Vào nội dung chính
HỒI GIÁO

Phim báng bổ đạo Hồi: Căm phẫn lan tỏa trong thế giới Ả Rập

Hội nghị toàn quốc về môi trường của Pháp với mục tiêu giảm bớt mức độ lệ thuộc vào dầu hỏa và năng lượng hạt nhân ; chuyến công du Liban đầy thách thức và hy vọng của Đức Giáo Hoàng ; căm phẫn lan tỏa trong thế giới Hồi giáo, làn sóng chống Mỹ lan rộng, dư âm của bộ phim « Innocence of Muslims » có nội dung phỉ báng đạo Hồi. Bộ phim này được thực hiện tại Hoa Kỳ và đã được phát tán trên mạng Internet.

Biểu tình tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ phản đối bộ phim báng bổ đạo Hồi, 14/09/2012
Biểu tình tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ phản đối bộ phim báng bổ đạo Hồi, 14/09/2012 REUTERS
Quảng cáo

Sau các cuộc biểu tình bài Mỹ ở Ai Cập, Libya, hàng ngàn người đã xuống đường tại Irak, Iran, Bangladesh, Yemen cũng chỉ vì bộ phim nói trên. Các tòa đại sứ Mỹ tại khu vực Trung Cận Đông đã được tăng cường an ninh. Căng thẳng gia tăng đến mức mà theo báo Le Monde, chính quyền Afghanistan đang « trong tình trạng báo động ». Tổng thống Hamid Karzai đã phải dời lại chuyến công du Na Uy. Tại thủ đô Kaboul, đa số các tòa đại sứ đều tăng cường an ninh để bảo vệ nhân viên ngoại giao. 

Libération lo ngại « làn sóng chống Mỹ » đang dâng lên tại các nước Hồi giáo đe dọa đến cả an ninh của những người theo đạo Công giáo, khi mà chính quyền không kiểm soát được thành phần cựu đoan và tờ báo đặc biệt quan tâm đến an ninh của người Công giáo ở Ai Cập. 

Báo Công giáo La Croix đưa ra nhận xét tương tự : Người Ai Cập Công giáo đang lo ngại nguy cơ bạo động bùng lên giữa cộng đồng người theo đạo Hồi và đạo Thiên Chúa. Cũng tờ báo này nêu lên câu hỏi về tác động của làn sóng chống Mỹ đối với cuộc vận động tranh cử tổng thống Hoa Kỳ. 

Le Figaro ghi nhận, tổng thống Ai Cập Morsi đã im lặng khá lâu, trước khi lên án vụ tòa lãnh sự Mỹ ở Benghazi bị tấn công. Cho dù ông kêu gọi « kiềm chế » không tấn công các cơ sở ngoại giao, thế nhưng, tổ chức Huynh đệ Hồi giáo đang cầm quyền tại Cairo lại kêu gọi biểu tình. Theo Le Figaro, thái độ « nước đôi » đó của chính quyền Ai Cập bắt đầu khiến cộng đồng quốc tế đặt nghi vấn. 

Gậy ông đập lưng ông  

Nhà chính rị học Ai Cập Mohammed Ezz el Arab nhận xét với phóng viên của báo Le Figaro : Đành rằng phim « Innocence of Muslims » là đáng để bị lên án, nhưng dùng bạo lực để đối lại với với bạo lực là một hành động vô trách nhiệm và nguy hiểm ». 

« Nguy hiểm » do tinh thần bài Mỹ có nguy cơ làm xấu đi hình ảnh của người Hồi giáo, của đạo Hồi. Đó có thể bị coi như « mặt trái của phong trào dân chủ Mùa Xuân Ả Rập ». Người dân Ai Cập, Libya và nhiều nơi khác tại Trung Cận Đông đã nổi dậy để lật đổ các chính quyền cũ vì những lý tưởng công lý và dân chủ. Điều quan trọng là phải làm thế nào tránh để các cuộc cách mạng đó lại « tạo cơ sở » cho những thành phần cực đoan nhất. 

Chuyên gia về tình hình các nước Ả rập này cho rằng, « việc Ai Cập chọn một vị tổng thống thuộc tổ chức Huynh đệ Hồi giáo đã góp phần củng cố thêm thanh thế của nhưng phần tử cực đoan trên chính trường Cairo ». Nhìn dưới góc độ đó, nhà chính trị học Mohammed Ezz el Arab quan niệm rằng, bộ phim với nội dung bổ báng đạo Hồi được thực hiện tại Mỹ thực ra chỉ là « một cơ hội lý tưởng » cho những thành phần cực đoan khai thác để làm dấy lên tinh thần bài Mỹ, bài phương Tây. 

Một tờ báo địa phương, L'Eclair des Pyrénées, trong bài xã luận, kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo cần phải tìm ra giải pháp tránh để « giấc mơ dân chủ vừa chớm nở trong Mùa Xuân Ả Rập » trở thành những « cơn ác mộng ». 

Đó không chỉ là « ác mộng » đối với các nước phương Tây mà theo như phân tích của Le Monde trong bài xã luận : Bất kỳ ai là thủ phạm đã gây nên cái chết của đại sứ Hoa Kỳ tại Libya, và dù là họ đã hành động với bất kỳ một lý do gì đi chăng nữa thì vụ tấn công tòa lãnh sự Mỹ tại Benghazi hôm 12/09/2012 cũng là một « vố đau » nhắm vào đạo Hồi và nhắm vào chính tương lai của Libya. 

Tờ báo gọi thủ phạm vụ tấn công ở Benghazi là « những kẻ đào mồ chôn đạo Hồi và nền dân chủ Libya ». Bởi vì hành động đó càng khiến một phần dư luận nghĩ rằng, đạo Hồi là một tôn giáo hẹp hòi, khắt khe và tàn bạo khi mà có những kẻ cuồng tín đã không ngần ngại sát hại những người vô tội nhân danh đạo Hồi. 

Chính vì thế, Le Figaro nhất mạnh : Hơn bao giờ hết, cần phân biệt giữa đạo Hồi với đường lối quá khích của một số người Hồi giáo cực đoan. 

Trung Quốc chấn động vì làn sóng bài Nhật 

Tình hình sôi động tại nhiều nước Ả Rập và Trung Cận Đông khiến bài vở về châu Á trở nên hiếm hoi trên các nhật báo Pháp trong ngày. Riêng tờ Libération quan tâm đến tranh chấp Nhật - Trung tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với bài viết mang tựa đề « Trung Quốc chấn động vì làn sóng bài Nhật ». 

Trên đường phố Bắc Kinh, những khẩu hiệu như « Đả đảo những thằng lùn Nhật Bản » hay « Hãy cút khỏi Điếu Ngư », « Nhật Bản có nợ máu với Trung Quốc » không phải là hiếm hoi. Người dân Trung Quốc vẫn chưa quên quá khứ lịch sử và những mối hiềm khích giữa hai dân tộc. Thậm chí trên mạng internet, có người nêu lên câu hỏi : Tại sao Trung Quốc không mang bom nguyên tử dội lên quần đảo đang có tranh chấp chủ quyền nói trên. Câu hỏi này chứng tỏ người Trung Quốc thù ghét người Nhật tới mức độ nào. 

Chính quyền Bắc Kinh cũng đã có những lời lẽ hết sức cứng rắn trước kế hoạch của Tokyo mua lại quần đảo Senkaku để khẳng định của quyền của Nhật đối với khu vực này. Dù vậy, theo nhận xét của phóng viên báo Libération, Bắc Kinh tránh khai thác tinh thần bài Nhật bởi các nhà lãnh đạo Trung Quốc sợ không lường được phản ứng của các làn sóng người khi họ tràn ngập đường phố. 

Pháp thêm một nghị về môi trường 

Về thời sự nước Pháp, hầu hết các tờ báo trong ngày đều dành nhiều trang để nói về hội nghị môi trường, mở ra tại thủ đô Paris trong hai 14 -15/09/2012. Mục tiêu chính là để giảm bớt mức độ lệ thuộc của kinh tế Pháp vào dầu hỏa và năng lượng hạt nhân. 

La Croix tóm lược tình hình : 14 bộ truởng, 300 đại diện của các tổ chức xã hội dân sự cùng tham dự hội nghị về môi trường qua 5 cuộc thảo luận bàn tròn với mục tiêu « phác thảo ra lộ trình về chính sách môi trường » của Pháp cho những năm sắp tới. Nhưng câu hỏi chính là làm thế nào để phát triển công nghệ xanh, đẩy mạnh năng lượng sạch và bảo vệ môi trường trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, ngân sách Nhà nước bị hạn chế. 

Báo kinh tế Les Echos cụ thể hơn khi nêu lên 6 vấn đề cần được giải quyết cấp bách. Sáu vấn đề đó là : Năng lượng hạt nhân và tái tạo ; chính sách thuế để khuyến khích sử dụng năng lượng xanh ; nên hay không khai thác dầu và khí đá phiến ; tạo việc làm qua chính sách năng lượng ; bảo vệ đa dạng sinh học ; giảm các chất độc hại vì sức khỏe con người. 

Libération ngay trên trang nhất nêu lên câu hỏi : Chính để bảo vệ sức khỏe, chúng ta nên chăng cấm chạy xe bằng dầu diesel ? Ở phần trang trong tờ báo phân tích về tính độc hại của loại năng lượng này, bởi vì thải khí phát ra có độ gây ung thư cao. 

Đó là điều ai cũng biết, cả các nhà làm chính trị lẫn các tập đoàn công nghệ xe hơi. Nhưng vì những quyền lợi kinh tế chưa một ai lên tiếng. Tờ báo cho rằng, đã đến lúc cả đôi bên cùng phải hướng tới loại « xe hơi của tương lai » : Đó phải là loại xe sạch và không gây nguy hại cho sức khỏe. 

Di sản văn hóa : 15 tỷ euro doanh thu 

Trong hai ngày 15 và 16/09/2012, trong khuôn khổ chương trình Ngày Di Sản Văn Hóa, trên toàn nước Pháp, các di tích lịch sử, đền đài, bảo tàng, sẽ mở cửa miễn phí đón khách tham quan. Năm ngoái tại Pháp, đã có 12 triệu người hưởng ứng sinh hoạt văn hóa này. Les Echos điểm lại kho tàng di tích lịch sử của Pháp với tất cả là 44 000 khu di tích trên toàn quốc, trong đó có 87 thánh đường và khoảng 30 quần thể được tổ chức UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới. Chi phí trùng tu và bảo trì hàng năm lên đến 5 tỷ euro. Đổi lại các khu di tích này bảo đảm việc làm cho 100 000 nhân viên và đem lại doanh thu 15 tỷ euro. 

Một nét đặc biệt của chương trình sinh hoạt Ngày Di Sản Văn Hóa lần thứ 29 năm nay là dinh tổng thống Pháp, quyết định mỗi tháng 1 lần mở cửa cho công chúng vào tham quan khu vườn của điện Elysée. Riêng trong hai ngày cuối tuần này, nếu đủ kiên nhẫn để xếp hàng vào viếng thăm dinh tổng thống, bạn sẽ được ngắm chiếc xe hơi Simca Vedette mà sinh thời tướng De Gaulle đã sử dụng khi tiếp thủ tướng Đức, Konrad Adenauer. Cũng chính với chiếc xe đó, hai vị lãnh đạo Pháp - Đức đã đến dự buổi lễ tại Thánh đường ở thành phố Reims ngày 08/07/1962, đánh dấu sự hàn gắn giữa hai nước sau Đệ nhị Thế chiến.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.