Vào nội dung chính
CHÂU Á - BIỂN ĐÔNG

Indonesia cảnh báo nguy cơ “ăn miếng trả miếng” giữa các nước tranh chấp Biển Đông

Ngoại trưởng Indonesia, vào hôm qua, 10/12/2012 vừa lên tiếng cảnh giác về nguy cơ xẩy ra tình trạng trả đũa lẫn nhau trong quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Phát biểu với các nhà báo tại Jakarta, ông Marty Natalegawa cho rằng, một khuôn khổ chung rất cần thiết để khuyến khích đối thoại mỗi khi tranh cãi xẩy ra.

Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì (trái) và người đồng nhiệm Indonesia Marty Natalegawa (phải) tại Bộ Ngoại giao ở Jakarta ngày 10/08/2012.
Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì (trái) và người đồng nhiệm Indonesia Marty Natalegawa (phải) tại Bộ Ngoại giao ở Jakarta ngày 10/08/2012. REUTERS/Supri
Quảng cáo

Ngoại trưởng Indonesia đã gợi lên vấn đề tranh chấp các vùng biển, vốn đã chia rẽ Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, giữa các thành viên có đòi hỏi chủ quyền trên một phần Biển Đông, với các nước ủng hộ Bắc Kinh, đang ngày càng khẳng định quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ khu vực.

Theo ông Natalegawa, « Những vấn đề đó chắc chắn sẽ tiếp tục xảy ra vào năm tới… Điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm là thiết lập các chuẩn mực và nguyên tắc làm cơ sở giải quyết các loại vấn đề đó khi chúng xuất hiện ». Ngoại trưởng Indonesia là người trong thời gian qua đã cố gắng đấu tranh để ASEAN có được một lập trường chung trong đàm phán với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Trong các thành viên ASEAN, Philippines và Việt Nam ngày càng phải đối đầu với Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, với sự hỗ trợ của một lực lượng quân đội ngày càng hùng hậu.

Tranh chấp đã căng thẳng hẳn lên sau khi Hoa Kỳ quyết định « xoay trục » quân sự và ngoại giao sang châu Á để kềm hãm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Nhiều nước Đông Nam Á đã rất hoan nghênh sự hiện diện quân sự mạnh mẽ hơn của Mỹ và các nước khác như Nhật Bản chẳng hạn.

Ông Natalegawa tuy nhiên đã cảnh giác các nước về ý muốn leo thang, vì điều đó sẽ dẫn đến tình trạng « ăn miếng trả miếng » giữa các quốc gia đang tranh chấp.

Là thành viên lớn nhất của ASEAN, Indonesia không đòi hỏi chủ quyền trực tiếp tại Biển Đông, nhưng luôn thúc đẩy một cuộc đối thoại đa phương với Bắc Kinh về các tranh chấp. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ muốn giải quyết tay đôi với từng bên tranh chấp.

Cho đến nay, Jakarta đã cố gắng nhưng không thành công trong việc động viên ASEAN đề ra một cách tiếp cận của toàn khối.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.