Vào nội dung chính
THÁI LAN

Quân đội Thái phải đối mặt với hơn 3.000 chiến binh Hồi giáo ly khai

Ngày hôm qua, 02/04/2012, theo AFP, Tổng tư lệnh quân đội Thái Lan Prayut Chan-O-Cha cho biết, quân đội nước này phải đối mặt với khoảng 3.000 chiến binh Hồi giáo thuộc phong trào ly khai trong vùng cực nam đất nước.

Cứu hộ nạn nhân vụ đánh bom khách sạn Lee Gardens Plaza tại thành phố Hat Yai do lực lượng Hồi giáo ly khai miền Nam Thái Lan thực hiện hôm 31/03/2012.
Cứu hộ nạn nhân vụ đánh bom khách sạn Lee Gardens Plaza tại thành phố Hat Yai do lực lượng Hồi giáo ly khai miền Nam Thái Lan thực hiện hôm 31/03/2012. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Tổng tư lệnh quân đội Thái Lan đã đưa ra phát biểu kể trên tại Bangkok, trước khi tháp tùng Thủ tướng Yingluck Shinawatra tới thăm thành phố Hat Yai, miền cực nam, nơi vừa xảy ra vụ nổ bom tại một khách sạn, vào ngày thứ Bảy 31/03, khiến ba người chết và hơn 400 người bị thương. Ngoài vụ nổ bom kể trên, cũng ngày hôm đó, còn có các vụ tấn công bằng bom khác ở tỉnh láng giềng Yala, khiến 11 người chết và hơn 100 người bị thương.

Tổng tư lệnh quân đội Thái Lan kêu gọi dân chúng giữ bình tĩnh sau các vụ tấn công khủng bố, ngay trước dịp Songkran - Tết năm mới truyền thống của người Thái. Theo Tổng tư lệnh quân đội Thái Lan, hàng ngũ của lực lượng Hồi giáo đòi ly khai bao gồm khoảng 300 chỉ huy và 3.000 chiến binh, bên cạnh đó là khoảng 10.000 cảm tình viên. Tướng Prayut Chan-O-Cha nhận xét số lượng thành viên của phong trào Hồi giáo ly khai giảm xuống trong thời gian gần đây, do có nhiều người bị bắt.

Thành phố Hat Yai là một điểm du lịch nổi tiếng, nơi đón nhiều du khách từ Singapore và Malaysia. Trước vụ nổ này, Hat Yai gần như bình yên, so với các tỉnh láng giềng miền cực nam, nơi bạo lực xảy ra như cơm bữa. Việc một khách sạn tại Hat Yai bị tấn công có vẻ như nằm trong chiến thuật gia tăng bạo lực của phong trào Hồi giáo vũ trang.

Lực lượng Hồi giáo nổi dậy tại miền cực nam Thái Lan không phải là một bộ phận của phong trào thánh chiến Hồi giáo quốc tế. Sự nổi lên của phong trào này gắn liền với cuộc phản kháng lâu đời của các cư dân thuộc sắc tộc Mã Lai theo đạo Hồi ở miền nam, chống lại chính sách kỳ thị của chính quyền Bangkok.

Miền cực nam Thái Lan vốn là xứ tự trị của người Mã Lai Hồi giáo, trước khi bị sáp nhập vào vương quốc Thái Lan năm 1902. Kể từ tháng 01/2004, một làn sóng nổi dậy vũ trang bùng nổ tại khu vực này. Từ đó đến nay các vụ xung đột đã làm hơn 5.000 người thiệt mạng.

Nhằm đàn áp các vụ bạo loạn, chính quyền Thái Lan đã áp đặt tình trạng khẩn cấp tại khu vực này. Một trong những biến cố kinh hoàng nhất kể từ khi bạo động bùng phát, là vụ cảnh sát bắn chết 7 người trong một cuộc biểu tình, và 78 người khác bị chết ngạt hay bị đè chết trong các xe tải, trên đường đến nơi giam giữ vào tháng 10/2004.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.