Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - HÀN QUỐC

Seoul và Tokyo lại căng thẳng vì hồ sơ lao động cưỡng bức thời Nhật chiếm đóng

Căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc lại gia tăng liên quan đến việc đền bù cho lao động cưỡng bức trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên cho đến năm 1945. Tokyo hôm nay 21/02/2024 đã triệu đại sứ Hàn Quốc lên để phản đối việc một công ty Nhật Bản trả tiền đền bù ngoài ý muốn.

Japan's Chief Cabinet Secretary Yoshimasa Hayashi attends a press conference at the prime minister’s official office in Tokyo, Wednesday, Jan. 10, 2024.
Chánh văn phòng thủ tướng Nhật Yoshimasa Hayashi, tại cuộc họp báo ở Tokyo, ngày 10/01/2024. AP
Quảng cáo

Theo AFP, vụ việc lần này liên quan đến công ty đóng tàu Hitachi Zosen của Nhật Bản. Phát ngôn viên chính phủ Nhật, Yoshimasa Hayashi, hôm nay 21/02 cho biết Tokyo đã triệu tập đại sứ Hàn Quốc Yun Duk Min để bày tỏ « sự phản đối mạnh mẽ » về việc tư pháp Hàn Quốc trong tuần này đã rút tiền từ khoản ký quỹ của Hitachi Zosen và chuyển cho gia đình một nạn nhân. Phát ngôn viên chính phủ Nhật xem đây là việc « cực kỳ đáng tiếc ».

Hồi tháng 12/2023, Tòa tối cao Hàn Quốc ra phán quyết Hitachi Zosen phải trả 50 triệu won (gần 35.000 euro) tiền bồi thường thiệt hại cho gia đình một người Hàn Quốc từng là nạn nhân của nạn lao động cưỡng bức thời Nhật đô hộ Hàn Quốc. Việc rút tiền ký quỹ trả cho nạn nhân là điều chưa từng và khiến Tokyo nổi giận, bởi theo chính quyền Nhật, mọi tranh chấp với Seoul liên quan đến vấn đề lịch sử này đã được giải quyết bằng một hiệp ước song phương ký hồi năm 1965.

Về phía công ty Nhật, khi được AFP hỏi, phát ngôn viên của Hitachi Zosen cũng tuyên bố tập đoàn không thay đổi quan điểm và cho là vấn đề này đã khép lại kể từ hiệp ước song phương năm 1965.

Xin nhắc lại là xung khắc giữa hai nước thường xuyên xảy ra trong những năm gần đây do những bất đồng về lịch sử, nhưng quan hệ song phương đã được cải thiện từ khi tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol lên nắm quyền hồi năm 2022. Tổng thống Yoon mong muốn xích lại gần hơn với Nhật Bản, đặc biệt để hai bên cùng nhau đối phó với những nguy cơ địa chính trị ở châu Á, chẳng hạn liên quan đến Bắc Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc hồi năm 2023 đã thông báo một cơ chế bồi thường cho nạn nhân bị cưỡng bức lao động mà không có sự tham gia trực tiếp của phía Nhật Bản. Seoul chỉ kêu gọi các công ty Nhật Bản có liên quan tự nguyện đóng góp cho chương trình này, nhưng cho đến nay chưa có công ty Nhật Bản nào đáp ứng nguyện vọng của Hàn Quốc. Seoul ước tính khoảng 780.000 người Hàn Quốc đã bị cưỡng bức lao động trong suốt 35 năm xứ hoa anh đào chiếm đóng bán đảo Triều Tiên, chưa kể đến những người phụ nữ bị ép buộc làm nô lệ tình dục cho lính Nhật trong Đệ Nhị Thế Chiến ở khắp châu Á, và ngay cả ở Hàn Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.