Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG - MẤT TÍCH

Bắc Kinh tung hỏa mù về vụ công dân Hồng Kông “mất tích”

Đồng chủ nhân một nhà sách Hồng Kông chuyên phát hành ấn phẩm bị cấm tại Hoa lục “xuất hiện” sau 4 tháng mất tích một cách bí ẩn tại Thái Lan. Hôm chủ nhật 17/01/2016, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV phát đoạn phim trong đó ông Quế Dân Hải (Gui Min Hai) nói là tự nguyện sang Hoa lục “đầu thú”. Công luận Hồng Kông xem đoạn phỏng vấn này là một vụ dàn dựng của công an Trung Quốc.

Biểu tình tại Hồng Kông đòi Bắc Kinh trả tự do cho 5 công dân làm nghề xuất bản.
Biểu tình tại Hồng Kông đòi Bắc Kinh trả tự do cho 5 công dân làm nghề xuất bản. DR
Quảng cáo

Quế Dân Hải, song tịch Hồng Kông - Thụy Điển, cùng với đồng nghiệp Lý Ba (Lee Bo) là chủ nhân nhà xuất bản Mighty Current, chuyên phát hành các tác phẩm gây khó chịu cho chính quyền Trung Quốc. Tháng 10 năm 2015 , ông đi du lịch tại Thái Lan và mất tích. Tiếp theo đó là ba nhân viên nhà sách cùng với chủ nhân Lý Ba, kẻ trước người sau biệt vô âm tín.

Hôm qua 17/01, ông xuất hiện trong một đoạn phỏng vấn của đài truyền hình Trung Quốc từ một nhà tù không rõ nơi chốn. Ông Quế Dân Hải “khai” là vì ân hận, ông tự nguyện sang Trung Quốc để “nhận tội” lái xe trong cơn say, đụng chết một sinh viên tại Hoa lục cách nay…11 năm. Ông còn kêu gọi chính phủ Thụy Điển không nên can thiệp.

Giới nhân quyền và công luận Hồng Kông coi đoạn phỏng vấn này là “hỏa mù” của công an Trung Quốc. Nicolas Bequelin, giám đốc Ân Xá Quốc Tế trong khu vực, khẳng định : về mặt pháp lý, đoạn video này không có giá trị gì cả. Không ai biết “ông Quế Dân Hải bị giam ở đâu? Trong khuôn khổ pháp lý nào? Điều kiện thực hiện phỏng vấn?" Không thể loại trừ trường hợp nạn nhân bị cưỡng bách.

Đọc thêm : Hồng Kông sợ quyền tự do xuất bản bị Bắc Kinh chà đạp

Một dân biểu của phong trào Dân Chủ tuyên bố: Bắc Kinh tìm cách tung hỏa mù để che dấu lý do bắt cóc nạn nhân để trả thù nhà xuất bản. Trong đoạn “phỏng vấn”, ông Quế Dân Hải không nói bằng cách nào ông sang Trung Quốc.

Đang có mặt tại Hồng Kông, thứ trưởng tài chính Thụy Điển Per Bolund cho biết Stockholm “rất lo ngại” cho số phận công dân mình.

Theo AFP, trong số năm người mất tích, trường hợp ông Lý Ba là gây chấn động công luận Hồng Kông nhất, vì ông biến mất ngay tại đặc khu hành chánh nơi mà công an Trung Quốc không có thẩm quyền can thiệp.

Website của đài TVCC Trung Quốc đưa lại bản tin cũ 11 năm trước, năm 2005, theo đó ông Quế Dân Hải, 46 tuổi, bị kết án 2 năm tù treo vì đã đụng chết một sinh viên Hoa lục.

Thế nhưng, theo bản tin của Tân Hoa Xã, ông Quế  Dân Hải năm 2016 này mới 51 tuổi.

Cách nay hai tuần, bà vợ ông Lý Ba, nhận được điện thư của chồng, cũng nói tự nguyện sang Hoa lục “hợp tác trong một vụ điều tra”, nhưng cách viết không theo văn phong của ông và của người sử dụng tiếng Quảng Đông. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.