lãnh đạo tề tựu về Glasgow là phải nâng cao hơn nữa mức khí thải cam kết giảm bớt. Theo các cam kết của khoảng 200 nước tính đến trước ngày COP26 khai mạc, thì dù được tôn trọng đầy đủ, các biện pháp này, theo Liên Hiệp Quốc, vẫn dẫn đến tình trạng nóng lên thêm 2,7° C, chứ không phải là mức 1,5° C mà G20 có tham vọng đạt tới. 

Và để đạt được điều đó, các quốc gia thải khí nhiều nhất như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga… trong nhóm G20 chẳng hạn cần phải năng nổ hơn nữa. 

Theo hãng tin Pháp AFP, Namrata Chowdhary, một nhà đấu tranh vì môi trường thuộc tổ chức phi chính phủ 350.org đã nhấn mạnh: “Những người được gọi là lãnh đạo đó phải làm tốt hơn. Họ có một cơ hội khác” tại COP26, sau thất bại ở G20. 

Trung Quốc chẳng hạn, mới đây đã chính thức đệ trình các cam kết mới về khí hậu, nhưng chỉ lấy lại cam kết mà chủ tịch Tập Cận Bình từng đưa ra, không thêm bất cứ điều gì. Ấn Độ, một nhà phát thải lớn khác, hiện đang là tâm điểm của các mong đợi. 

Một chủ đề nóng khác là lời hứa vẫn chưa được thực hiện của các nước giàu là gia tăng viện trợ khí hậu cho các nước đang phát triển để giúp các nước này khắc phục hậu quả của biến đổi khí hâu.  

Cam kết này là chi ra 100 tỷ đô la mỗi năm kể từ năm 2020. Thế nhưng trong thực tế, việc thực hiện đã bị hoãn lại ba năm đến năm 2023. Hậu quả là cuộc khủng hoảng lòng tin giữa các quốc gia giàu có phương Bắc, nguyên nhân gây ra hiện tượng Trái Đất bị hâm nóng, và các nước nghèo ở phương Nam, nạn nhân của hiện tượng đó. 

Theo bà Lia Nicholson, thay mặt liên minh các quốc đảo nhỏ (AOSIS), tài trợ về khí hậu không phải làm từ thiện mà là thực thi công lý. Nhà đấu tranh này đã lên tiếng tố cáo nhiều nền kinh tế lớn vẫn không chịu từ bỏ than đá, nguồn gốc thải khí CO2 gây họa cho hành tinh. 

Đối với nhà thương thuyết này, một số lãnh đạo có vẻ như không hề lo sợ biến đổi khí hậu, thậm chí thờ ơ trước các thảm họa xảy ra.  

Trong hai tuần lễ tới đây, nhất cử nhất động của lãnh đạo các nước, đặc biệt là các quốc gia đứng đầu trong việc thải khí, sẽ được chú ý. Trong một lá thư ngỏ gởi các lãnh đạo thế giới, cô gái Thụy Điển Greta Thunberg, biểu tượng của giới trẻ chống biến đổi khí hậu, hiện đang có mặt ở Scotland, đã kêu gọi đối phó với thảm họa khí hậu một cách khẩn cấp: “Không phải năm sau. Không phải tháng sau. Mà ngay bây giờ”

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.