Vào nội dung chính
CHÂU ÂU

Ukraina : Thế hệ Maidan

Tạo ra những công cụ pháp lý và nền tảng dân chủ, mục tiêu của Thế hệ Maidan tại Ukraina. Bangladesh, thợ may bị chìm vào quên lãng sau thảm họa Rana Plaza. Hàn Quốc và cơn sốt sửa sắc đẹp. Vương quốc ảo nơi công nghệ high tech là vua. 

Sinh viên Ukraina ủng hộ việc hội nhập nước nhà vào châu Âu - REUTERS /Valentyn Ogirenko
Sinh viên Ukraina ủng hộ việc hội nhập nước nhà vào châu Âu - REUTERS /Valentyn Ogirenko
Quảng cáo

Gạt được một chế độ bị lũng đoạn vì tham nhũng khỏi quyền lực mới chỉ là chặng đầu trong công cuộc đấu tranh của các nhà dân chủ Ukraina. Tạo nên những công cụ pháp lý, những nền tảng cho một nền dân chủ, một đất nước tự do, giàu mạnh mới là mục tiêu sau cùng của « Thế hệ Maidan ».

Le Monde đã dành trọn hai trang báo để trả lời câu hỏi « Thế hệ Maidan » là ai và họ đang làm những gì cho đất nước. Trước hết đó là những thành phần ở độ tuổi 30, họ là những nhà trí thức, xuất thân từ những trường đại học lớn của Ukraina hay được đào tạo ở ngoại quốc nhưng đều đã về nước sinh sống. Họ tin tưởng vào Liên Hiệp Châu Âu và luôn hướng về phía các nước láng giềng phía tây, nhưng thế hệ này cũng ý thức được là tương lại của Ukraina thuộc về người dân Ukraina chứ không phải do Bruxelles hay Matxcơva định đoạt.

Trong những tuần lễ người biểu tình Ukraina đọ sức với các lực lượng an ninh, cảnh sát của chế độ Ianoukovitch, nhiều người trong số đó đã trả giá đắt, đôi khi bằng chính mạng sống của họ hay may mắn hơn như trường hợp của nữ phóng viên Tetyana Tchornovl thì chỉ bị trọng thương.

Sau khi giành được thắng lợi đầu tiên là gạt tổng thống Ianoukovitch và bè phái ra khỏi quyền lực, « Thế hệ Maidan » tiến hành giai đoạn hai của cuộc cách mạng Ukraina. Không để lãng phí thời gian, không để ngọn lửa của Maidan tàn dần trong sự thờ ơ của quốc tế các nhà đấu tranh Ukraina hăng say mang tài sức của họ ra phục vụ đất nước.

Hanna Hopko, một luật gia ngoài 30 tuổi tập hợp được chung quanh mình khoảng 80 chuyên gia hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau để mổ sẻ, đề nghị, bổ sung cho những điều luật mà bên Hạ viện Ukraina đề xướng. Hopko và những người bạn của cô đã đề nghị Quốc hội điều chỉnh luật để minh bạch hóa các hợp đồng mua bán của nhà nước. Luật này đã được thông qua. Thế nhưng khi các nhà dân chủ tự nguyện này đề nghị một bộ luật buộc các vị đại biểu Quốc hội và quan chức chính quyền Ukraina phải công bố tài sản : văn bản đó đã bị bác bỏ mạnh tay.

Le Monde lưu ý độc giả : vụ Crimée bị sáp nhập vào với nước Nga là một cái gai không nhỏ trong công cuộc đấu tranh của các nhà dân chủ trẻ tuổi Ukraina. Làm thế nào họ có thể thúc đẩy tiến trình cải tổ đến nơi đến chốn, khi chính sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ bị đe dọa ?

Ngành dệt may Bangladesh : không có gì thay đổi sau thảm họa Rana Plaza

Nhìn sang châu Á, cách nay đúng một năm Bangladesh và cả thế giới đã bàng hoàng sau tai nạn sập xưởng may gần thủ đô Dacca, làm 1200 công nhân thiệt mạng. Phóng sự của tạp chí L'Express cho thấy là một năm qua, điều kiện lao động và chuẩn mực an toàn của công nhân dệt may Bangladesh không hề được cải thiện. Khi tòa nhà Plaza sập mái, thì có tới khoảng 3000 công nhân đang làm việc trong đó, những người may mắn còn giữ được mạng sống thì ít nhiều bị tật nguyền hay trở thành những phế nhân.

Bangladesh là nơi sản xuất quần Jean, áo thun cho khoảng hơn 20 tập đoàn dệt may tên tuổi quốc tế, từ Mango đến Benetton, H&M, hay Walmart. Áo quần mang nhãn hiệu của các siêu thị Pháp như Carrefour hay Auchan, đều do bàn tay của người thợ may Bangladesh làm ra. Lý do chính là vì nhân công tại Bangladesh rẻ hơn so với ở Việt Nam, Cam Bốt hay Trung Quốc

Để tránh mang tiếng, Dacca và giới chủ các xưởng gia công Bangladesh cùng với các nhãn hiệu nổi tiếng về may mặc của thế giới đã bồi thường thỏa đáng cho các nạn nhân thế nhưng những tiêu chuẩn để được bồi thường thì lại chẳng được công bố rõ ràng. Hơn nữa trong một năm qua, điều kiện lao động của hàng trăm ngàn công nhân dệt may xứ này không được cải thiện cho dù đại diện của giới chủ khẳng định với phóng viên của tạp chí L'Express rằng họ « đã làm tất cả để bảo đảm an toàn » cho công nhân.

Tư pháp Bangladesh đã không dám đụng đến chủ nhân của Rana Plaza cho dù tòa nhà đó đã được xây dựng trái phép. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để cải thiện tình hình khi biết rằng, may gia công là một trong những hoạt động kinh tế đem về nhiều ngoại tệ nhất cho kinh tế Bangladesh, khi biết rằng, các ông trùm trong ngành đã dùng tiền mua chuộc giới chính khách để họ được tự do làm ăn mà không hề bị sách nhiễu, để Quốc hội chẳng bao giờ thông qua được một bộ luật lao động đàng hoàng có lợi một chút cho công nhân.

Tờ báo không khoan nhượng đưa ra kết luận : khó mà hy vọng điều kiện của công nhân dệt may Bangladesh sớm được cải thiện khi mà mấy ông ‘chủ bự’ trong ngành chỉ nghĩ tới chuyện tậu nhà lầu, sắm xe hơi sang trọng và gom góp tiền của để cho con cái đi du học nước ngoài.

Các tập đoàn đa quốc gia trong ngành may mặc thì chỉ lo o bế giới cổ đông và lo hạ giá thành để bành trướng thêm trên thị trường quần áo. Trong khi đó thì người tiêu dùng chỉ nghĩ tới túi tiền của họ và chỉ thích mua hàng rẻ mà thôi. Tất cả những thái độ thờ ơ đó đã giáng lên đầu công nhân dệt may của Bangladesh, của những người đã có mặt trong xưởng may Rana Plazza hôm 24/04/2013.

Hàn Quốc vô địch thế giới về giải phẫu thẩm mỹ

Cứ trên 1000 công dân Hàn Quốc thì có tới 16 người đã ít nhất một lần đi sửa sắc đẹp. Đây là tỷ lệ cao nhất thế giới. Libération chú ý tới hiện tượng người dân xứ Hàn ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp trong xã hội có một niềm tin gần như vô bờ bến nơi các vị bác sĩ thẩm mỹ.

Họ luôn sẵn sàng làm đủ kiểu nào là sửa mũi, sửa cầm, mổ mí mắt, chỉnh gò má, căng gia mặt, mài bớt chiếc cầm quá nhọn, độn thêm một chút mỡ cho khuôn mặt thêm đầy đặn.

Chỉnh sửa, gôm tảy những nét không hoàn hảo trên gương mặt, hay trên thân hình …. Nhiều người quan niệm rằng, đó là cái giả phải trả để được xinh đẹp hơn, quyến rũ hơn, tự tin hơn trong đời sống hàng ngày và trong xã hội. Sự tin tưởng vô bờ bến vào sắc đẹp đó không dừng lại ở phái nữ mà đã từ lâu rồi đã lây nhiễm luôn qua cả các đấng mày râu. Lạ một điều là giới trẻ ở Hàn Quốc lại là những thân chủ kiên trì nhất và trung thành nhất của các viện thẩm mỹ.

Người thì yêu cầu bác sĩ ban cho mình chiếc mũi dọc dừa, sống cao và đẹp như mũi của người tây phương, kẻ thì đến xin được nâng cặp mắt và đôi môi như thể lúc nào họ cũng đang mỉm cười. Lại có người đòi bác sĩ phải tặng cho mình cặp mắt thật to, sáng và long lanh như nữ minh tinh màn bạc người Mỹ Audrey Hepburn xưa kia ! Đương nhiên để làm chủ một sắc đẹp hoàn hảo, thì người dân xứ Hàn cũng đã phải chi ra khá nhiều tiền.

Tác giả bài báo giải thích, từ sau khủng hoảng tài chính năm 1997 người Hàn Quốc ngày càng cho rằng, xinh đẹp là chìa khóa dẫn đến thành công và danh vọng. Kể từ đầu những năm 2000 phụ nữ Hàn Quốc không ngại tốn kém để tặng cho mình một diện mạo dễ coi, dễ mến. Đây là một lợi thế quan trọng khi đi xin việc làm. Thậm chí nhiều người đã đầu tư bằng cách đi sửa sắc đẹp trước khi gửi đơi xin tìm việc vì họ tin rằng, với một cái cằm tròn trĩnh, đều đặn có đường cong như chữ S hay chữ V gì đó thì họ sẽ dễ thuyết phục người tuyển dụng nhân viên hơn !

Một bệnh viện tư chuyên sửa sắc đẹp tại Seoul được Libération trích dẫn hoạt động tại một khu nhà cao đến 10 tầng, lúc nào cũng gạt ra không hết khách. Rồi một ông bác sĩ chuyên mổ mí mắt làm việc 7 ngày trên 7, từ thứ hai đến thứ bảy ông hành nghề ở Seoul – từ 9 rưỡi sáng đến 10 giờ rưỡi tối. Riêng ngày chủ nhật vị bác sĩ thẩm mỹ này giành thời giờ để phục vụ cho các thân chủ ở Thượng Hải.

Với năm tháng Seoul đang trở thành kinh đô của khoa giải phẫu thẩm mỹ. Khách hàng không chỉ đến từ mọi vùng miền Hàn Quốc mà còn đến từ nhiều nước Á châu khác. Dịch vụ này đang thịnh hành đến nỗi mà nhiều bệnh viện tư, thẩm mỹ viện mở luôn cả khách sạn, nhà hàng để đáp ứng nhu cầu của những thân chủ đến từ phương xa.

Nhưng đáng nói hơn cả là hai chi tiết được tờ Libération đưa ra : một là chính phủ Hàn Quốc đã ồ ạt đầu tư vào con gà đẻ trứng vàng này và dự trù thu về 3 tỷ đô la tiền lãi kể từ nă 2020. Nét tiêu biểu thứ nhì là cũng Seoul đã quyết định giảm thuế TVA đánh vào các dịch vụ giải phẫu thẩm mỹ cho người cao tuổi muốn kháng cự lại với thời gian, bởi vì trong quan niệm của nhiều người Hàn Quốc hiện nay, sắc đẹp là một thứ vốn rất thiêng liêng, là biểu tượng của sự thành đạt và uy quyền !

Vương quốc ảo hay kế hoạch điên rồ của các ông vua high tech

Xây dựng một vương quốc mà ở đó các công nghệ cao cấp high tech là vua, đó là những sứ sở được dựng lên trên những chiếc tàu nổi ở ngoài khơi đại dương, không thuộc chủ quyền của bất kỳ một quốc gia nào, đấy cũng là nơi mà không một ai phải đóng thuế, và người ta sử dụng tiền ảo bitcoin để thanh toán các khoản mua bán trên mạng … Tuần báo Le Nouvel Observateur tóm lược dự án điên rồ của những ông chủ vùng thung lũng Silicon Valley- Hoa Kỳ như trên.

Vào lúc mà nhiều nền kinh tế phương Tây lâm vào bế tắc, những « ông Trời con » của thế giới tin học như Google, Facebook, Apple, Amazon cho rằng họ có thể quản lý đất nước tốt hơn các chính trị gia trên thế giới, nhưng đó phải là một đất nước nơi « high tech » là vua.

Lại cũng những « ông trùm » của Silicon Valley cho rằng các quốc gia trên thế giới ngày nay đang chuyển biến quá chậm so với đà tiến của tin học chính vì thế mà họ tin rằng trong tương lai không xa các tập đoàn high tech sẽ « áp đặt một nền văn minh ảo » !

Apple và Google là hai trong số 3 tập đoàn có giá trị chứng khoán lớn nhất của Hoa Kỳ. Các nhà sáng lập viên của Google hay Amazon đã trở thành tỷ phú trong chưa đầy hai thập niên, và những sản phẩm hay dịch vụ mà họ tạo ra đang chinh phục cả thế giới ! Đó chính là lý do vì sao các ông hoàng trong ngành tin học cho rằng họ mới chính là những vị chủ nhân của trái đất trong tương lai.

Le Nouvel Observateur kết thúc bài báo bằng một chi tiết nhỏ : đành rằng trước mắt các ông vua high tech đang mạnh hơn cả các ông chủ ngân hàng, hơn cả các ông vua dầu hỏa thế nhưng đừng quên rằng, ngày nào mà dân cư mạng hay những người sử dụng internet bắt đầu chán những món đồ chơi, những dịch vụ ảo thì các ông vua Internet sẽ trắng tay, hiện nguyên hình là những vì vua « trần trụi ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.