Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - TRUNG QUỐC - THẾ CHIẾN II

Thế Chiến II : Bài học lịch sử của Chủ tịch Tập Cận Bình

Ngày 03/09/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là nhân vật quan trọng nhất trong buổi lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm ngày Nhật Bản đầu hàng quân Đồng Minh tại Châu Á. Nguyệt san kinh tế The Economist, số ra tháng 08/2015, đánh giá đây là lần xuất hiện ấn tượng nhất của ông Tập Cận Bình trước công chúng kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012.

Học sinh Trung Quốc tham gia buổi diễu hành ngày 03/09/2015.
Học sinh Trung Quốc tham gia buổi diễu hành ngày 03/09/2015. Reuters
Quảng cáo

Ông xuất hiện với hình ảnh là nhà chỉ huy lực lượng quân đội hùng hậu với chiến xa, đại pháo và đoàn diễu hành với hàng chục nghìn quân nhân.

Về mặt chính thức, sự kiện này được tổ chức để kỷ niệm Thế chiến II chấm dứt vào năm 1945 và để tưởng niệm khoảng 15 triệu người Trung Quốc thiệt mạng dưới thời quân đội Nhật Bản chiếm đóng trong khoảng thời gian từ 1937 đến 1945. Cuộc diễu binh cũng là dịp để gợi lại lòng can đảm, trung kiên của người lính Trung Hoa và vai trò chủ đạo của họ trong cuộc chiến chống sự bành trướng tại châu Á của quân đội Thiên hoàng. Những hy sinh mất mát của người Trung Quốc trong giai đoạn đau khổ này xứng đáng nhận được sự biết ơn. Vì, trong giai đoạn từ năm 1937, khi cuộc chiến bắt đầu tại Trung Quốc, cho tới năm 1941, sau trận Trân Châu Cảng, đúng là chỉ một mình Trung Quốc chiến đấu chống lại các lực lượng hùng hậu của Nhật Bản. Cuộc chiến chấm dứt với số lượng người Trung Quốc thiệt mạng, kể cả quân nhân và thường dân, lớn hơn nhiều lần so với sự mất mát tại bất kỳ quốc gia nào, trừ liên bang Xô Viết cũ.

Thế nhưng, ngoài mục đích vinh danh quá khứ, buổi lễ diễu binh ngày 03/09 còn hướng tới cả tương lai. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc tổ chức kỷ niệm chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nhưng điều đáng chú ý là thay vì một buổi lễ tưởng niệm thông thường, Bắc Kinh tổ chức hẳn một buổi lễ diễu binh có quy mô lớn mà mục đích chính được cho là khuếch trương thế mạnh quân sự tới các nước láng giềng Đông Á, cũng như khẳng định chiến thắng chính đáng của đảng Cộng sản Trung Quốc trước đế quốc Nhật. Quốc gia đông dân nhất hành tinh hiện đang nằm dưới sự điều hành của một nhà lãnh đạo có cái nhìn về tương lai giống như hành động của Nhật Bản trong quá khứ. Trung Quốc luôn thể hiện không xâm chiếm các nước láng giềng. Thế nhưng, có nhiều lý do để lo ngại về cách nhìn nhận và đánh giá lịch sử của đảng Cộng sản Trung Quốc và những thông điệp biện hộ cho những tham vọng của mình.

Quá khứ lịch sử mang mầu sắc Trung Hoa

Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, logic lịch sử được hiểu theo đường hướng như sau : Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc đánh bại đế quốc Nhật Bản và xứng đáng với quá khứ anh hùng. Đằng sau lễ diễu binh quy mô này còn ẩn chứa hai mục đích khác. Thứ nhất, Trung Quốc muốn khẳng định Nhật Bản vẫn còn là một mối nguy hiểm. Thứ hai, thể hiện cho toàn thế giới Châu Á hiện đang vận động như thế nào ?

Chính quyền Bắc Kinh muốn thổi bùng niềm tự hào dân tộc của người dân. Trường học, bảo tàng hay các chương trình truyền hình tại Trung Quốc đều thường xuyên cảnh báo “âm mưu” xâm lược của Nhật Bản, mà cụ thể nhất là trong tranh chấp chủ quyền biển đảo hiện nay tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Thậm chí, một chính trị gia Trung Quốc đã so sánh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe như là một tân Voldemort, nhân vật phản diện trong loạt phim Harry Potter. Bất kỳ lúc nào, Nhật Bản vẫn có thể đe dọa Châu Á và Trung Quốc, một lần nữa, vẫn có thể phải đối mặt với hiểm họa.

Lật lại lịch sử sau 70 năm chấm dứt Thế chiến II tại Châu Á, cần phải nhìn nhận rằng không chỉ duy nhất lực lượng quân Cộng sản Trung Quốc đóng vai trò quan trọng buộc Nhật Bản đầu hàng, mà còn phải kể tới vai trò không thể chối cãi được của các lực lượng Quốc dân đảng do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo. Ngày nay, Trung Quốc vẫn luôn tìm mọi cách chỉ rõ rằng Nhật Bản là nước đã gây ra vụ « Thảm sát Nam Kinh », buộc nhiều phụ nữ Triều Tiên và Trung Quốc trở thành « gái giải sầu » và đã sử dụng vũ khí hóa học đối với thường dân.

Đúng là Nhật Bản chưa bao giờ tổng kết hậu quả chiến tranh như nước Đức đã từng làm. Thậm chí, một số người Nhật theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan còn phủ nhận tội ác chiến tranh mà quân đội Thiên hoàng Nhật Bản gây ra cho các nước láng giềng. Đáng tiếc là đôi khi, ông Abe lại ủng hộ những người này.

Thế nhưng, tiếp tục cho rằng Nhật Bản vẫn là một mối đe dọa nguy hiểm thì vẫn thiếu căn cứ. Lực lượng phòng vệ của nước này đã không nổ súng từ năm 1945. Nền dân chủ và tôn trọng nhân quyền đã ăn sâu vào tiềm thức xã hội. Bất kỳ người Nhật nào đều công nhận tội ác chiến tranh của đất nước mình. Các chính phủ Nhật Bản lần lượt xin lỗi, và Thủ tướng Abe cũng đang được hy vọng là sẽ làm như những người tiền nhiệm. Nhật Bản ngày nay theo khuynh hướng chủ hòa, bởi vì những ám ảnh của vụ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki vẫn còn đó, nên người dân không ủng hộ phát triển vũ khí hạt nhân.

Trung Quốc đi vào 'vết mòn' của Nhật Bản ?

Hàng năm, Bắc Kinh luôn yêu cầu Tokyo phải xin lỗi về những hành vi của quân đội Nhật trong Thế chiến II, từ vụ “gái giải sầu” cho tới các trận thảm sát cướp đi sinh mạng của vài chục triệu người dân. Với Bắc Kinh, Nhật Bản vẫn chưa công nhận đủ mức độ các tội ác chiến tranh của quân đội Thiên hoàng. Và lời xin lỗi thường niên là một sự kiện quan trọng, như muốn khẳng định Trung Quốc chưa sẵn sàng lật sang trang sử mới. Tuy nhiên, một điều quan trọng hơn đối với Bắc Kinh, chính là tiếp tục buộc Nhật Bản phải “lép vế” và phải giữ vị trí của một kẻ bại trận.

Lễ diễu binh với khoảng 12.000 quân nhân và 200 máy bay tham gia trên quảng trường Thiên An Môn là cơ hội phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc, cũng như vị thế và vai trò của nước này trong khu vực, mà bằng chứng là 84% số vũ khí mới lần đầu tiên được Trung Quốc giới thiệu.

Theo nguyệt san The Economist, mọi động thái của Trung Quốc đều có thể ảnh hưởng tới khu vực khi mà những vết thương chiến tranh tại đây vẫn chưa lành. Bán đảo Triều Tiên vẫn bị chia cắt làm hai, Trung Quốc đại lục và Đài Loan vẫn chia rẽ ; tại cả hai nơi này, căng thẳng quân sự có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào. Thật viễn vông khi vẫn cho rằng người Mỹ có thể giúp kiểm soát được tình hình tại đây.

Nhiều người châu Á lo ngại rằng tham vọng bành trướng của Trung Quốc sẽ khiến các cường quốc hay các nước nhỏ rơi vào quỹ đạo xung đột. Thật vậy, khi mà Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản tại biển Hoa Đông, hay xây dựng các đường bay và căn cứ trên các rạn san hô ngoài khơi biển Đông, thì mọi mối e ngại đều có cơ sở. Căng thẳng cũng có thể leo thang khi Hoa Kỳ cũng hiện diện tại các khu vực đang có tranh chấp.

Hậu Thế chiến II tại Đông Á không giống như tại Tây Âu. Không có NATO cũng không có Liên Hiệp Châu Âu liên kết các cựu thù với nhau: như nước Pháp quyết định phát triển hoà bình với Đức, kẻ thù xâm lược cũ. Thế nhưng, chuyện này không xảy ra tại châu Á, vì vậy, Đông Á không thể ổn định bằng Tây Âu. Tại vùng viễn Đông này lẫn lộn các nước giàu và nghèo, dân chủ và độc tài và có rất ít các hiệp định về giá trị chung hay thậm chí vẫn chưa phân định được đường biên giới của nhau.

Khu vực này có lẽ sẽ phát triển hòa bình và phồn thịnh biết bao nếu Trung Quốc tìm cách trở thành nước đứng đầu khu vực, không phải dựa trên nền tảng của quá khứ, mà dựa vào cách xây dựng thái độ của nước này ngày nay.

Trong quá khứ, Trung Quốc đã bị Nhật Bản chiếm đóng và kết cục là Nhật Bản bị đánh bại. Vậy tại sao Chủ tịch Tập Cận Bình không nên rút bài học quá khứ để duy trì bình ổn trong khu vực, thay vì lặp lại giai đoạn lịch sử đau thương đó ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.