Vào nội dung chính
ASEAN 2012

Những thách thức cho Cam Bốt khi lên nắm chủ tịch luân phiên Asean

Từ đầu năm nay, chức chủ tịch luân phiên khối Asean 2012 được chuyển sang cho Cam Bốt nắm giữ trong bối cảnh tình hình trong khu vực có nhiều biến động thời gian gần đây. Giới quan sát chính trị nghi ngờ khả năng có thể hoàn thành được trọng trách cũng như vai trò chủ tịch Asean làm trung gian giải quyết các xung đột, bất đồng trong khu vực. 

Quảng cáo

08:39

Thông tín viên Phạm Phan tại Phnom Penh

Anh Vũ

Thông tín viên Phạm Phan từ Phnom Penh trình bày những thách thức đang đón chờ Cam Bốt trên cương vị chủ tịch Asean 2012 :

Ngày 30/4/1999, Cam Bốt chính thức gia nhập khối ASEAN. Hơn ba năm sau, vào ngày 4-5/11/2002, tại Phnom Penh khai diễn Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN. Như thế Cam Bốt đã trải qua một lần về việc tổ chức hội nghị quan trọng này.

Theo qui định, nước chủ nhà phải chủ trì các cuộc họp trong khối và cuộc họp mở rộng với nhiều quốc gia trong vùng. Về cuộc họp nội khối thì có Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN là quan trọng nhất, đây là cuộc họp của các nguyên thủ quốc gia thành viên. Về hội nghị cấp cao với các nước trong khu vực, có thể kể ra đây hai hội nghị, đầu tiên là Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á, bao gồm 10 nước thành viên khối ASEAN và 8 nước lớn khác, trong đó có Hoa Kỳ, Nga, và Trung Quốc…Một hội nghị khu vực tầm vóc nữa là Diễn Đàn Khu Vực ASEAN (ARF) gồm có 25 nước tham dự, trong đó có Liên Hiệp Châu Âu.

Về mặt an ninh, từ khi cuộc chiến chống khủng bố do Hoa Kỳ khởi xướng sau biến cố 11/9/2001 thì tại xứ Chùa Tháp chưa xảy ra vụ đánh bom nào do các nhóm Hồi Giáo cực đoan tiến hành.

Vào lúc xung đột biên giới Thái – Cam Bốt tạm thời hòa dịu thì Biển Đông trở thành điểm chú mục từ khi xảy ra sự kiện sáng sớm ngày 26/5/2011, lúc 3 tàu hải giám Trung Quốc xâm nhập vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam, uy hiếp và cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam.

Thêm một sự kiện đáng chú ý nữa, ngày 6/12/2011, Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào kêu gọi hải quân Trung Quốc sẳn sàng chiến đấu nhân lúc đọc diễn văn trước Quân Ủy Trung Ương. Trong tình hình như thế, các nước trong khối ASEAN như Việt Nam và Philippines với láng giềng Trung Quốc có thể đang đối diện nguy cơ tiềm ẩn xung đột quân sự.

Trong “Lộ Trình ASEAN’ đưa ra có những điểm quan trọng như: “không can thiệp”, “không sử dụng vũ lực”, và “không đối đầu.” Đây chính là thách thức thật sự cho nước chủ nhà Cam Bốt trong năm 2012.

Cam Bốt có đủ khả năng để làm trung gian giải quyết các xung đột trong khu vực và trong khối ?

Các mầm mống xung đột hiện nay xét trong bối cảnh Đông Nam Á, đáng kể nhất là việc Trung Quốc ấp ủ tham vọng bành trướng xuống phía Nam. Hồ sơ này nặng ký nhất và chứng tỏ Cam Bốt khó mà ở vị thế trung gian khi giải quyết căng thẳng về tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông. Điểm tổng quát và mấu chốt nhất kể từ khi xảy ra sự kiện tàu Bình Minh 02 hồi tháng 5/2011, đó là chính quyền Hun Sen vẫn giữ nguyên lập trường của họ với tuyên bố: “Biển Hoa Nam thuộc chủ quyền không tranh cãi của Trung Quốc.”

Ngày 6/12/2011, khi Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đến Phnom Penh, thì trước đó một ngày, Chủ Tịch Quốc Hội Heng Samrin bay đi Bắc Kinh. Hai chuyến đi về hai hướng khác nhau và xảy ra cùng thời điểm, tất nhiên không phải ngẫu phát. Ông Heng Samrin hiện nay đứng hàng thứ 3 trong Đảng Nhân Dân Cam Bốt đương quyền. Vào lúc Khmer Đỏ bị chế độ Hà Nội đánh bại, thì ông Heng Samrin được đưa lên vị trí đứng đầu đảng và nhà nước. Thế nhưng trong chuyến viếng thăm quan trọng do nhân vật cầm đầu Đảng Cộng Sản Việt Nam thực hiện thì ông Heng Samrin không có mặt để tiếp đoàn mà phải đi Bắc Kinh gặp các lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc trong đó có ông Tập Cận Bình.

Theo Báo Đất Việt online ở trong nước : “…ông Tập Cận Bình đánh giá cao tầm quan trọng trong quan hệ với Campuchia, khẳng định tiếp tục thúc đẩy hợp tác sâu rộng với Campuchia…” và “…ông Heng Samrin hoan nghênh sự giúp đỡ lâu dài của Trung Quốc dành cho Campuchia đồng thời khẳng định Quốc hội Campuchia sẽ góp phần tích cực vào việc phát triển các mối quan hệ song phương…”

Theo ghi nhận trên các báo mạng của chính quyền Việt Nam, xin trích: “Trong vòng 6 năm qua, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã 11 lần tới thăm Trung Quốc, nhiều hơn hẳn so với đến các quốc gia khác, trong khi lãnh đạo Trung Quốc 6 lần tới thăm Campuchia. Từ năm 2005-2010, Quốc vương Norodom Sihamoni đã 5 lần thực hiện chuyến thăm cấp quốc gia đến Trung Quốc”. Và “Từ năm 2008 đến tháng 6/2010, tổng giá trị đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia đạt 5,6 tỷ USD.”

Trong bản tin thời sự 7 giờ tối của 2 ngày đầu năm 1 và 2/1/2012 của đài truyền hình Việt Nam VTV3 tường thuật rằng: Hai vợ chồng Thủ Tướng Hun Sen và phái đoàn cao cấp gồm nhiều vị tướng lãnh là các vị khách đầu tiên xông đất trong năm mới khi họ đến xã Long Giao - huyện Cẩm Mỹ - tỉnh Đồng Nai khánh thành “khu di tích lịch sử”, nơi đây vào ngày 2/5/1978, Đoàn 125 của người Khmer được thành lập, trong đó ông Hun Sen mới 26 tuổi là một chỉ huy.

Đơn vị quân sự này về sau phát triển thành lực lượng võ trang và cùng bộ đội Hà Nội tiến vào Phnom Penh đánh bại chế độ Pol Pot - Ieng Sary ngày 7/1/1979. Hà Nội đứng ra tổ chức sự kiện này với sự tham dự của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, có thể là sự nhắn gởi đến bộ máy cầm quyền ở Phnom Penh nhớ rằng “ăn trái phải nhớ kẻ trồng cây”, khi trong tuần này Phnom Penh làm lễ kỷ niệm 33 năm ngày được hồi sinh.

Dường như Hà Nội đang cố giữ Phnom Penh trong vòng ảnh hưởng như sau thời kỳ 1979 nhưng thực tế cho thấy Phnom Penh đã ủng hộ Bắc Kinh, và chính điều này sẽ làm cho vị thế trung gian của Cam Bốt mất đi khi họ nắm chức chủ tịch luân phiên.

3/ Với vai trò chủ tịch Cam Bôt có thể giải quyết dứt điểm những tranh chấp với láng giềng Thái Lan ?

Quan hệ Thái – Cam Bốt kể từ khi phe thân cựu Thủ Tướng Thaksin lên nắm quyền tại Băng Cốc trở nên nồng ấm và đang được cải tiến dần. Những ngày cuối năm 2011, Ngoại Trưởng Thái Surapong Tovichakchaikul có mặt tại Phnom Penh để gặp người đồng nhiệm là Ngoại Trưởng Hor Namhong và đến chào Thủ Tướng Hun Sen. Có ba vấn đề chính mà dù có chút ít tiến bộ nhưng vẫn còn phải thương thảo.

Vấn đề thứ nhất là tranh chấp đền Preah Vihear, dù Ủy Ban Biên Giới Chung của hai nước đã họp và đồng ý rút quân. Nhưng Ngoại Trưởng Surapong nói việc biến khu vực đền thành vùng phi quân sự còn phải được thảo luận tại Quốc Hội Thái trước khi nói chuyện với Cam Bốt, và ông không đưa ra thời biểu chính xác.

Hai bên cũng đồng ý xúc tiến thương thảo để tìm cách khai thác dầu khí tại vùng biển chưa được phân định rõ giữa hai nước ở Vịnh Thái Lan. Tuy nhiên tiến trình này cần nhiều thời gian. Vấn đề đã bị bế tắc thời Thủ Tướng Abhisit. Vùng biển giàu dầu khí này rộng 26.000 cây số vuông và có đủ dầu và khí đốt để cung cấp điện cho cả hai nước trong 5 thập niên tới.

Vấn đề thứ ba là hai tù nhân thuộc Phe Áo Vàng bị kết tội gián điệp và xâm nhập lãnh thổ Cam Bốt trái phép, hiện nay vẫn còn bị giam tại nhà tù Prey Sar ở ngoại ô Phnom Penh. Sau khi bà Yingluck lên cầm quyền Thủ Tướng vào tháng 7 năm ngoái thì có hy vọng hai nhân vật gồm ông Veera Somkwamkid và bà Ratree Pipattanapaiboon được trả tự do. Những ngày cuối tháng 12/2011 khi cả hai tù nhân này bị giam được một năm thì tòa án phúc thẩm Phnom Penh cho phép họ ra trước tòa để xem xét lại đơn kháng án của họ nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định phóng thích. Việc các nhân vật hoạt động chính trị của Thái lại bị tù giam lâu ở xứ Chùa Tháp là trường hợp đặc biệt.

So với hồ sơ Biển Đông thì với vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2012, chính quyền Hun Sen tương đối thuận lợi trong hồ sơ Thái – Cam Bốt khi bà Yingluck còn cầm quyền. Tất nhiên khó mà đi đến chỗ dứt điểm các dị biệt của hai bên.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.