Vào nội dung chính
CHÍNH TRỊ - PHÁP

Pháp: Cực hữu ủng hộ ‘‘kiến nghị bất tín nhiệm’’ chính phủ của cực tả

Điều hy hữu trong chính trị Pháp đã xảy ra hôm qua, 24/10/2022. Đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) đã gây ngạc nhiên, khi bất ngờ dồn phiếu cho kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ của liên đảng cánh tả NUPES, với nòng cốt là đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI).  

Ảnh minh họa: Phòng họp Quốc Hội Pháp (Paris). Ảnh một phiên họp tháng 7/2022.
Ảnh minh họa: Phòng họp Quốc Hội Pháp (Paris). Ảnh một phiên họp tháng 7/2022. AFP - BERTRAND GUAY
Quảng cáo

Theo hãng tin Pháp AFP, lãnh đạo đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc (RN), Marine Le Pen, đã cố tình tạo bất ngờ, khi đưa ra tuyên bố bỏ phiếu cho kiến nghị của liên đảng cánh tả và cực tả, trái ngược hoàn toàn với quan điểm mà bà đã liên tục nêu trong những ngày gần đây. Lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen khẳng định ‘‘hành động vì lợi ích quốc gia’’, và tuyên bố không lo ngại việc tổng thống có thể quyết định giải tán Quốc Hội.  

Việc đảng cực hữu RN dồn phiếu cho đề xuất bất tín nhiệm của liên minh NUPES gây bất bình ngay trong chính nội bộ cánh tả. Trong lúc lãnh đạo cực tả Jean-Luc Mélenchon hoan hỉ với việc chỉ còn thiếu 50 phiếu nữa thì có thể lật đổ chính phủ, nghị sĩ Cyrielle Chatelain, lãnh đạo nhóm đảng Xanh, thành viên của liên đảng cánh tả và cực tả NUPES, chỉ trích quyết định nói trên của đảng cực hữu RN là nằm trong số các thủ đoạn nhằm ‘‘tẩy rửa bộ mặt xấu xa’’ của đảng này. Thủ tướng Elisabeth Borne, và đa số cầm quyền, tố cáo việc đảng cực hữu liên kết với đảng cực tả trong kiến nghị bất tín nhiệm nói trên như một ‘‘liên minh phản tự nhiên’’.  

Việc đảng cực hữu dồn phiếu cho kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ của NUPES gây bất ngờ, tuy nhiên kết quả bỏ phiếu thì không. Kiến nghị bị bác bỏ với 239 phiếu thuận, thiếu 50 phiếu để có đủ đa số tuyệt đối. Nhìn chung khả năng này gần như hoàn toàn bằng không, bởi đảng đối lập thứ ba tại Quốc Hội, đảng cánh hữu LR, từ chối tham gia vào các nỗ lực lật đổ chính phủ. 

Đề xuất bất tín nhiệm chính phủ được cả hai nhóm chính trị đối lập RN và NUPES đưa ra, sau khi chính phủ không có được đa số quá bán, đã phải viện đến điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua phần một ngân sách năm 2023, mà không cần qua thảo luận và bỏ phiếu tại Quốc Hội. Nếu kiến nghị bất tín nhiệm có được đa số quá bán, thì thủ tướng phải từ nhiệm và chính phủ bị giải tán. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.