Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Navalny bị đầu độc, Đức gây áp lực với Nga

Từ khi được chuyển đến Berlin hôm thứ Bảy 22/08/2020 trong tình trạng hôn mê , Alexei Navalny, thủ lĩnh mạng lưới đối lập chống tổng thống Nga Vladimir Putin, đã qua một loạt xét nghiệm y học. Kết quả đầu tiên công bố hai hôm sau xác nhận ông bị đầu độc. Dấu vết « enzym ức chế Cholinesterase » được nhiều phòng xét nghiệm độc lập phát hiện. Cho dù kẻ chủ mưu là ai, chủ nhân điện Kremlin sẽ mất đi chút uy tín còn sót lại tại Berlin.

Cảnh sát Đức canh gác tại khu vực chung quanh bệnh viện Charité, nơi điều trị nhà đối lập Nga Alexei Navalny. Ảnh chụp ngày 22/08/2020.
Cảnh sát Đức canh gác tại khu vực chung quanh bệnh viện Charité, nơi điều trị nhà đối lập Nga Alexei Navalny. Ảnh chụp ngày 22/08/2020. REUTERS/Fabrizio Bensch
Quảng cáo

Đức lên tuyến đầu

Angela Merkel đã có những tuyên bố một cách thẳng thừng. Trong bản thông cáo công bố vào tối thứ Hai 24/08/2020, nữ thủ tướng Đức yêu cầu chính quyền Nga phải giải quyết khẩn cấp vụ đầu độc nhà đối lập Alexei Navalny « một cách chi li, công khai, minh bạch và trừng phạt thủ phạm ».Thái độ cứng rắn khác thường của một nhà lãnh đạo có tiếng chừng mực đã  được lãnh đạo ngoại giao châu Âu, Josep Borrell hậu thuẫn. Người phụ trách ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi Matxcơva « điều tra độc lập và minh bạch về vụ đầu độc ».

Báo chí Đức sáng nay 25/08/2020 hoan nghênh thái độ của chính phủ Merkel bênh vực nhà đối lập Nga Alexei Navalny nhưng cũng lưu ý là rất khó làm Nga thay đổi .

Theo nhật báo thiên hữu Frankfurter Allgemeine, sự kiện bộ Ngoại Giao Đức ủng hộ sáng kiến chủ động của một tổ chức thiện nguyện tư nhân đưa nhà đối lập Nga sang Đức chữa trị là một tín hiệu chính trị nhấn mạnh đến trách nhiệm của Nga. Quan hệ tương đối hữu hảo giữa Nga và Đức từ trước đến nay có được là nhờ thái độ nhường nhịn thường khi không chính đáng của Berlin. Đã đến lúc Đức phải đổi giọng, phải cứng cỏi .

Một tín hiệu nữa cho thấy chính phủ Đức không xem nhẹ vụ đầu độc này. Trước khi kết quả xét nghiệm được công bố, nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho thủ lĩnh đối lập Nga đã được trao cho Cảnh Sát Liên Bang, một đặc quyền chỉ dành cho khách mời của Nhà nước Đức.

Đến buổi chiều cùng ngày, lực lượng an ninh bố trí chung quanh bệnh viện Charité được tăng cường đông đảo hơn.

Đúng như tiên liệu, kết quả xét nghiệm y khoa xác nhận nạn nhân bị đầu độc, làm cho chính phủ Đức, một lần nữa, đòi Matxcơva làm sáng tỏ nghi án và trừng trị thủ phạm.

Tuy nhiên, cũng như các vụ đầu độc xảy ra trước đây mà nạn nhân là những đại gia, những sĩ quan an ninh chống Putin hoặc ngả theo Tây phương, rất khó mà chứng minh ai là kẻ chủ mưu muốn thanh toán Navalny.

Hậu quả khó lường, Putin mất uy tín

Khi đón thủ lĩnh đối lập Nga, nước Đức vô tình lên tuyến đầu trông hồ sơ phức tạp này.

Quan hệ Đức - Nga đang gặp nhiều xung khắc nghiêm trọng:  Berlin cáo buộc tin tặc Nga tấn công Quốc Hội Đức vào năm 2015. Vừa qua, Đức tố cáo chính quyền Nga đứng sau vụ ám sát một nhà đối lập Tchetchenia tị nạn, trong một công viên ở Berlin năm 2019.

Sau hai vụ kể trên, uy tín của Putin gần như mất hết đối với thủ tướng Merkel. Báo Der Spiegel khuyến cáo chính sách « không quyết đoán của Đức, luôn giữ thế trung lập để làm ăn buôn bán với tất cả mọi nước ». Chính sách này bị lên án là « ngây thơ » và được chứng minh qua dự án ống dẫn khí Đức – Nga.

Nhật báo kinh tế Handelsblatt yêu cầu phải có biện pháp trừng phạt những quan chức Nga có trách nhiệm, cấm họ sang châu Âu hay tịch biên tài sản. Áp lực mạnh hơn nữa là đình chỉ dự án ống dẫn khí đốt Đức - Nga Bắc hải lưu số 2, sắp hoàn tất.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.