Vào nội dung chính
NHẬT - TRUNG

Ngoại giao dọn đường cho cuộc gặp hai lãnh đạo Trung-Nhật

Trong cuộc gặp song phương giữa lãnh đạo ngành ngoại giao Trung Quốc và Nhật Bản vào hôm qua 07/11/2014 tại Bắc Kinh bên lề các cuộc họp chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh APEC sắp đến, Tokyo đã chính thức công nhận rằng giữa hai bên thực sự có tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý "khôi phục đối thoại" - RFI /Reuters
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý "khôi phục đối thoại" - RFI /Reuters
Quảng cáo

Đây là một trong những điều kiện Bắc Kinh từng đưa ra để chấp nhận một cuộc họp tay đôi giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm cải thiện quan hệ đang căng thẳng. 

Trong hai bản tuyên bố riêng biệt, nhưng cùng một nội dung, công bố sau cuộc tiếp xúc giữa hai ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc đặc trách Ngoại giao và Shotaro Yachi, Cố vấn An ninh của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Trung Quốc và Nhật Bản đã xác nhận răng hai nước « đã đồng ý khôi phục dần dần các cuộc đối thoại chính trị, ngoại giao và trong lĩnh vực an ninh ».

Quan hệ giữa hai cường quốc Châu Á đã xấu hẳn đi từ mùa thu năm 2012 do tranh chấp về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông, do Nhật Bản quản lý nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền. Bên cạnh đó, các động thái của nhiều lãnh đạo Nhật Bản liên tục đến viếng đền tử sĩ Yasukuni bị Bắc Kinh coi là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật cũng làm bang giao Trung-Nhật căng thẳng thêm. 

Trong thời gian qua, lập trường xuyên suốt của Tokyo trong hồ sơ Senkaku/Điếu Ngư là phủ nhận sự tồn tại của vấn đề tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh trên quần đảo này. Tuy nhiên, tuyên bố hôm qua của Nhật Bản đã ghi nhận những mối « bất đồng » trên các đảo đang tranh chấp với Trung Quốc, và đồng ý với Trung Quốc là hai bên sẽ « tránh gây nên sự cố, làm cho tình hình xấu đi, bằng cách thành lập các cơ chế đối thoại và tham vấn trong trường hợp khủng hoảng. » 

Theo các nhà quan sát, đây quả là một bước tiến trong cố gắng cải thiện trở lại bang giao Trung-Nhật, và điều đó có thể mở đường cho một cuộc gặp gỡ rất được mong đợi giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Shinzo Abe bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC sắp khai mạc tại Bắc Kinh. 

Nếu được thực sự tổ chức, đây sẽ là hội nghị Thượng đỉnh tay đôi đầu tiên kể từ khi hai nhân vật lãnh đạo Đông Á này lên cầm quyền, Thủ tướng Nhật vào cuối năm 2012 và Chủ tịch Trung Quốc vào đầu năm 2013.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.