Vào nội dung chính
PHÁP - DU LỊCH

Pháp : Du lịch rượu vang muốn thu hút thêm khách nội địa

Ngành du lịch rượu vang đem về cho nước Pháp khoảng 5,6 tỷ euro doanh thu hàng năm. Nhưng kể từ gần một năm rưỡi nay, dịch Covid-19 đã làm xáo trộn toàn bộ các hoạt động kinh tế. Ngành du lịch rượu vang do mất khách nước ngoài, cũng bị thất thu ở mức 60% trong năm 2020. Trong bối cảnh đó, ngành này đã phát triển nhiều dịch vụ hầu thu hút thêm khách nội địa, bù đắp lại phần nào tình trạng vắng khách du lịch ngoại quốc.

Khách thăm Bảo tàng rượu vang trong "Cité du Vin" tại Bordeaux. Ảnh chụp ngày 06/03/2017.
Khách thăm Bảo tàng rượu vang trong "Cité du Vin" tại Bordeaux. Ảnh chụp ngày 06/03/2017. AP - Bob Edme
Quảng cáo

Khi nhắc tới ''Con đường rượu vang'' vùng Bordeaux, du khách thường nghỉ rằng chỉ có một vùng, nhưng thật ra có tới 6 vùng sản xuất rượu vang, mỗi vùng đều có đặc sản của mình. Con đường rượu vang đưa khách du lịch đi từ vùng đô thị Bordeaux Métropole (hiệu Haut Brion của Pessac-Léognan) đến khám phá các vùng sản xuất rượu vang khác như Côte de Blaye và Côte de Bourg, vùng Saint Émilion (Pomerol và Fronsac), vùng Graves và Sauternes, vùng Entre deux Mers (Latresne và Sauveterre) và nhất là vùng Médoc, nơi tập hợp các hiệu vang đỏ Bordeaux nổi tiếng, trong đó có Margaux, Haut Médoc, Pauillac, Saint Julien, Saint Estèphe …..

Khai thác khách nội địa, khi vắng khách nước ngoài

Theo Sở du lịch Bordeaux, kể từ đầu tháng 05/2021, hầu hết các vùng lâu đài có ruộng nho và hầm rượu, ngoài việc tổ chức theo ''truyền thống'' các chuyến viếng thăm có nếm thử rượu vang, đều đã mở thêm nhiều chương trình mới kể cả khám phá di sản kiến trúc, các xưởng thủ công mỹ nghệ địa phương, các trò chơi hay sinh hoạt giải trí mang tính cách gia đình ngay tại các ruộng nho. Tại các lâu đài nổi tiếng như Château Marquis de Terme (chuyên sản xuất rượu vang Margaux) hay Château Cos D'estournel (chuyên về rượu vang đỏ Saint-Estèphe), các khuôn viên hay sân thượng có ghế ngồi đều không còn chỗ trống trong suốt mùa hè.

Các lâu đài này đã hợp tác với Sở Du lịch thành phố để tổ chức những kỳ nghỉ trọn gói giá mềm bao gồm cả chi phí lưu trú, ăn uống và tham quan ngắn ngày. Nhờ vậy, các lâu đài này thu hút đông đảo khách du lịch kể từ tháng 6, phần lớn là khách Pháp, đôi khi cũng có du khách đến từ các quốc gia láng giềng như Đức, Bỉ hay Hà Lan, trong khi vào năm 2019 đa số khách tham quan là người Mỹ hay người Hoa.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 hạn chế các hoạt động du lịch, đa số người Pháp năm nay cũng như vào mùa hè năm trước sẽ không đi đâu xa, mà chủ yếu đi tham quan các vùng miền. Ngành du lịch rượu vang (chủ yếu dựa trên việc đưa khách đi khám phá các nét đặc thù địa phương cũng như các sản phẩm trong vùng) buộc phải tự điều chỉnh thích nghi để thu hút khách nội địa. Nếu như các hướng dẫn viên không cần phải nói thạo tiếng Anh như khi phải tiếp đón du khách người Mỹ, người Nhật, người Úc hay Trung Quốc, thì đổi lại họ phải được trang bị đầy đủ kiến thức cũng như am tường về những thói quen dùng rượu vang của khách Pháp.

Câu hỏi mà họ gặp thường xuyên nhất là nên dùng loại vang nào cho hợp với một bữa ăn có cả cá lẫn thịt ? Nếu như trước kia câu trả lời thường là : dùng trước vang trắng với cá, rồi đến vang đỏ với thịt, thì xu hướng giờ đây vẫn là ''xé rào'' phá khung qua việc chọn một kiểu vang trắng hoặc vang đỏ duy nhất nhưng lại hợp cho cả hai món ăn. Nói cách khác, khách nội địa không có cùng thói quen dùng rượu vang như khách nước ngoài, và chính cũng vì vậy họ không quan tâm cho lắm đến khâu chế biến, đổi lại họ muốn biết nhiều hơn về cách thức cất giữ hay là mua loại rượu nào để có thể trữ được lâu.

Pháp : 5 tỷ rưỡi euro doanh thu cho ngành du lịch rượu vang

Khám phá các đặc sản vùng miền dưới sự hướng dẫn của một chuyên gia ẩm thực, các chuyến tham quan như vậy ngày càng thu hút đông đảo khách Pháp, họ thường xuyên dùng rượu vang trong các bữa ăn thường nhật và nay họ đơn thuần tìm kiếm những trải nghiệm mới. Theo đại diện liên đoàn các nhà sản xuất vang Bordeaux thượng hạng FGVB, khách nội địa có sức mua cao nhưng đồng thời họ đòi hỏi nhiều hơn về mặt kiến thức chuyên môn cũng như các xu hướng thịnh hành mới trong làng ẩm thực.

Theo cơ quan Atout France, chuyên quảng bá các điểm đến của Pháp với khách du lịch nước ngoài, hầu hết các vùng có truyền thống sản xuất rượu vang hay rượu mạnh như vùng Médoc, Champagne, Alsace, Bourgogne, Loire, Provence hay Cognac …. đều đã chuyển qua khai thác nguồn khách nội địa, tạo ra những tour tham quan mới để thích nghi với thói quen tiêu dùng của người Pháp, bù đắp phần nào cho sự vắng bóng của thành phần khách du lịch nước ngoài : các hợp tác xã cũng như các hầm rượu cỡ trung bình đều mở dịch vụ tiếp đón các hộ gia đình hay các khách Pháp đi theo từng nhóm nhỏ chứ không đi theo đoàn.

Theo số liệu gần đây của cơ quan quảng bá du lịch Pháp Atout France, ngành du lịch rượu vang đã thu hút hơn 12 triệu lượt du khách trong năm 2019, so với 7,5 triệu khách một thập niên trước đó. Doanh thu của ngành này xấp xỉ 5 tỷ rưỡi euro hàng năm. Đến khi có dịch Covid-19, doanh thu đã giảm hơn một nửa. Cuộc khủng hoảng của thị trường xuất khẩu rượu vang đã buộc ngành sản xuất vang Pháp phải tổ chức lại cơ cấu. Kể từ năm 2009, ngành này tạo ra thương hiệu "Vignobles & Découvertes" (Ruộng nho & Khám phá) nhằm thúc đẩy và phát triển các khâu phục vụ du khách trên nhiều phương diện, hầu tạo thêm nguồn thu nhập cho các nhà sản xuất, bên cạnh các hoạt động kinh doanh truyền thống của họ. Một thập niên sau, thương hiệu "Vignobles & Découvertes" tập hợp hàng ngàn dịch vụ tại 70 điểm đến xung quanh các "Con đường rượu vang" của Pháp.

Phát triển thêm các mảng dịch vụ lưu trú và ẩm thực

Nhìn chung, các chương trình tham quan kéo dài khoảng 2 hay 3 giờ, đưa khách đi xem ruộng nho, lâu đài và hầm rượu, rồi kết thúc với khoảng một giờ nếm rượu tại các cửa hàng lưu niệm. Các sinh hoạt này có thể được kết hợp thêm với một bữa ăn tối hoặc là một đêm ngủ lại ở nhà trọ đối với các nhà sản xuất nào đã chịu đầu tư vào các dịch vụ lưu trú.

Xung quanh các ruộng nho Saint-Émilion, nhiều nhà sản xuất đã kết hợp tên tuổi của mình với uy tín của một số nhà đầu bếp danh tiếng như trường hợp của lâu đài Château Pavie ngoài các chuyến tham quan buổi sáng hay buổi chiều còn tổ chức thêm các buổi pic-nic với các giỏ thức ăn của đầu bếp Yannick Alléno, người đang điều hành ba nhà hàng Pháp trứ danh, mỗi nhà hàng có hai sao Michelin. Tại vùng Champagne, các chuyến tham quan cũng đi kèm với dịch vụ lưu trú và ẩm thực, đó là trường hợp của thương hiệu Leclerc Briant tại thành phố Épernay (vừa mới khai trương Bảo tàng Sâm banh), còn tại vùng sông Rhône, lâu đài Château La Chaize cũng đã mở cửa trở lại đón khách nội địa kể từ cuối tháng 07/2021.

Từ vùng này sang vùng nọ, các nhà sản xuất Pháp đều phải tạo thêm nhiều chương trình đem lại thu nhập bổ sung cho các hoạt động sản xuất rượu vang của họ. Khuôn viên lâu đài được biến thành nơi tổ chức các trò chơi nhập vai theo kiểu ''escape game'', các dịch vụ như cho mượn xe đạp để đi xem các thắng cảnh trong vùng, các buổi pic nic hay cắm trại hạng sang (glamping) ngủ qua đêm tại chỗ, thậm chí biến ruộng nho thành không gian triển lãm với các tác phẩm nghệ thuật đương đại như trường hợp của dinh thự Peyrassol.

Rất nhiều nhà sản xuất rượu vang lao vào khai thác các dịch vụ lưu trú và ẩm thực, tuy nhiên theo lưu ý của cơ quan Atout France, họ cần phải qua các khóa đào tạo do việc phục vụ du khách là những ngành nghề hẳn hoi, đòi hỏi một số kinh nghiệm và tay nghề. Vì nếu phục vụ không khéo, nhân viên do thiếu đào tạo cho nên không làm tới nơi tới chốn, thì các nhà sản xuất có nguy cơ bị mất thêm khách, dù là khách nội địa hay khách tham quan đến từ các nước láng giềng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.