Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Hộ chiếu hải ngoại Anh, phao cứu sinh cho dân chủ Hồng Kông ?

Anh Quốc mở rộng cửa đón người dân thuộc địa cũ. Hàng triệu người dân Hồng Kông từ giờ có thể xin cấp hộ chiếu đặc biệt cho phép họ cư trú lâu dài tại Anh hoặc nhập quốc tịch Anh.

 Ảnh minh họa : Hộ chiếu của đặc khu hành chính Hồng Kông (T) và hộ chiếu BNO do Anh cấp cho một số công dân Hồng Kông (P).
Ảnh minh họa : Hộ chiếu của đặc khu hành chính Hồng Kông (T) và hộ chiếu BNO do Anh cấp cho một số công dân Hồng Kông (P). AP - Kin Cheung
Quảng cáo

Quyết định mang tính chính trị của Luân Đôn đặt ra nhiều câu hỏi với giới quan sát : Phải chăng Anh muốn tìm một lối thoát cho những nhà hoạt động dân chủ tránh bị Bắc Kinh đàn áp, trong khi biện pháp này chỉ liên quan đến rất ít người đấu tranh vì dân chủ ở vùng đất thuộc địa cũ của Anh ?

Vậy là kể từ ngày 31 tháng Giêng 2021, hàng triệu người Hồng Kông có thể lên mạng internet xin cấp hộ chiếu hải ngoại BNO (British National Overseas) để có thể lưu trú, làm việc, học tập tại Vương Quốc Anh trong thời hạn ban đầu 5 năm và sau đó họ có thể xin nhập quốc tịch Anh.  Điều kiện để có hộ chiếu này rất đơn giản : chỉ cần chứng minh tài chính có đủ để sống trong ít nhất 6 tháng tại Anh. Xin nói thêm là từ khi Anh trả lại thuộc địa cũ cho Trung Quốc năm 1997, người Hồng Kông bình thường chỉ được quyền đến thăm nước Anh trong 6 tháng tối đa và không được phép làm việc.

Giờ đây, chính phủ Boris Johnson mở rộng cánh cửa đón những người Hồng Kông không muốn sống trong điều kiện các quyền tự do dân chủ bị bóp nghẹt. Quyết định của Luân Đôn trước hết là nhằm phản ứng với việc từ hồi tháng 7 năm 2020 Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia mới, vẫn bị tố cáo là bóp chết các quyền tự do tại vùng đất bán tự trị. Trong thông cáo ra tuần qua, thủ tướng Boris Johnson khẳng định : «Chúng tôi trân trọng các mối liên hệ sâu sắc có tính lịch sử và hữu hảo với nhân dân Hồng Kông và chúng tôi bảo vệ các quyền tự do, quyền tự trị ».

Liệu tấm hộ chiếu BNO có phải là chiếc phao cứu sinh cho những nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông ? Trong cuộc tọa đàm trên kênh truyền hình France 24, ông Pierre Grosser, nhà sử học chuyên về quan hệ quốc tế thuộc trường Khoa học Chính trị (Sceince Po) của Pháp phân tích : « Với những ai lo sợ cho tự do của họ thì đó là một lối thoát hiểm và chắc chắn họ sẽ ra đi ». Nhưng ông cho rằng sẽ không có làn sóng di dân lớn của người Hồng Kông sang Anh. Phần đông những người tham gia các cuộc biểu tình đòi dân chủ trong 2 năm qua ở Hông Kông không thuộc diện cấp hộ chiếu ưu đãi nói trên vì họ chưa đến 24 tuổi. Chỉ có những người Hồng Kông sinh ra trước khi phần đất này được trả lại cho Trung Quốc năm 1997 mới có thể được cấp hộ chiếu BNO, tức khoảng 70% dân số Hồng Kông.

Nhìn từ một góc độ khác, vẫn trong cuộc tọa đàm này, ông Jean-Yves Colin, chuyên gia về châu Á, chỉ trích Anh « đạo đức giả » vì theo ông, « một mặt người Anh thừa nhận có lỗi vì đã trả lại Hồng Kông choTrung Quốc, nhưng họ lại có thể lợi dụng cơ hội này để thay thế người lao động châu Âu ra đi sau Brexit bằng người Hồng Kông ! Mục đích là để đánh bóng lại hình ảnh. »

Luân Đôn dự trù sẽ có khoảng 150 nghìn người Hồng Kông tới Anh trong 12 tháng tới và con số này sẽ lên tới 322 nghìn người trong 5 năm tới. Đây là một con số không hề nhỏ so với mục tiêu hạn chế dòng người nhập cư vào Anh của chính quyền Boris Johnson trong những năm qua.

Về mặt chính trị và ngoại giao, tất nhiên Bắc Kinh không thể không bực tức với động thái của Luân Đôn và đã dọa sẵn sàng có các biện pháp trả đũa Anh. Luân Đôn cũng không thể không tính đến rủi ro cho quan hệ làm ăn với Bắc Kinh do quyết định trải thảm đỏ đón người đấu tranh Hồng Kông. Theo chuyên gia Pierre Grosser, « người Anh không hề có lợi gì khi có những người (Hồng Kông) dân chủ đấu tranh từ Vương Quốc Anh cũng như liên tục chọc giận Trung Quốc ».

Khả năng trả đũa của Trung Quốc đã được thử nghiệm với nước Úc. Bùng lên từ khi Úc là nước đầu tiên đòi mở điều tra độc lập xác định nguồn gốc đại dịch Covid-19, những đòn trả đũa thương mại của Bắc Kinh đã gây thiệt hại kinh tế không nhỏ cho nước Úc. Trong khi đó lúc này « Anh đang cần đến Trung Quốc để củng cố lại vị trí của thị trường tài chính City, đã bị mất đi phần nào giá trị từ khi có Brexit. Cuộc đọ sức rõ ràng là nghiêng về Bắc Kinh », chuyên gia Pierre Grosser phân tích. Vẫn theo ông thì các quyết định của chính phủ Anh ưu ái nhập cư cho người Hồng Kông, « đơn thuần chỉ là động thái nhằm tỏ sự gần gũi với chính quyền Mỹ của Joe Biden. Tóm lại ông Boris Johnson đang hành động thiển cận ». 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.