Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - NHẬT BẢN

Tokyo thận trọng với đề nghị ‘‘mời thủ tướng Nhật thăm Bắc Triều Tiên’’

Nhật Bản và Bắc Triều Tiên tỏ một số dấu hiệu muốn bình thường hóa quan hệ, nhưng con đường còn rất xa. Trong một thông báo hôm nay, 16/02/2024, phát ngôn viên của chính phủ Nhật cho biết Tokyo ‘‘sẽ lưu tâm’’ đến đề xuất mời thủ tướng Nhật Fumio Kishida đến thăm Bình Nhưỡng của Kim Yo Jong, người em gái đầy quyền lực của lãnh đạo Bắc Triều Tiên. 

Japan's Chief Cabinet Secretary Yoshimasa Hayashi attends a press conference at the prime minister’s official office in Tokyo, Wednesday, Jan. 10, 2024.
Hình lưu trữ: Chánh văn phòng thủ tướng Nhật Yoshimasa Hayashi, tại cuộc họp báo ở Tokyo, ngày 10/01/2024. AP
Quảng cáo

Hôm qua, em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã đưa ra một tuyên bố thoạt nhìn có vẻ đầy triển vọng. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh hồi tuần trước thủ tướng Nhật khẳng định ‘‘có một nhu cầu lớn’’ cải thiện quan hệ song phương hiện tại.

Theo hãng thông tấn Nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA, bà Kim Yo Jong cho rằng Bắc Triều Tiên và Nhật Bản ‘‘có thể mở ra một tương lai mới trong quan hệ song phương’’, và ‘‘không có lý do nào khiến hai nước không thể xích lại gần nhau’’. Tuy nhiên, bà Kim Yo Jong cũng nói rõ là hai bên chỉ có thể ‘‘cùng nhau mở ra một tương lai mới’’ với điều kiện Nhật Bản chấp nhận khép lại vấn đề người Nhật bị bắt cóc.

Một trong những bất đồng lớn giữa hai bên là Tokyo không chấp nhận quan điểm của Bình Nhưỡng, coi vấn đề người Nhật bị Bắc Triều Tiên bắt cóc những năm 1970 – 1980 ‘‘đã được giải quyết’’.

AFP dẫn lời phát ngôn viên chính phủ Nhật Yoshimasa Hayashi, nhấn mạnh là việc Bắc Triều Tiên cho vấn đề bắt cóc đã được giải quyết là điều ‘‘hoàn toàn không thể chấp nhận được’’. Theo chuyên gia về Bắc Triều Tiên Masao Okonogi, giáo sư danh dự Đại học Keiko ở Tokyo, ‘‘không có gì cho thấy quan hệ song phương sẽ tiến triển trong thời gian tới’’, và Tokyo sẽ không có lợi ích gì khi tổ chức một cuộc thượng đỉnh, nếu Bình Nhưỡng tiếp tục lờ đi vấn đề nói trên.

Năm 2002, Bình Nhưỡng thừa nhận đã bắt cóc tổng cộng 13 người Nhật, và buộc họ dạy tiếng và phong tục Nhật Bản cho các gián điệp Bắc Triều Tiên. Cùng năm này, Bắc Triều Tiên trả tự do cho 5 người Nhật và cho biết tất cả những người khác đã chết. Đối với phía Nhật, con số người bị bắt cao hơn nhiều. Cho đến nay, Tokyo vẫn kiên quyết đòi Bình Nhưỡng trao trả toàn bộ.

Đài Nhật NHK dẫn lời một nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho hay, tuyên bố của em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng có thể nhằm mục tiêu làm sói mòn các nỗ lực của ba quốc gia đồng minh Mỹ, Nhật, Hàn nhằm đưa ra các chính sách chung liên quan đến Bắc Triều Tiên.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.