Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Hồng Kông : Bắc Kinh tấn công thành phần tranh đấu nòng cốt

Hơn 50 nhà đối lập từ chính trị gia, luật sư nhân quyền, phóng viên báo chí Hồng Kông đã bị bắt sáng sớm hôm nay 06/01/2021 trong một cuộc bố ráp được mô tả như « đêm khủng bố » của Hitler vào tháng 7 năm 1934. Sau 7 tháng từng bước siết gọng kềm, Bắc Kinh tiến thêm một bước nữa nhằm triệt tiêu những nhà dân chủ có kỹ năng tranh đấu và huy động dân chúng.

Nhà hoạt động dân chủ Lester Shum ( giữa hàngg trên) bị cảnh sát dẫn giải trong đợt bắt giữ ồ ạt sáng ngày 06/01/2021 tại Hồng Kông.
Nhà hoạt động dân chủ Lester Shum ( giữa hàngg trên) bị cảnh sát dẫn giải trong đợt bắt giữ ồ ạt sáng ngày 06/01/2021 tại Hồng Kông. REUTERS - TYRONE SIU
Quảng cáo

Đàn áp tiếp diễn tại Hồng Kông nhưng với quy mô ngày càng lớn theo một chiến lược không để cho đặc khu có một cơ may vùng dậy. Sáng thứ Tư 06/01, 53 nhân vật đối lập dân chủ bị bắt chiểu theo đạo luật an ninh quốc gia của Trung Quốc, cho dù về mặt danh nghĩa Hồng Kông và Hoa lục tuy là một nước nhưng có hai chế độ khác nhau.

Cao điểm của 7 tháng siết gọng kềm ?

Từ tháng 7/2020, một tuần sau khi Tập Cận Bình ký ban hành luật an ninh, nhân viên Trung Quốc ngồi vào Văn phòng Phòng vệ và An ninh Hồng Kông mới thành lập. Và cũng từ đó bắt đầu những đợt bố ráp, với nạn nhân đầu tiên là bốn sinh viên chỉ vì các bài viết phát tán trên internet, không phải là tội chiếu theo luật Hồng Kông. Tiếp theo đó là 12 thanh niên, học sinh bị cảnh sát biển Trung Quốc chận bắt trên đường vượt biển sang Đài Loan và bị kết án tù tại Hoa Lục.

Tiếp theo, Bắc Kinh nhắm vào các khuôn mặt có tiếng tăm quốc tế. Điển hình là hai sinh viên tiêu biểu từ thời học sinh trong phong trào Dù Vàng 2014 là  Hoàng Chi Phong và Chu Đình, hay trường hợp nhà tỷ phú Lê Trí Anh, chủ nhân báo Apple đang chờ ra tòa.

Chính quyền thân Trung Quốc siết chặt quyền tự do ngôn luận, vô hiệu hóa tiếng nói đối lập tại Nghị Viện, trục xuất bốn nghị sĩ. Nhiều nhà hoạt động chạy sang Anh và Đài Loan tị nạn. Trong số những người còn lại, 53 người vừa sa lưới Trung Quốc.

Chiến dịch cảnh sát cũng chiếu cố ba tòa soạn báo chí Stand News, Apple Daily và Immediahk và một hiệp hội nhân quyền. John Clancey luật sư Mỹ về nhân quyền cũng nằm trong số bị bắt.

Theo AFP, Bắc Kinh tung cuộc bố ráp mới này là nhắm vào các nhà hoạt động từng tổ chức bầu cử sơ bộ hồi tháng 7/2020  chuẩn bị cho cuộc bầu cử nghị viện, và được 600.000 người tham gia. Trước uy tín và thế mạnh của đối lập, chính quyền Hồng Kông quyết định dời bầu cử nghị viện thêm một năm, với lý do đại dịch.

Theo luật sư Antony Daprian, tác giả một quyển sách về phong trào xã hội Hồng Kông, đây là cuộc tấn công thô bạo nhất vào nền dân chủ tại đặc khu, đúng là « một đêm khủng bố dao găm» như Hitler tiến hành vào tháng 7 năm 1934, vu cáo có tạo phản để  triệt hạ mọi đối thủ chính trị .

Liệu các biện pháp khủng bố này sẽ đưa đến hệ quả nào ?

Cảnh báo Bắc Kinh, ngoại trưởng Mỹ tương lai Antony Blinken cho biết chính phủ Biden sẽ sát cánh người dân Hồng Kông. Nhưng bất trắc lớn nhất cho Trung Quốc có lẽ là tinh thần đề kháng của người địa phương. Theo một kết quả nghiên cứu của đại học Hồng Kông vừa được công bố, dân Hồng Kông ngày càng mất niềm tin ở chính quyền Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Trong thành phần trẻ, 87% tuyên bố bất tín nhiệm chính quyền. Hồng Kông đã trở thành « một quả mìn có thể nổ bất cứ lúc nào », theo kết luận của bản nghiên cứu được Le Monde trích dẫn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.